19/12/2014 09:22 GMT+7

Dầu giảm 1 USD, tạo ra bao nhiêu việc làm?

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ (trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM)
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ (trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM)

TT - Giá dầu thế giới vẫn nằm ở mức thấp kỷ lục. Đã có một số ý kiến lo lắng ngân sách của VN sẽ bị ảnh hưởng và đề xuất tăng thuế nhập khẩu xăng hay cắt giảm sản lượng khai thác...

Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo	- Ảnh: Hữu Khoa
Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo - Ảnh: Hữu Khoa

Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa có cơ quan nào trả lời thấu đáo là khi dầu giảm 1 USD, nền kinh tế sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, GDP tăng bao nhiêu?

Xăng trong nước chưa giảm theo thế giới

Chiều 18-12 trên thị trường châu Á, giá dầu hồi phục nhẹ với việc tăng 0,03 USD/thùng, tương đương 0,05%, lên mức 56,5 USD/thùng, theo số liệu từ Bloomberg. Riêng giá nhập khẩu xăng A92 từ Singapore về VN đang ở mức 64,79 USD/thùng, tương đương 8.657,41 đồng/lít.

Với mức giá nhập đó, cộng các khoản thuế, phí, giá cơ sở đang ở mức 18.000 đồng/lít. So sánh với giá bán lẻ hiện 19.930 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối đang lãi khoảng 1.930 đồng/lít.

Như vậy, tính từ lần giảm gần nhất hôm 6-12, giá cơ sở VN giảm được gần 10% trong khi giá bán lẻ vẫn giữ nguyên. Trong cùng thời gian, giá dầu thế giới giảm 14,19% và giá xăng nhập từ Singapore giảm gần 14%, theo Bloomberg.

Theo ông Đặng Văn Hoài - phó phòng kinh doanh xăng dầu Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Petrolimex 2, hiện thuế nhập khẩu xăng đang ở mức 27%, diesel ở mức 23%.

HỒNG QUÝ

Tuổi Trẻ xin giới thiệu góc nhìn của GS.TS Trần Ngọc Thơ - trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM.

Giải quyết bài toán giá xăng dầu giảm cần phải đặt trong bài toán tổng thể và dài hạn, chứ không nên loay hoay với các phương án trong ngắn hạn là tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc giảm khai thác dầu thô trong nước.

Với tình hình như hiện nay, giá dầu thế giới dự báo còn giảm nữa, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu tăng thuế nhập khẩu xăng có khi lại dẫn đến một mối lo khác lớn hơn nhiều, tất cả gánh nặng lại trút lên vai người dân và nền kinh tế. Còn giảm khai thác dầu trong nước cho xuất khẩu là chuyện đương nhiên vì vấn đề cân bằng cung cầu xăng dầu chung trên toàn thế giới.

Khi đề xuất giải pháp tăng thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính chỉ mới thiên hoàn toàn về bù đắp thất thu ngân sách do giá xăng dầu xuất khẩu giảm.

Vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra công luận thông tin nếu giá dầu bình quân trong năm giảm 1 USD sẽ làm thất thu ngân sách 1.000 tỉ đồng và từ đó như ngầm mặc định hướng đến giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu với nhiều hệ lụy chung cho cả nền kinh tế, mặc dù có thể giải quyết nỗi đau tạm thời trước mắt.

Theo tôi, đáng lý ra thông tin quan trọng nhất mà Bộ Tài chính phải công bố là nếu 1 USD giá dầu giảm đi sẽ làm tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP, giảm bao nhiêu phần trăm lạm phát và giảm bao nhiêu phần trăm thất nghiệp trong một vài năm sắp đến?

Nếu có được những thông tin này hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín đưa ra, xem như giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn không khả thi do chỉ mới tính đến giải pháp trước mắt. Vì vậy, với các đề xuất vội vã chỉ hướng đến các mục tiêu ngắn hạn ngay trong lúc này cần phải được loại trừ bởi chỉ có thể giải quyết được nỗi đau trước mắt.

Để có thể truyền dẫn việc giảm giá xăng dầu trên thế giới và tạo ra tăng trưởng, giảm lạm phát và thất nghiệp, thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, đây là điều mà các cơ quan chức năng chưa nói đến trong các giải pháp của mình.

Nếu giá xăng dầu trong nước vẫn còn được độc quyền bởi một số doanh nghiệp nhà nước và điều hành theo cách không minh bạch như bức xúc của dư luận trong thời gian qua, với việc giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, sẽ khó có chuyện nền kinh tế được hưởng lợi chung mà ngược lại lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu thế giới sẽ rơi vào “túi” một nhóm doanh nghiệp độc quyền.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy giá xăng dầu chỉ truyền dẫn vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng ổn định khi giá xăng dầu phải dựa trên cơ sở thị trường.

Tự do hóa thị trường xăng dầu cần phải được đặt ra ngay trong lúc này và thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và còn có khả năng giảm tiếp. Như vậy điều kiện để giá xăng dầu truyền dẫn đem lại lợi ích tối đa nhất cho nền kinh tế là kết thúc độc quyền kinh doanh xăng dầu chứ không phải là bài toán tăng thuế.

Tất nhiên cũng sẽ có người đặt câu hỏi ngược lại, vậy nếu sau này giá xăng dầu tăng lên sẽ làm giảm tăng trưởng thì sao? Kết quả này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là nếu giá xăng dầu thế giới trong tương lai có tăng rồi cũng sẽ giảm theo cơ chế thị trường.

Lúc bấy giờ doanh nghiệp và người dân sẽ dựa trên các thông tin tự do này để gia giảm kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với từng chu kỳ kinh tế và từng diễn biến của cú sốc giá xăng dầu thế giới.

Còn hiện tại giá xăng dầu trong nước lên xuống như thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong chủ đích của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, cách xa với giá xăng dầu thế giới, sẽ rất khó cho người dân và doanh nghiệp lên kế hoạch cho chính mình?

Ngay khi viết bài này, tình cờ một người nông dân ở Bến Tre đặt câu hỏi với tác giả: cách đây nhiều năm khi giá xăng dầu thế giới khoảng 80 USD/thùng, giá xăng trong nước trên dưới 10.000 đồng/lít, nay giá xăng thế giới giảm còn khoảng 55 USD/thùng thì đáng lý giá xăng trong nước cũng phải trở về với giá trước đây chứ?

Đây là câu hỏi khá hay xin chuyển đến các cơ quan chức năng để thấy giải quyết bài toán giá xăng dầu phải dựa trên những bức xúc của người dân và lợi ích toàn cục của nền kinh tế, chứ không chỉ cứ chăm chăm vào bài toán ngân sách và độc quyền.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ (trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên