31/10/2014 09:09 GMT+7

Dự toán năm 2015 phải vay đảo nợ 130.000 tỉ đồng

LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH
LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH

TT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy trong phần giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội chiều 30-10.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 ngày 30-10, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội cần phải quan tâm đến việc vay và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…

Ba vấn đề nổi bật tại cuộc thảo luận diễn ra trong ngày làm việc thứ 10 của Quốc hội là vấn đề nợ công, nợ xấu; góp ý cho báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội; và câu chuyện vay vốn ODA.

Nghĩa vụ trả nợ có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong vài năm tới, 2015, 2016 nhiều khoản nợ đến kỳ phải trả

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nhiều người còn hiểu ODA là cho không

Quan tâm đến vấn đề sử dụng vốn ODA, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - phản ảnh một thực tế khi đại biểu Quốc hội hay các chuyên gia làm một báo cáo, thuyết trình thì trong nước thường chi trả khoảng 2,5 triệu đồng, còn nếu làm cho dự án ODA thì được chi trả 50-60 triệu đồng, cho dù các báo cáo, thuyết trình đó chất lượng không khác nhau nhiều.

Vấn đề là khoản chi trả 50-60 triệu đồng được lấy từ nguồn vốn ODA chi thường xuyên, có những khoản vay ODA cho chi thường xuyên lên đến cả trăm triệu USD, góp phần gia tăng nợ công. Từ cách tiếp cận này, ông Tiên đề nghị không vay ODA để chi thường xuyên, các dự án vay ODA phải có ý kiến cơ quan Quốc hội trước khi sử dụng.

Đại biểu Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết qua hơn 20 năm, VN thu hút gần 78 tỉ USD vốn ODA, bình quân 3 tỉ USD/năm. Từ thực tiễn cho thấy việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay.

Bà Nga đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng ODA, theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ, buộc phản biện độc lập trước khi quyết định, quy định về trách nhiệm của Quốc hội, về quyền của người dân... trong quá trình quyết định và thực thi ODA.

Cũng theo bà Nga, sau khi chúng ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn, nếu lạm dụng ODA sẽ để lại gánh nặng nợ nần cho tương lai. Nhưng điều này đã chưa được nhận thức đúng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, người giúp Chính phủ làm đầu mối về ODA, đã rất bức xúc: “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là lãnh đạo địa phương, còn hiểu một cách rất sơ đẳng rằng: ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ”.

“Thưa Quốc hội, đây là thực tế rất đáng lo ngại” - bà Nga nói. Đại biểu này cũng đề nghị đặt kế hoạch chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa. Thực tế Hàn Quốc dừng nhận ODA sau 20 năm và hoàn toàn “tốt nghiệp ODA” sau 30 năm. Có ý thức “tốt nghiệp ODA” thì mới luôn quan tâm đến việc hạn chế nhận ODA và nâng cao hiệu quả sử dụng nó.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)
Trong báo cáo hoặc chưa đề cập những hạn chế, yếu kém mà nhân dân đang bức xúc, hoặc chưa nói đến nguyên nhân vì sao dẫn đến tình hình như vậy
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)

Vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ đến hạn

Được mời giải trình trước Quốc hội chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công của VN sẽ đạt đỉnh năm 2016 và giảm dần các năm sau đó. Tuy nhiên, kịch bản được ông Dũng đưa ra là tăng trưởng kinh tế phải ở mức 6,7-6,9%/năm, trong khi lạm phát phải duy trì ở mức thấp.

Theo ông Dũng, từ năm 2010 đã phải huy động vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư rất lớn, giai đoạn 2014-2016 lại phải huy động thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ nữa. Bội chi ngân sách ở mức cao cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn vay ODA nên dư nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỉ lệ so với GDP.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết ước năm 2014 nợ công bằng 60,3%, năm 2015 là 64% và sẽ đạt đỉnh vào năm 2016 (64,9%) rồi giảm dần cho đến năm 2020 (60,2%).

“Mặc dù vậy, tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép. Đồng thời chúng ta vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu. Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng, góp phần làm giảm áp lực nợ nước ngoài và giảm rủi ro tỉ giá (nợ nước ngoài giảm từ 59,7% năm 2010 xuống còn 45,5% năm 2014)” - ông Dũng khẳng định.

Tuy vậy, ông Dũng cũng thẳng thắn phân tích mặt bất cập của tình trạng nợ công. Dư nợ công tăng nhanh, đến cuối năm 2015 đã sát giới hạn Quốc hội cho phép. Cơ cấu nợ chưa thật sự bền vững, mặc dù tỉ lệ nợ vay trong nước đã tăng lên nhưng các khoản vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn (vay nước ngoài kỳ hạn trung bình là 12,8 năm thì vay trong nước chỉ 4,3 năm, riêng trái phiếu Chính phủ chỉ 2,6 năm).

Cơ cấu như vậy làm tăng áp lực trả nợ vì phải bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn và thực tế trong những năm qua đã phải phát hành vay đảo nợ để trả nợ đến hạn (dự toán năm 2015 phải vay đảo nợ 130.000 tỉ đồng).

“Áp lực huy động vốn hằng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao mặc dù đã có xu hướng giảm trong hai năm gần đây, lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2012 là 10,03%/năm, 2013 là 7,96%/năm và 10 tháng đầu năm 2014 là 6,81%/năm” - ông cung cấp số liệu rất đáng quan tâm.

Vẫn theo ông Dũng, nghĩa vụ trả nợ có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong vài năm tới, 2015, 2016 nhiều khoản nợ đến kỳ phải trả. Một số dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh không hiệu quả, không trả được nợ, làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng, buộc phải tái cơ cấu lại tài chính chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về tổng hợp, báo cáo nợ công còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ. Việc quản lý nợ của chính quyền địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ, nhất quán, chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong huy động của chính quyền địa phương. Chưa gắn trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định vay với người sử dụng vốn vay...

Khó khăn còn rất lớn so với báo cáo

Trong cả ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị phải có các đánh giá, số liệu sát thực tế hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng khi nói kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực như trong báo cáo của Chính phủ thì cần cân nhắc thận trọng để tránh sự chủ quan.

Theo bà Tâm, giữa nội dung báo cáo và tình hình thực tế về kinh tế - xã hội trong những tháng vừa qua, mặc dù đạt được hầu hết chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, song một số lĩnh vực còn khó khăn rất lớn so với báo cáo.

Trong báo cáo hoặc chưa đề cập những hạn chế, yếu kém mà nhân dân đang bức xúc, hoặc chưa nói đến nguyên nhân vì sao dẫn đến tình hình như vậy. Ví dụ như tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách đến nỗi không cân đối đủ nguồn để tăng lương theo lộ trình, hay vấn đề nợ công...

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nêu ý kiến: “Cần đánh giá chuẩn xác về nợ công, nợ xấu ngân hàng, chỉ có các số liệu chuẩn xác Quốc hội mới có cơ sở để xem xét, cân đối ngân sách nhà nước. Nhìn nhận về tăng trưởng kinh tế không chỉ qua những số liệu đã đạt được mà còn cần đánh giá về hiệu quả của đầu tư phát triển mới thấy lãng phí.

Vẫn còn không ít dự án gây bức xúc cho cử tri như một số tuyến đường vừa khánh thành đã lún nứt, hay trong 19 đường đi bộ ở Hà Nội thì có tới bốn đường đang khóa cửa, không sử dụng. Cần đánh giá kỹ về hiệu quả đầu tư, ví dụ như ở Hà Nội hiện có 66 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với hơn 5 triệu m2 sàn nhưng không ít công trình đã xây dựng mà không có người ở”.

LÊ KIÊN - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên