Một vài nơi trồng mắc ca ở Đà Lạt đã bắt đầu ra trái - Ảnh: Mai Vinh |
Bộ NN&PTNT cho rằng mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho các kết quả khác nhau, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Hơn nữa, cần phải xem xét kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường trước khi trồng trên quy mô lớn.
Do đó Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ nên hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.
Tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 khoảng 10.000ha (cả trồng tập trung và xen canh).
Việc trồng cây mắc ca trên quy mô lớn nhất thiết phải đảm bảo các điều kiện đánh giá kết quả khảo nghiệm ở từng địa phương, xác định quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu đối với sự phát triển của cây mắc ca. Đồng thời phải gắn liền trồng mới với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng các loại cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận.
Đồng thời các địa phương cần có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung ứng, kinh doanh giống mắc ca không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.
Cây mắc ca được đưa vào VN từ năm 1994 và được khảo nghiệm ở 16 tỉnh với 20 mô hình khảo nghiệm giống có tổng diện tích 35ha.
Bộ NN&PTNT đã trồng thử nghiệm 40ha cây mắc ca tại Tây nguyên và Tây Bắc, ngoài ra còn có gần 2.000ha do các công ty, cá nhân trồng tại hai vùng nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận