03/01/2015 12:24 GMT+7

​Thịt ngoại dồn dập tràn về

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2014, VN đã nhập khẩu gần 210.000 con trâu bò theo đường chính ngạch, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2013.

Khách hàng chọn mua thịt bò Úc tại cửa hàng Vissan trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Nguồn: Hiệp hội Chăn nuôi VN - Đồ họa: Vĩ Cường

Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn tấn thịt đông lạnh gồm trâu bò, heo gà... dồn dập nhập khẩu về VN.

Bò Úc tăng vượt dự đoán

Thịt bò Úc sao dai quá?

Nhiều người tiêu dùng sau khi mua bò Úc về sử dụng thấy hơi thất vọng vì dai quá chứ không mềm như ăn bò Mỹ, bò Nhật xách tay và nghi ngờ nguồn gốc bò Úc đang bán ngoài thị trường. Theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, bò Úc được chăn thả tự nhiên từ bé, tức là thả rông và ăn cỏ trên các cánh đồng cỏ rộng lớn, đến khoảng ba tháng trước khi bán mới được gom lại và vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp. Do đó bò Úc vẫn có độ dai hơn so với bò nuôi công nghiệp của Mỹ, Nhật nhưng so với bò nội địa hoặc bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan thì vẫn mềm hơn. Hơn nữa trong đàn bò có con già con non, nếu người tiêu dùng mua phải thịt bò già sẽ bị dai hơn.

Những ngày cuối tháng 12-2014, bà Trương Thị Đồng - giám đốc Công ty TNHH Trung Đồng (Đồng Nai) - tất bật chuẩn bị chuồng trại, hợp đồng với khách hàng trong nước để chuẩn bị cho chuyến tàu nhập khẩu trên 1.000 con bò Úc về VN kịp tiêu thụ trong dịp tết.

Bà Đồng cho hay dù tình hình nhập khẩu bò từ Úc gặp nhiều khó khăn hơn năm trước, nhưng các công ty cho biết họ vẫn dành những hợp đồng lớn dịp tết này do nhu cầu tăng cao.

Theo thống kê chính thức từ Cơ quan xúc tiến xuất khẩu gia súc của Úc, chỉ tính riêng tháng 10-2014 có trên 17.000 con bò Úc được đưa về VN.

Theo đó, tổng số bò Úc mà VN nhập khẩu trong mười tháng đầu năm 2014 đã trên 152.000 con. Như vậy chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, lượng bò nhập khẩu từ nước này đã vượt quá con số ước tính của cả năm 2014 mà Hiệp hội Chăn nuôi VN đưa ra trước đó (150.000 con).

Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, cho biết với tốc độ nhập khẩu như hiện nay thì cả năm 2014, VN sẽ nhập trên 180.000 con bò Úc, tăng hơn 2,5 lần tổng lượng nhập khẩu của năm 2013 (70.000 con). VN sẽ tiếp tục giữ vị trí là nước nhập khẩu bò Úc lớn thứ hai chỉ sau Indonesia.

Con số trên mới chỉ là từ thị trường Úc, nếu tính tổng nhập khẩu bò từ các nước thì theo số liệu hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2014 VN đã nhập gần 210.000 con trâu bò theo đường chính ngạch và con số này có thể lên đến 250.000 con trong cả năm 2014.

Đó là còn chưa kể tới lượng trâu bò nhập khẩu từ Thái Lan, Lào, Campuchia qua đường biên giới miền Trung và Nam Trung bộ không được thống kê trong số liệu chính thức nhưng theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi VN, cũng lên tới 50.000 con mỗi năm.

Khách hàng chọn mua thịt bò Úc tại siêu thị Co.op Mart trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Thịt ngoại ép thịt nội

Sau hai đơn vị đầu tiên nhập khẩu bò Úc là Trung Đồng (Đồng Nai) và Thủy Hà (Long An), đến nay đã có thêm nhiều đơn vị nhập khẩu bò Úc phân bố ở cả ba miền trên toàn quốc. Giá bán bò Úc cũng bắt đầu tăng so với thịt bò trong nước, nhưng không vì thế mà lượng tiêu thụ giảm đi.

Theo khảo sát của chúng tôi, giá bán lẻ thịt bò Úc tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm đã tăng 20.000-30.000 đồng/kg so với hồi giữa năm 2014. Cụ thể, thịt bò fillet đang bán với giá 360.000 đồng/kg, thịt thăn ngoại giá 340.000 đồng/kg, bắp bò giá 245.000 đồng/kg...

Theo các công ty nhập khẩu bò, giá bán lẻ tăng trong thời gian qua do giá nhập khẩu bò Úc đã tăng mạnh so với trước. “Hiện bò Úc mua vào đã ở mức trên 3,2 USD/kg, nên giá bán lẻ trong siêu thị tăng như vậy là còn ít” - ông Lưu Sơn Thủy, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thủy Hà (Long An), cho biết.

Dù giá tăng, các doanh nghiệp cho biết họ vẫn tăng cường nhập khẩu bò về trong dịp tết do nguồn cung trong nước ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu. Chưa kể liên tiếp trong thời gian qua, thông tin về các cơ sở giết mổ bò nhỏ lẻ đã bơm nước vào bò nhằm tăng trọng lượng càng làm người tiêu dùng e ngại sử dụng thịt bò nội địa vì sợ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tết này VN vẫn phải nhờ tới bò nhập khẩu mới bình ổn được thị trường vì bò trong nước không đủ cung cấp” - bà Trương Thị Đồng cho biết.

Trái ngược với thịt bò nhập khẩu, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trong nước lại liên tục giảm trong thời gian qua do nguồn cung dư thừa. Giá cả ở mức cao trong thời gian dài, dịch bệnh hầu như không xuất hiện cả năm đã khuyến khích người dân và công ty chăn nuôi đẩy mạnh tốc độ tăng đàn vật nuôi. Đến nay khi nguồn cung dồi dào lại bị thịt nhập khẩu tấn công, giá các sản phẩm chăn nuôi đang quay đầu giảm mạnh.

Ông Trần Quang Trung, chủ trang trại heo với tổng đàn trên 1.000 con ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), mấy ngày nay cũng đứng ngồi không yên vì thương lái chào giá heo cứ giảm dần. “Hồi giữa năm 2014 còn bán 54.000-55.000 đồng/kg nên tôi tăng đàn bán dịp tết, mà giờ thương lái trả chỉ còn 48.000 đồng/kg. Chỉ sợ gần tết giá còn giảm nữa” - ông Trung cho biết.

Không chỉ giá heo, các sản phẩm chăn nuôi khác cũng bước vào chu kỳ giảm giá dù tết đã đến gần. So với lúc giá cao nhất trong năm 2014, giá gà tam hoàng (gà lông màu) hiện đã giảm trên 10.000 đồng/kg còn 35.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp giảm còn 23.000 đồng/kg (thấp hơn giá thành khoảng 7.000 đồng/kg).

“Chăn nuôi trong nước đã nhiều, thịt ngoại lại ồ ạt nhập khẩu về nữa thì sao giá không giảm được. Chúng tôi đang rất lo lắng cho tình hình tiêu thụ cuối năm” - giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai nói.

Thịt đông lạnh nhập khẩu về nhiều

Không chỉ có lượng trâu bò sống nhập về VN tăng đột biến, lượng thịt đông lạnh cũng được các doanh nghiệp VN nhập khẩu về nhiều hơn các năm trước.

Trong đó, ngoài bò sống nhập khẩu về giết mổ tại VN, một lượng thịt trâu bò đông lạnh lớn cũng được chuyển về VN thời gian qua và trong thời gian tết sắp tới. Số liệu hải quan cho thấy 11 tháng đầu năm 2014, VN đã nhập khẩu gần 25.000 tấn thịt trâu bò đông lạnh.

Dù chăn nuôi heo, gà trong nước phát triển mạnh trong hơn một năm trở lại đây, các doanh nghiệp vẫn tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh. Ước tính năm 2014 có trên 3.200 tấn thịt heo, gần 90.000 tấn thịt gia cầm, dê cừu... đông lạnh được nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

 

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục