23/03/2015 09:11 GMT+7

Làm sao để TP.HCM vượt khỏi "cái áo chật chội"?

Q.THANH - N.BÌNH thực hiện
Q.THANH - N.BÌNH thực hiện

TT - Liệu TP.HCM còn “dư địa” để phát huy tính sáng tạo trong đổi mới về thể chế quản lý kinh tế, góp phần vào việc hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường?

Ông Trần Du Lịch - Ảnh: Quang Định

Trao đổi với Tuổi Trẻ về chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của TP.HCM, TS TRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nói:

- Sự năng động, sáng tạo trong điều kiện nào cũng có nhưng càng ngày càng khó, đòi hỏi phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn mới có thể tìm ra cách làm mới, hướng đi đột phá.

Khi chính sách, pháp luật không bắt kịp cuộc sống và không phản ánh được hơi thở của cuộc sống thì phát huy sự năng động, sáng tạo của người dân, của chính quyền địa phương để làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh chính sách, pháp luật là rất cần thiết. TP.HCM vẫn còn nhiều “dư địa” để đóng góp vào quá trình này.

Còn nhớ, TP.HCM chủ trương bù lãi suất để bệnh viện, trường học vay mở rộng, đầu tư những năm 1999-2000, theo tính toán mỗi năm ngân sách mất 50 tỉ đồng để bù lỗ nhưng chúng ta đã huy động được 1.500 tỉ đồng đầu tư bệnh viện, trường học.

Nếu không làm vậy, sao TP có thể huy động được số vốn lớn thế? Những cái đó thật sự đã thí điểm và làm được. Hay nhượng quyền khai thác đường Hùng Vương - Điện Biên Phủ. Tổng đầu tư con đường đó 750 tỉ đồng. TP đã lập công ty cổ phần mua lại quyền khai thác với giá khoảng 1.000 tỉ đồng.

Nếu không có 1.000 tỉ đồng đó thì không có tiền để mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa do ngân sách cân đối trung ương không có. Sáng tạo có thể xuất hiện từ địa phương, từ thực tiễn, nhưng điều quan trọng hơn là khi nhận thấy nó cần được khơi dậy thì mới có thể trở thành cái chung, trở thành hiện thực được.

Trong giai đoạn hiện nay tôi không kỳ vọng TP.HCM tiếp tục làm những cá biệt, mà tôi mong chờ trung ương nghiên cứu những cụ thể này hoàn toàn đưa thành thể chế chung. Đừng lúc nào cũng cá biệt, thí điểm.

Chẳng hạn tôi không bao giờ ủng hộ thí điểm hình thức công tư hợp tác (PPP). Chúng ta cần có luật để đảm bảo chắc chắn, nhà đầu tư bỏ tiền yên tâm. Cần luật hóa, không phải cái gì cũng cần thí điểm.

Với thể chế tài chính công hiện hành, nhất là những chế định của Luật ngân sách nhà nước, không khuyến khích các địa phương phát huy tính năng động và sử dụng hiệu quả ngân sách. Chưa kể nền hành chính công chồng chéo chức năng, trách nhiệm giải trình không rõ ràng giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương đang làm hạn chế tác dụng của những cải cách kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

* Theo ông, làm sao để vượt ra khỏi “cái áo” chật chội đó?

- Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ TP.HCM phải vươn tầm so với các TP trong khu vực. Trong khi đó tính tự chủ của đô thị hoàn toàn thiếu, cho nên muốn phát huy tính năng động bị hạn chế. Do đó cần có sự đột phá về mặt chính sách và thể chế chung để TP.HCM có điều kiện phát huy tính năng động, sáng tạo, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển toàn diện.

Nhưng mặt khác cũng cần thấy một điều là quyết tâm đeo bám của chính quyền TP chưa đủ. Có thể thời trước đây không làm thì đói khổ, bắt buộc phải làm, thậm chí phải “xé rào” cũng làm... Còn bây giờ áp lực không lớn như vậy, thành ra cũng có mặt hạn chế của nó.

* Nhưng nếu cứ quanh quẩn “tùy thuộc vào chính sách vĩ mô hơn là vào sự năng động sáng tạo của địa phương”, ngược lại sáng tạo của địa phương vấp phải nhiều khó khăn... thì bao giờ mới giải quyết được những điểm nghẽn để bứt phá?

- Trước đây, TP.HCM là nơi đầu tiên “một cửa, một dấu” ở quận, huyện, rồi sau đó được phát triển lên “một cửa liên thông”; những năm gần đây là công chứng tư, thừa phát lại... cùng với một số định chế tài chính xuất phát từ thực tiễn TP.

Nhưng những cái đó chưa đụng tới bộ máy, con người nên còn dễ dàng. Một khi đề cập đến chính quyền đô thị là đã đụng đến con người, sẽ thấy khó khăn. Tuy nhiên, nếu duy trì bộ máy tổ chức hành chính như hiện nay, rõ ràng TP.HCM bất cập trong quản lý đô thị với quy mô của một TP 10 triệu dân: chồng chéo về chức năng, không rõ ràng, cái gì do địa phương quản lý, cái gì tự chủ, không được tự chủ đều không minh bạch, ngay cả trong tài chính.

Nếu đột phá thể chế được thì nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng mới phát triển được. Bởi vậy, theo tôi, đột phá lớn nhất vẫn là mang tính thể chế. 

Nên là trung tâm giao dịch quốc tế hàng hóa

TP.HCM là nơi có sàn chứng khoán đầu tiên, chúng ta cần mạnh dạn thí điểm áp dụng những công cụ thị trường tài chính, đưa ra các sản phẩm tài chính đa dạng hơn, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật hơn.

Với thị trường bất động sản, cần phải chấm dứt tình trạng người người, nhà nhà làm bất động sản, mà có thể chúng ta phát triển những quỹ đầu tư tín thác. Tức là người dân có tiền sẽ tham gia đầu tư các quỹ này, để làm sao tránh kinh doanh thị trường bất động sản theo phong trào hiện nay.

Trong câu chuyện hội nhập cũng đặt ra TP.HCM định hướng là một trung tâm giao dịch quốc tế hàng hóa. Hay giải phóng lực lượng khoa học kỹ thuật bằng xây dựng cơ chế đặc thù để xây dựng thị trường công nghệ ở đây...

Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH

 

Q.THANH - N.BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên