10/06/2015 11:25 GMT+7

​Thi công cống bít nguồn nước, người nuôi sò huyết trắng tay

NHƯ NGỌC
NHƯ NGỌC

TTO - Nhiều hộ nuôi sò huyết tại xã Đông Hưng A, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang mất ăn mất ngủ vì hàng chục hécta sò huyết nuôi bị chết đột ngột.

Gần 2ha nuôi sò huyết bị mất trắng của ông Trần Văn Thanh ngụ ấp Ngọc Hồng, xã Đông Hưng A, huyện An Minh. (Ảnh: N.Ngọc)

Gần 2ha nuôi sò huyết bị mất trắng của ông Trần Văn Thanh ngụ ấp Ngọc Hồng, xã Đông Hưng A, huyện An Minh - Ảnh: N.Ngọc

Ông Nguyễn Văn Thương (ngụ ấp Hồng Ngọc, xã Đông Hưng A) cho biết vụ sò vừa rồi gia đình ông mất trắng hơn 500 triệu đồng vì toàn bộ số sò gia đình ông đang nuôi sắp tới ngày thu hoạch thì chết sạch.

Theo ông Thương, nguyên nhân dẫn đến việc sò chết là do công trình làm cống Rọ Ghe và Thuồng Luồng đã chặn nguồn nước lưu thông hai đầu nên các vuông sò dọc tuyến rừng phòng hộ ven biển không thể thông nước, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước làm sò chết.

Bà Nguyễn Thị Kim Em (ngụ cùng ấp) cho hay gần 2ha nuôi sò nhà bà đã chết sạch. Theo bà Em, sò chết quá nhanh, gia đình bà không kịp trở tay. Khi phát hiện được sò chết, bà xuống vuông kiểm tra thì toàn bộ số sò bà thả nuôi chỉ còn lại vỏ không.

Theo bà Em, nuôi sò là nguồn thu nhập chính trong gia đình, vụ vừa rồi mất trắng, con bà phải lên Bình Dương kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Còn ông Trần Văn Đội (ngụ ấp Ngọc Hải, xã Đông Hưng A) cho hay gia đình ông có 9ha nuôi sò, thiệt hại từ vụ sò vừa qua đã làm ông mất trắng 400 triệu đồng và gần một năm lao động không công.

Theo ông Đội, công trình cống đã thi công nhiều năm chưa xong, gây nhiều khó khăn cho người dân sống ven khu vực cống. Việc thi công chậm, không những làm đường nước không lưu thông được mà còn gây khó khăn trong đi lại và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều bất tiện.

“Bà con xã Đông Hưng A rất mong công trình cống Rọ Ghe và Thuồng Luồng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để bà con nông dân nơi đây yên tâm sản xuất, bên cạnh đó rất mong sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để bà con giảm bớt phần nào thiệt hại vừa qua” - ông Đội nói.

Ông Nguyễn Hoàng Di (bí thư Đảng ủy xã Đông Hưng A) cho biết cống Rọ Ghe và Thuồng Luồng được thi công từ năm 2012 đến nay, thuộc công trình đê quốc phòng phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang làm chủ đầu tư. Theo ông Di, vụ sò vừa qua đã có 45 hộ gia đình chịu cảnh mất mùa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sỹ Minh (phó chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang) cho biết việc thi công cống Rọ Ghe và Thuồng Luồng đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con nuôi sò nơi đây, vì nguồn nước lưu thông đến các vuông yếu hơn so với bình thường, song đây không phải là nguyên nhân chính gây chết sò.

Theo ông Minh, tại thời điểm diễn ra việc sò chết hàng loạt, nắng nóng dữ dội, độ mặn trong các vuông sò tăng cao, nước xuống cặn nên nguyên nhân gây chết sò là do yếu tố môi trường.

Cống Rọ Ghe thi công từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: N.Ngọc)
Cống Rọ Ghe thi công từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thành - Ảnh: N.Ngọc

Theo số liệu báo cáo đến Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, ông Minh cho biết diện tích sò chết khoảng gần 60ha, thiệt hại của mỗi hộ nuôi là 50-70%, một số ít còn lại sò bị chết trắng 100%.

“Trường hợp của xã Đông Hưng A, huyện An Minh không nằm trong diện được hỗ trợ vì nguyên nhân gây chết sò là do môi trường, không phải do thiên tai, dịch bệnh, không thuộc vùng được UBND tỉnh công bố dịch” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng xác nhận hiện tượng sò chết chỉ xảy ra trong khu vực có hai công trình cống đang xây dựng.

NHƯ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên