Đại hội cổ đông năm nay, ngoài chuyện cổ tức, nhiều cổ đông cũng chất vấn về mức thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát - Ảnh A.H. |
Tính đến đầu tháng 5, phần lớn các ngân hàng có hội sở trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành đại hội cổ đông.
Năm nay bên cạnh vấn đề cổ tức thấp, lợi nhuận sụt giảm, nhiều cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo ngân hàng vì sao mức thù lao cho hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát quá cao, ngay cả với ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.
Mới đây nhất tại đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), một cổ đông đã yêu cầu làm rõ căn cứ nào HĐQT, Ban kiểm soát lại ấn định mức thù lao bằng 1,5% trên tổng chi phí hoạt động hàng năm.
Thù lao HĐQT cao ngất
Theo vị cổ đông này, ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, tức chi phí càng cao, vì vậy thù lao HĐQT càng cao. Trong khi đó, lẽ ra thù lao HĐQT, Ban kiểm soát phải được trích trên tổng lợi nhuận thu về hàng năm, vì công lao của mình tạo ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SCB nói thù lao HĐQT, Ban kiểm soát được tính trên tổng chi phí hoạt động. Năm 2014, Ban điều hành, Ban kiểm soát đã nỗ lực để giảm chi phí. Cụ thể, tổng chi phí 2013 là 1.807 tỉ đồng, năm 2014 giảm còn 1.702 tỉ đồng.
“HĐQT SCB cũng chưa hài lòng với kết quả đạt được, nhưng không chỉ SCB mà nhiều ngân hàng khác vẫn đang chật vật vì những năm qua thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng”, ông Văn nói.
Ngân hàng Phương Nam cũng bị cổ đông chất vấn về mức thù lao cho HĐQT, ban kiểm soát. Năm 2014 kết quả kinh doanh của ngân hàng này khá “bết bát”, dư nợ tín dụng gần như không tăng, tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh lên mức 5,89% trên tổng dư nợ, lợi nhuận sau thuế năm 2014 sau khi trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,2 tỉ đồng, nhiều năm liền không chia cổ tức.
Tuy nhiên dù không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, song HĐQT vẫn đề xuất được giữ nguyên mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát đã được đại hội cổ đông thường niên 2014 thông qua là 13,7 tỉ đồng.
Còn năm 2015 HĐQT và Ban Kiểm soát Ngân hàng Phương Nam tiếp tục xin cổ đông tăng mức thù lao lên mức 14,17 tỉ đồng với lý do hoạt động ngân hàng khó khăn, đòi hỏi hoạt động quản trị và điều hành phải tăng cường để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, HDBank trình cổ đông thông qua mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2015 ở mức 12 tỉ đồng, đồng thời đề xuất thông qua việc trích 20 tỉ đồng lợi nhuận năm 2014 cho quỹ hoạt động của HĐQT trong năm 2015.
Trước đề xuất này, cổ đông cho rằng như vậy tổng chi phí hoạt động cho HĐQT, ban kiểm soát lên đến 32 tỉ đồng, là quá cao.
Lãnh đạo HĐQT HDBank cho rằng mức thù lao mà HĐQT đề nghị cổ đông phê duyệt thật ra không cao nếu so với ngân hàng khác. Nếu so với ngân hàng có mức thù lao cao nhất thì mức mà HDBank đề xuất chỉ bằng 1/6. Tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của cổ đông để sang năm sẽ báo cáo mức chi phí khả quan hơn.
Tình trạng tương tự ở ngân hàng lớn
Không chỉ ngân hàng nhỏ, mà tại đại hội cổ đông ngân hàng lớn, cổ đông cũng rất quan tâm mức thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát.
Tại đại hội cổ đông Sacombank vừa qua, HĐQT trình cổ đông thông qua khoản thù lao và chi phí hoạt động cho HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2015 ở mức 2% lợi nhuận trước thuế.
Theo tỉ lệ này, mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát Sacombank nhận được trong năm 2014 lên tới trên 53,5 tỉ đồng. Tại đại hội, cổ đông đã đặt câu hỏi rằng mức thù lao này liệu có quá cao hay không? Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng mức này không cao so với nhiều ngân hàng khác.
“Hoạt động ngân hàng bán lẻ quy mô lớn như Sacombank hiện nay yêu cầu HĐQT phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy mức thù lao như hiện nay là không cao so với mặt bằng chung. Thực tế đã có một số cán bộ cao cấp của ngân hàng đã sang ngân hàng khác khi họ nhận được mức lương cao gấp rưỡi so với hiện nay”, ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận