29/01/2015 10:52 GMT+7

​Hạt gạo xuất khẩu chịu 4 vòng xiềng xích

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Không tự do hóa thị trường xuất khẩu sẽ rất khó xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu và nâng cao giá trị hạt gạo VN.

Sau khi xuất được khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2014, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7-7,5 triệu tấn gạo trong năm 2015, chủ yếu cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á - Ảnh: gulfnews.com

Đó là một trong những ý kiến được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo VN do Bộ NN&PTNT và Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 28-1.

Ông Cao Minh Lãm, chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết để xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải vượt qua được ít nhất bốn điều cấm đang áp dụng.

Đó là, doanh nghiệp phải có giấy phép xuất khẩu gạo theo nghị định 109, trong đó yêu cầu phải có kho chứa và hệ thống xay xát đủ tiêu chuẩn với vốn đầu tư rất lớn. Khi có hợp đồng, doanh nghiệp phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được dù hai phía đã thỏa thuận xong.

Tiếp đó, doanh nghiệp phải chịu tác động của chính sách giá sàn do VFA đưa ra. Cuối cùng, doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào các thị trường tập trung (hợp đồng giữa các chính phủ) là Philippines, Indonesia, Cuba và Iraq.

Tại các thị trường này, chỉ đơn vị đại diện cho chính phủ (thường là Vinafood 1 và Vinafood 2) được đăng ký đấu thầu bán gạo, các doanh nghiệp khác không được xuất khẩu.

“Nếu vậy, doanh nghiệp cần gì phải làm thương hiệu gạo, cứ theo hợp đồng chính phủ mà làm thôi. Điều này tạo ra tiền lệ là các doanh nghiệp ỷ lại vào hợp đồng tập trung không thèm làm thương hiệu, lo thị trường nên mới xảy ra lỗ lã liên tục” - ông Lãm nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các điều kiện xuất khẩu gạo đang áp dụng là điều vô lý và không minh bạch.

Cần phải xóa bỏ hạn chế xuất khẩu, quyền kinh doanh xuất khẩu là của tất cả mọi người, không thể cho doanh nghiệp lớn xuất khẩu mà không cho doanh nghiệp nhỏ, không thể cho doanh nghiệp cũ mà không cho doanh nghiệp mới bán hàng.

“Chính sách phân biệt đối xử như vậy sẽ tạo ra nhóm lợi ích chia cắt thị trường. Chỉ khi tự do hóa thị trường, các doanh nghiệp nhỏ mới tìm được các thị trường ngách để đưa sản phẩm VN đi xa” - ông Cung nói.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên