29/06/2014 08:38 GMT+7

Formosa Hà Tĩnh "được voi đòi tiên"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) được Chính phủ cho nhiều ưu đãi ở mức rất cao nhưng họ chưa thỏa mãn, còn đề xuất đòi thành lập đặc khu của doanh nghiệp này tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Không đồng ý lập đặc khu riêng cho Formosa Hà TĩnhKhởi công nhà máy thép Hà Tĩnh

pmCRVMbb.jpg
Một góc công trường xây dựng trong Formosa Hà Tĩnh - Ảnh: Vũ Toàn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Bộ Kế hoạch - đầu tư và Chính phủ không đồng ý đề xuất thành lập đặc khu của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa Hà Tĩnh).

Xin nhiều và được cho nhiều

Được hưởng mức thuế ưu đãi cao nhất

Theo bản thuyết minh của Formosa Hà Tĩnh, giai đoạn 1 tập đoàn này đầu tư vào VN số vốn 9,9 tỉ USD. 1/3 số tiền trên sẽ do các cổ đông Formosa Hà Tĩnh bỏ ra, số tiền đi vay ngân hàng quốc tế là 1/3 và 1/3 còn lại sẽ vay tại VN.

Hiện tại, theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh do có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội (là dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay) nên được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn bốn năm và giảm 50% trong chín năm tiếp theo.

Từ khi đến VN đầu tư, Formosa Hà Tĩnh có rất nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất và hầu hết đều được giải quyết hoặc trả lời cặn kẽ. Đáng lưu ý và được dư luận đề cập nhiều là việc Formosa Hà Tĩnh cho rằng nhà máy của hãng này sẽ là tầm cỡ quốc tế, dự kiến sẽ có số lượng nhân viên lên tới 15.000 người, tính cả nhân viên và gia quyến là 60.000 người. Với lý do để “giữ nhân tài, khuyến khích nhân viên sinh sống tại địa phương, phụng dưỡng cha mẹ”, Formosa Hà Tĩnh đề nghị cho tập đoàn này được xây nhà để bán cho người nước ngoài cũng như người trong nước là nhân viên công ty. Với những nhân viên người VN, Formosa Hà Tĩnh sẽ bán nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho phép Formosa Hà Tĩnh hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua. Nhiều đề xuất khác của Formosa Hà Tĩnh cũng được giải quyết. Cụ thể, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội kịp thời áp dụng cơ chế, tiêu chuẩn đặc thù, linh hoạt để giải quyết nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu bổ sung lao động người nước ngoài và trong nước của dự án Formosa Hà Tĩnh. Tỉnh Hà Tĩnh được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục như miễn hợp pháp hóa lãnh sự bằng dịch chứng thực (hoặc công chứng) trong thủ tục cấp phép lao động nhằm “đáp ứng yêu cầu về lao động xây lắp” của các nhà thầu dự án Formosa Hà Tĩnh.

Formosa muốn hơn thế

Sau khi nhận được văn bản giải quyết cho nhiều việc kể trên, ngày 10-6 ông Dương Hồng Chí - tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh - có văn bản gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cảm ơn và nêu thêm nhiều kiến nghị khác. Văn bản này dài tới hơn 20 trang và “nhắc” sau vụ bạo động ngày 14-5-2014 tại Vũng Áng, tất cả lao động kỹ thuật nước ngoài đã rút và theo Formosa Hà Tĩnh thì “ngày phục hồi trở lại khó có thể dự đoán trước”, đồng thời cho rằng Chính phủ VN sẽ là mấu chốt quyết định dự án có tiếp tục hay không. Formosa Hà Tĩnh không nói đến “khu kinh tế đặc thù riêng cho dự án Formosa” mà nêu kiến nghị thành lập “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng”.

Formosa Hà Tĩnh cũng nộp bản thuyết minh về “Điều lệ quản lý thiết lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với rất nhiều điểm đặc thù như: xin đưa nhân viên kỹ thuật nước ngoài vào làm việc, được xây bệnh viện, trường học với lớp học song ngữ... Formosa Hà Tĩnh còn nêu ý tưởng thiết lập vành đai xanh cách ly giữa người dân xung quanh với đặc khu. Formosa Hà Tĩnh còn cho biết đã quy hoạch riêng khu sinh hoạt cho nhân viên nước ngoài.

Trong văn bản ngày 10-6, Formosa Hà Tĩnh nhắc lại việc Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho họ hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho nhân viên thuê. Formosa Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ VN cần miễn tiền thuê đất để xây dựng dạng ký túc xá gia đình này. Formosa Hà Tĩnh cũng nhắc lại năm 2008 Chính phủ VN đề nghị Formosa Hà Tĩnh tự bỏ vốn hút cát, tạo cảng, san nền để giảm gánh nặng. Sau đó, năm 2013 VN lại có quy định mới thu thuế môi trường khiến họ phải nộp trên 8 triệu USD thuế tài nguyên, 9 triệu USD phí môi trường... Công nhận vấn đề này đã được tháo gỡ một phần nhưng Formosa Hà Tĩnh vẫn đề nghị cần miễn luôn thuế tài nguyên và môi trường.

Sau nhiều kiến nghị, Formosa Hà Tĩnh không quên nêu vụ việc các đối tượng quá khích đã phá hoại, gây tổn thất nặng nề cho dự án. Formosa Hà Tĩnh đề nghị phía VN cần định rõ phương thức và thời hạn bồi thường.

Tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 18-6 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung ký, Bộ Kế hoạch - đầu tư chính thức thể hiện quan điểm về đề xuất lập đặc khu kinh tế đặc thù của Formosa Hà Tĩnh. Bộ Kế hoạch - đầu tư nhấn mạnh Formosa Hà Tĩnh đang được hưởng những ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành cả về đầu tư, thuế, đất đai... áp dụng cho dự án trong khu kinh tế. Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng Formosa Hà Tĩnh đề xuất lập đặc khu đặc thù là chưa có tiền lệ và cũng “không cần thiết”. Lý do: hiện có Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng có thẩm quyền giải quyết các vấn đề theo cơ chế một cửa, tại chỗ.

“Đó mới chỉ là đề nghị của họ”

Ông Hồ Anh Tuấn - trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh - cho biết ngày 21-5, trong buổi làm việc của đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu, ông Dương Hồng Chí đề xuất cần được ưu đãi về đầu tư, các loại thuế, đất đai, thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Tĩnh và các bộ nghiên cứu trả lời. Hiện Formosa Hà Tĩnh đã có văn bản trình Chính phủ về những yêu cầu này.

Trả lời câu hỏi vì sao Formosa Hà Tĩnh có những đề xuất ưu đãi tới mức được dư luận cho rằng quá đáng, ông Tuấn nói: “Có nội dung họ đề xuất đúng, có nội dung chưa đúng nhưng tất cả đề xuất của họ đều sẽ được trả lời. Nội dung nào họ chưa hiểu thì phải hướng dẫn cho họ hiểu”. Riêng kiến nghị của Formosa Hà Tĩnh về việc cắt đất ưu tiên bán lâu dài cho nhân viên thì ông Tuấn cho biết: “Hiện họ có 1.000 công nhân, ta có 9.000 người cùng làm việc tại đây. Nội dung kiến nghị của họ ta chưa bao giờ làm. Phải chờ quyết định của Chính phủ”. Trong lúc đó, ông Nguyễn Thanh Bình - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - cũng cho hay: “Đơn giản đó chỉ là đề nghị của họ. Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này chứ không phải chuyện đơn giản”.

* Ông NGÔ VĂN MINH (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Một đòi hỏi lạ

Thông thường các nhà đầu tư nước ngoài khi vào VN họ đều nghiên cứu rất kỹ chính sách và các quy định của pháp luật để biết đâu là giới hạn. Không bộ, ngành nào và không địa phương nào được phép dành cho một nhà đầu tư nào đấy có những ưu đãi riêng, mọi cái đều phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Ví dụ như về đặc khu hành chính - kinh tế thì đến nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu đề án để có thể thành lập 2-3 khu như vậy ở những địa bàn chiến lược. Chúng ta cũng chưa có mô hình nào gọi là đặc khu kinh tế nằm trong khu kinh tế.

Về đề nghị được mua đất lâu dài của Formosa Hà Tĩnh thì tôi nghĩ không cần phải bình luận gì nữa, Luật đất đai của chúng ta quy định rất rõ rồi, không thể ưu ái cho bất cứ trường hợp đặc biệt nào.

* Ông MAI XUÂN HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Không được bán đất lâu dài

Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Kế hoạch - đầu tư là không thể có chuyện thành lập khu kinh tế đặc biệt riêng cho Formosa Hà Tĩnh nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, tức là không thể có chuyện một nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có một “biên giới” riêng trong khu kinh tế của VN. Các hoạt động đầu tư tại VN phải nằm trong giới hạn khuôn khổ luật pháp của VN.

Riêng kiến nghị liên quan đến đất đai, theo tôi hiểu họ muốn được mua đất lâu dài để xây nhà phục vụ chỗ ở cho cán bộ, công nhân của họ, tôi có thể khẳng định ngay là không được bán đất lâu dài. Cùng với việc cấp phép dự án đầu tư, chúng ta cho thuê đất tới 50 năm nên không thể nói là không ổn định. Cho thuê thời gian lâu như vậy thì đâu nhất thiết phải bán. Hơn nữa, ở đây tôi hiểu dư luận cũng đặt ra câu chuyện nhạy cảm liên quan đến chủ quyền, an ninh - trật tự khi có những ý kiến lo ngại việc hình thành những khu riêng của người nước ngoài trong lãnh thổ VN. Không chỉ tại Hà Tĩnh, ở một số nơi khác cũng xuất hiện các dự án có nhiều công nhân nước ngoài đến làm việc, sinh sống, liệu chúng ta có đáp ứng hết đòi hỏi của họ?

* Ông Hồ Uy Liêm (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN):

Không thể nhân nhượng

Quan điểm của tôi là đề nghị Chính phủ cần bác bỏ những đòi hỏi quá đáng của Formosa Hà Tĩnh. Có ít nhất ba lý do như sau:

Thứ nhất, khu vực phía nam tỉnh Hà Tĩnh và phía bắc tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của người VN. Với vị trí chiến lược nhạy cảm như vậy, không riêng gì Formosa mà bất cứ dự án đầu tư nước ngoài nào đều phải được cân nhắc kỹ, đặt yếu tố quốc phòng, an ninh lên trên hết. Ở đây, dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan, tuy nhiên cổ phần thật sự đằng sau do ai nắm là vấn đề cần làm rõ để công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật của VN cũng như thông lệ quốc tế.

Thứ hai, nhà đầu tư có quyền đưa ra các đề xuất ưu đãi, nhưng bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải tuân thủ luật pháp VN, việc Formosa Hà Tĩnh đưa ra những đề xuất cho bản thân vượt quá khuôn khổ quy định hiện hành là điều không chấp nhận được, không thể tạo tiền lệ xấu. VN có thể chủ động thành lập các đặc khu kinh tế, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đó là các đặc khu kinh tế ở các vị trí phù hợp và không thể chỉ dành riêng cho một nhà đầu tư nhất định. Việc này nên nói một lần cho rõ để các nhà đầu tư khác đừng bao giờ có đề xuất tương tự như Formosa Hà Tĩnh.

Thứ ba, là một người quê Hà Tĩnh, tôi hiểu rõ lâu nay đã xuất hiện làng công nhân Trung Quốc ngay bên quốc lộ 1 ở địa phận huyện Kỳ Anh, nhiều cửa hàng trưng biển hiệu tiếng Trung Quốc, thậm chí có những công nhân Trung Quốc lấy vợ là người địa phương. Rất nhiều công nhân Trung Quốc vào đây bằng hộ chiếu du lịch chứ không có giấy phép lao động. Tình hình như vậy buộc chúng ta phải quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa lực lượng lao động nước ngoài ở khu vực nhạy cảm này. Điều này đồng nghĩa với việc không nên chấp nhận đề xuất cho họ cắt đất lâu dài để lập khu vực sinh sống riêng cho hàng nghìn công nhân viên. Nếu đồng ý với đề xuất của họ thì khu vực được mua đứt bán đoạn lâu dài trở thành nơi “ngoại bất nhập” thì làm sao chúng ta quản lý được?

* Ông Nguyễn Thành Nhân (phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương):

Trái với luật hiện hành

Không thể cắt đất để xây nhà bán cho lao động nước ngoài như đề xuất của Formosa Hà Tĩnh vì sẽ trái với quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật đất đai mới được sửa đổi và 1-7-2014 bắt đầu có hiệu lực. Tại Bình Dương hiện có hàng ngàn doanh nghiệp FDI với số lao động, chuyên gia nước ngoài khá lớn, chỉ riêng số do Ban quản lý các khu công nghiệp quản lý là 3.700 người nhưng nhu cầu về chỗ ở của họ vẫn được đảm bảo, doanh nghiệp không có đề xuất cắt đất để xây nhà bán như ở Formosa Hà Tĩnh.

L.KIÊN - V.V.THÀNH - B.SƠN ghi

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên