16/11/2014 09:10 GMT+7

Nữ thạc sĩ lúa sạch

THANH HUY
THANH HUY

TT -  Chị Trần Thị Phương Chi luôn mơ ước theo đuổi sự học để một ngày nào đó nghiên cứu ra phương pháp trồng lúa sạch nhằm hạn chế tác hại đến môi trường, nâng cao đời sống của bà con nông dân lao động.

Phương Chi sinh ra ở một vùng quê (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và sớm bước chân xuống bùn lam lũ cùng cây lúa.

Hằng ngày, “nữ thạc sĩ lúa sạch” ra đồng theo dõi bệnh dịch tác hại cánh đồng lúa - Ảnh: Thanh Huy
Hằng ngày, “nữ thạc sĩ lúa sạch” ra đồng theo dõi bệnh dịch tác hại cánh đồng lúa - Ảnh: Thanh Huy

Sau bao nỗ lực học tập và nghiên cứu, niềm mơ ước đó đến nay đã thành hiện thực.

Khuyến khích nông dân mở rộng mô hình trồng lúa sạch không khó, tôi luôn sẵn sàng chuyển giao quy trình sản xuất. Tuy nhiên để người dân trồng lúa yên tâm thì phải được các doanh nghiệp bao tiêu lúa ủng hộ để mở rộng mô hình này. Lúc đó đời sống nông dân trồng lúa sẽ được cải thiện
Thạc sĩ phương chi

Thực nghiệm “te tua”

Tốt nghiệp ngành nông học Trường đại học Nông lâm TP.HCM năm 1997, Phương Chi về công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai. Năm 2008, chị được học bổng học thạc sĩ tại Viện Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc. Sau hơn hai năm nghiên cứu, đề tài luận văn tốt nghiệp “Phòng trừ bệnh hại ớt bằng vi sinh vật đối kháng” của chị được các giáo sư và báo chí Hàn Quốc đánh giá cao.

Năm 2011, Chi lấy bằng thạc sĩ và trở về nước tiếp tục cống hiến cho ngành nông nghiệp quê hương. Từ đây, với kỹ thuật trồng trọt tiên tiến được nghiên cứu từ nước ngoài và thực tế nhiều năm lặn lội cùng bà con nông dân trên đồng ruộng, chị đã mày mò nghiên cứu ra mô hình trồng lúa sạch không sử dụng thuốc hóa học, phòng trừ dịch hại bằng thuốc sinh học, giúp nông dân trồng lúa an toàn, thân thiện với môi trường.

Cuối năm 2012, chị bắt đầu thử nghiệm trên nhiều diện tích lúa của bà con nông dân tại xã Tân Bình. Chị vừa thực hiện vừa vận động người dân làm theo.

Khổ nỗi nông dân xưa nay quen làm ruộng lúa với việc xịt thuốc trừ sâu bệnh, sử dụng phân hóa học nên khi bắt tay vào làm theo quy trình sản xuất lúa sạch là cả một đoạn đường gian nan. Thực tế những ngày áp dụng quy trình, chị và nông dân không khỏi nếm trải những “quả đắng”.

Tháng 9-2012, khi chạy thử chương trình làm lúa sạch trên cánh đồng Tân Bình Lục thuộc xã Tân Bình, thấy lúa lên tốt, bà con nông dân ai cũng mừng vui, kháo nhau năm nay chờ mở rộng kho đựng lúa, dự đoán sẽ thu hoạch khoảng 5,5 tấn/ha. Ai ngờ dịch bệnh sâu cuốn lá hại lúa bất ngờ ập đến.

Những cánh đồng lúa sạch do không phun thuốc trừ sâu nên sâu tập trung tấn công dữ đội, sâu ăn lúa đứng trắng cánh đồng.

“Bà con nông dân đứng ngồi không yên. Họ ăn tết trong lo lắng, buồn rầu và chờ đợi mình nhanh chóng đưa ra công thức dập dịch. Trong thời điểm khó khăn nhất, một số bà con quá nóng ruột sợ thất mùa nên mang thuốc trừ sâu và phân hóa học ra xịt. Mình rất đau lòng nhưng cố gắng chịu đựng.

Ngay 29 tết mình ra công thức thuốc đưa ngay cho bà con áp dụng. Ngay chiều hôm sau dịch sâu bệnh bắt đầu ngưng hoành hành trên lúa. Đêm 30 tết, mình thức cùng bà con, soi đèn pin cho bà con xịt thuốc cho lúa và đến mồng 1 tết sâu cuốn lá bị đẩy lùi, ngưng tàn phá lúa. Cuối cùng vụ mùa chỉ thu được khoảng 4,5 tấn lúa khô/ha” - chị Chi kể.

Khi cánh đồng thử nghiệm lúa sạch ngưng sâu bệnh thì sâu bệnh bắt đầu quay sang tấn công những cánh đồng xanh mơn mởn của những người dân khác kế bên cạnh dù những cánh đồng này đang áp dụng phun thuốc hóa học trừ sâu.

Chị Chi cho biết: “Mình phải nhanh chóng chuyển giao những kỹ thuật phòng trừ bệnh sâu cuốn lá cho bà con để thoát qua cơn dịch bệnh trên lúa. Mình vừa hướng dẫn tận tình vừa động viên bà con hướng đến tham gia phương thức làm lúa sạch”.

Năm đó, trên cánh đồng lúa của người dân trồng tự do còn có 2ha được chăm sóc theo đúng kỹ thuật sản xuất lúa sạch và cho hiệu quả tốt, khiến người dân xung quanh thấy thích và ủng hộ làm theo mô hình trồng lúa sạch. Vụ lúa sau thêm nhiều bà con mạnh dạn tham gia vì thấy lợi ích lâu dài của mô hình sản suất lúa sạch, bảo vệ được sức khỏe cho con người, năng suất lúa ngày càng tăng lên. 

Chị Chi cho biết trước đây người dân sử dụng thuốc hóa học quá nhiều để trừ sâu, diệt cỏ, nay họ có thể dùng thuốc thảo mộc được làm từ cây trồng sinh học để trừ sâu nên rất an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.

Nhân rộng mô hình làm lúa sạch

Anh Thanh Hải, nông dân trồng lúa sạch tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình, cho biết: “Trước đây tôi trồng lúa bình thường, chi phí nhiều cho thuốc trừ sâu và các loại phân bón. Tuy nhiên khi áp dụng mô hình trồng lúa sạch này, các chi phí đều giảm, năng suất lúa tăng, bình quân đạt 5-7 tấn/ha, lúa bán ra được giá cao hơn 15% so với lúa thường.

Quan trọng hơn, tôi không phải hít mùi thuốc trừ sâu hóa học độc hại, vì vậy tôi rất yên tâm khi tham gia làm lúa sạch”.

Hiện tại xã Tân Bình có khoảng 15 hộ dân tham gia mô hình trồng lúa sạch với diện tích vài chục hecta. Để bà con yên tâm sản xuất, chị Chi đã mở cơ sở nhận mua lúa sạch cho bà con với giá cao để sản xuất gạo bán ra thị trường.

Với thương hiệu gạo Tân Bình Lục, trong hơn hai năm qua cơ sở của chị đã xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 70 tấn gạo sạch.

Nhiều người dân đến mua gạo sạch Tân Bình Lục ăn một lần rồi xin làm đại lý bán gạo vì thấy gạo ngon, không bị lau bóng, không dùng thuốc hóa học và không dùng chất bảo quản trước khi vô bao đóng gói. Gạo đảm bảo sức khỏe cho người dân. Vì vậy gạo sạch làm ra không đủ bán cho thị trường trong nước.

Chị Phương Chi cho biết hiện chị sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp nhằm nhân rộng mô hình để mong sao sản xuất được nhiều lúa gạo sạch đáp ứng nhu cầu người dân trong nước.

Chính vì chị luôn nghĩ đến nông dân trồng lúa và sức khỏe của người tiêu dùng gạo nên trong những năm miệt mài theo đuổi nghiên cứu và thực hiện mô hình trồng lúa sạch, chị đã không sợ thiệt thòi về mình. Nhiều năm qua, chị luôn phải lấy tiền lương cán bộ nông nghiệp ra bù lỗ vào quy trình làm lúa sạch.

Hiện chị đang phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Vĩnh Cửu tập huấn nhân rộng mô hình trồng lúa sạch cho bà con các xã. Nhiều người dân và cán bộ khuyến nông từ các địa phương trong cả nước tìm đến chị để học tập chuyển giao quy trình trồng lúa sạch. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đẩy mạnh nhân rộng mô hình trồng lúa sạch này trong toàn tỉnh.

7 yêu cầu

Quy trình sản xuất lúa sạch của thạc sĩ Trần Thị Phương Chi phải tuân thủ nghiêm ngặt bảy yêu cầu. Một là, mua giống lúa sạ thưa (vì giống lúa sạ dày dễ phát sinh sâu bệnh) để hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, tiết giảm chi phí sản xuất.

Hai là, bón vôi cho ruộng lúa để hạn chế phèn. Ba là, giống phải qua xử lý nước muối để phòng trừ mầm gây bệnh từ đầu.

Bốn là, bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, tăng độ màu mỡ cho đất, đồng thời cho chất lượng lúa đẹp, gạo ngon.

Năm là, bón lót, bón thúc phân hóa học cân đối. Sáu là, phòng trừ dịch hại bằng thuốc thảo mộc, thuốc vi sinh học, khoáng chất vô cơ và hữu cơ.

Bảy là, loại bỏ lúa cỏ, lúa nền không phải là lúa gieo sạ trên đồng ruộng để hạn chế việc cạnh tranh chất dinh dưỡng cho lúa gieo sạ, đồng thời tăng chất lượng gạo lúa thuần đã được gieo sạ.

THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên