24/02/2015 09:41 GMT+7

​Mất tết vì hoa dội chợ

HẢI HIẾU - T.KIM ANH
HẢI HIẾU - T.KIM ANH

TT - Trong mùa hoa tết năm nay, nhiều nông dân từ ĐBSCL đem hoa lên TP.HCM bán đành phải ôm nợ trở về quê, do hoa rớt giá và không tiêu thụ được.

Một nông dân buồn rầu vì đến chiều 30 tết vẫn còn đầy hoa chưa bán được - Ảnh: H.Hiếu

Chiều 30 tết (18-2), anh Sơn, người trồng tắc kiểng nổi tiếng ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), đứng trước gian hàng tắc kiểng nằm trong khu vực chợ hoa Bến Bình Đông (Q.8) với xum xuê trái luôn mời chào nhưng đều nhận được những cái lắc đầu của người mua.

Ngồi bệt xuống đống tắc kiểng còn hơn 100 cây, anh Sơn cho biết mấy năm trước bán loại tắc này trúng đậm, giá bao nhiêu cũng bán được.

“Năm nay tắc cội tuy ít trái nhưng giá rẻ, lại xài được nhiều năm nên người ta cứ chọn tắc cội mà mua. Không thể giảm giá để lấy bằng tắc cội được vì công sức bỏ ra cho một cây tắc kiểng rất cao” - anh Sơn cho biết.

Tương tự, tối 30 tết, anh Thẹn phải thuê xe chở mai từ Bến Tre lên đặt bán tại ngã tư Lương Định Của - Trần Não (Q.2), còn hàng trăm chậu hoa cúc bỏ lại ngay tại bãi.

“Năm nay, gần chỗ tui cũng có hoa cúc Đà Lạt nhưng giá rẻ nên người ta mua hết bên đó. Năm trước hoa cúc Đà Lạt giá cao lắm, không biết sao năm nay lại rẻ. Lỡ thuê chỗ này bán rồi đâu dọn đi chỗ khác được. Tui mong bán để lấy lại vốn nhưng vẫn lỗ 40 triệu” - anh Thẹn nói.

Anh Trần Quang Vinh, mang mai, kiểng, bonsai từ Bến Tre lên bán tại đường Lý Thường Kiệt, Q.10, than thở: “Tệ lắm. Hoa, cây kiểng vừa không bán được vừa không có giá. Tôi xuống hàng từ hôm 23 âm lịch nhưng 30 tết chỉ bán được khoảng 30%.

Năm trước mai không nở nhưng bán được hơn vì ai cũng vậy, còn năm nay mai nở sớm nên bán không được”.

Chỉ tay về những điểm bán hoa giấy gần bên, anh Vinh cho biết: “Cây hoa giấy to vậy nhưng bán chỉ có 50.000-100.000 đồng/chậu.

Mai chậu lớn có giá từ 2-3 triệu đồng/chậu nhưng cả tuần chỉ bán được vài chậu, trong khi chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng gần 10 triệu đồng”.

Còn ông Việt (bán mai, tắc) cũng cho biết ban đầu bán ở đường An Dương Vương, Q.8 từ hôm 23 âm lịch nhưng ế quá nên tối 29 phải chở ra đường Lý Thường Kiệt Q.10 bán tiếp nhưng tình hình không khả quan hơn. “Mấy chậu quýt này tôi bán đổ bán tháo để lấy lại vốn với giá 100.000-200.000 đồng/chậu lớn nhưng vẫn không bán được” - ông Việt than.

Ông Nguyễn Văn Trung - chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (H.Chợ Lách, Bến Tre), một trong những xã trồng hoa, cây kiểng bán tết ở TP.HCM nhiều nhất, cho biết năm nay hơn 80% nông dân của xã tự đem hoa lên TP.HCM bán. Nhiều nông dân bị động về địa điểm bán nên lỗ nặng.

“Nhiều điểm chợ trên TP.HCM buộc phải giao mặt bằng sớm để dọn dẹp chuẩn bị tết, có nơi thu mặt bằng từ 9g sáng 30 tết. Thời điểm này, nhiều người ra chợ mua hoa nhưng người bán lại bị động không có chỗ đành phải bán đổ bán tháo mong thu hồi vốn, trả mặt bằng. Nhiều điểm chợ không bán được phải đem về vì không có người mua” - ông Trung nói.

HẢI HIẾU - T.KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên