02/12/2014 15:30 GMT+7

Sáu chồng hồ sơ mới được... tiếp tục hoạt động

C.V.KÌNH - LÊ THANH
C.V.KÌNH - LÊ THANH

TTO - Sáng 2-12, Diễn đàn Doanh nghiệp VN khai mạc, rất nhiều ý kiến thẳng thắn được nêu ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo bộ ngành VN.


Diễn đàn Doanh nghiệp VN khai mạc, rất nhiều ý kiến thẳng thắn được nêu ra với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo bộ ngành Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng

* Nhà đầu tư vẫn lo tham nhũng ở VN

Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) là diễn đàn đối thoại chính sách của Chính phủ VN với các hiệp hội doanh nghiệp. Hình ảnh được đại diện hiệp hội đem đến trình chiếu, cho thấy chỉ để được tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp phải ôm cả... sáu chồng hồ sơ đến cơ quan chức năng.

Vẫn nặng nề thủ tục hành chính

Ông Khalid Muhmood, thuộc nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo của VBF 2014  nêu thực tế ở VN, việc thành lập một trung tâm ngoại ngữ hay một cơ sở giáo dục cần thủ tục như nhau trong khi trên lý thuyết, lập một trung tâm ngoại ngữ dễ hơn nhiều.

Thậm chí có sự tụt lùi khi ông Khalid Muhmood nêu trước đây, để thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo chỉ yêu cầu hai loại giấy: giấy phép đầu tư và giấy phép hoạt động.

Nhưng mới đây, quy định mới lại yêu cầu tới ba loại giấy. Điều này dẫn đến thực tế có tới ba cơ quan chức năng có quyền thanh, kiểm tra một cơ sở giáo dục, với cùng một vấn đề.

Đặc biệt, ông Khalid Muhmood đã xin phép trình chiếu cho hàng trăm quan khách, lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành một bức ảnh cho thấy những thủ tục doanh nghiệp phải nộp.

Theo bức ảnh ông Khalid Muhmood công bố, chỉ để một cơ sở giáo dục ngoại ngữ được tiếp tục làm tiếp cái việc họ đã làm, luật sư đã phải bê cả đống hồ sơ, gồm 6 chồng tài liệu.

Luật sư phải bê chồng hồ sơ dày như thế này chỉ để cho cơ sở giáo dục được tiếp tục hoạt động... (Ảnh trình chiếu tại Hội nghị VBF) - Ảnh: C.V.K

“Tôi không chỉ thông cảm cho luật sư, mà còn thông cảm cả cho người ở cơ quan chức năng phải đọc đống hồ sơ đó” - ông Khalid nói.

Ông Shimon Tokuyama, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại VN thì nêu đã có 1400 doanh nghiệp Nhật ở VN, chỉ thấp hơn ở Thái Lan.

Đánh giá cao việc sửa luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp, song ông Shimon Tokuyama cho rằng vẫn còn quy định khó khăn khi có quy định yêu cầu thu xếp một lần vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong 3 tháng.

“Đây là quy định không thực tế” - ông Shimon Tokuyama nói và đề nghị nới thêm quy định về thị thực cho công dân Nhật khi quy định hiện tại, theo ông, vẫn là khắt khe khi có thể giới hạn khiến các thành viên trong gia đình người NHật có thể không được ở cùng nhau, với cùng thời gian thị thực ở VN...

Lo tham nhũng ở VN

Theo bà Virginia Foote, đồng chủ tịch VBF năm nay nêu “các khoản chi không chính thức” là một vấn đề ngày càng đáng quan tâm ở VN vì mọi thủ tục hành chính đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh chi phí không chính thức.

Bà Virginia Foote nhắc lại báo cáo mới nhất về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, VN vẫn đứng thứ 78 trên 179 nền kinh tế trong khi Malaysia đã vươn lên thứ 18, Thái Lan thứ 26. “Thời gian làm các thủ tục ở VN nhiều gấp 3-4 lần so với các nước đối tác thương mại” - bà Virginia Foote nói.

Để giải quyết, bà Virginia Foote đề nghị cho các cơ quan nhà nước thu lệ phí để bù đắp các chi phí làm thủ tục, với điều kiện phải niêm yết giá công khai. Ngay các khoản tiền phạt như phạt vi phạm giao thông cũng cần được thực hiện qua thanh toán không dùng tiền mặt...

Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Mỹ tại VN (AMCHAM) thẳng thắn những năm qua, thành công của VN trong thu hút FDI chủ yếu dựa trên ổn định kinh tế và chính trị.

Công nhận nhiều thành viên của mình cho rằng lợi nhuận ở VN ngày càng tăng, nhưng ông Gaurav Gupta khẳng định nhiều ý định đầu tư vào VN không thực hiện được vì tham nhũng, quy trình cấp phép và môi trường pháp lý phức tạp.

Nêu vấn đề tạo thuận lợi trong kinh doanh, ông Gaurav Gupta nêu các công ty tuân thủ pháp luật ở mức cao thực tế VN lại là nơi rất khó để thành công khi Chính phủ VN luôn “nỗ lực” quản lý các hoạt động kinh doanh. Chỉ đích danh ví dụ về giá sữa, ông Gaurav Gupta cho rằng Chính phủ có thể nhiều giải pháp để giúp người dân như cải thiện hệ thống phân phối, giảm thuế nhập khẩu...

Công nhận chi phí trung bình cho lao động nhà máy ở VN chỉ bằng khoảng ¼ so với Trung Quốc. Tuy nhiên, năng suất lao động ở VN chỉ bằng khoảng 7% Trung Quốc.

Các nghiên cứu cho thấy chương trình giảng dạy đã lỗi thời, ông Gaurav Gupta đề nghị Chính phủ VN nâng cấp chương trình giáo dục quốc gia, đặc biệt ở cấp trung cấp và đại học.

C.V.KÌNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục