29/03/2007 11:04 GMT+7

Xuất khẩu gạo: Tấn nhiều, đô ít

Theo Nguyễn Đình Bích - Sài Gòn tiếp thị
Theo Nguyễn Đình Bích - Sài Gòn tiếp thị

Người Việt Nam chúng ta từ lâu đã quen với danh hiệu nước xuất khẩu gạo thuộc hàng đứng đầu thế giới. Nên có lẽ, chẳng ai ngờ rằng, chỉ cần bán được bằng giá gạo của các nước khác thì chúng ta đã không mất chừng 3.600 tỉ đồng/năm

CpNrrJSv.jpgPhóng to
Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, đúng là ba năm 2001, 2004 và 2005 Việt Nam chiếm vị trí thứ hai trong làng xuất khẩu gạo thế giới, song liên tục hai năm 2002 và 2003 Ấn Độ đã vươn lên chiếm giữ vị trí này - Ảnh: SGTT
Người Việt Nam chúng ta từ lâu đã quen với danh hiệu nước xuất khẩu gạo thuộc hàng đứng đầu thế giới. Nên có lẽ, chẳng ai ngờ rằng, chỉ cần bán được bằng giá gạo của các nước khác thì chúng ta đã không mất chừng 3.600 tỉ đồng/năm

Có thực sự đứng đầu?

Một tờ báo viết lớn và một cơ quan báo nói đầu bảng của nước ta vừa qua đã đăng lại một nhận định cho rằng, Việt Nam có ba cây trồng tạo sản phẩm xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới cả về sản lượng hàng hoá cũng như giá trị. Trong đó, đã 10 năm liên tục Việt Nam đứng thứ 2 (sau Thái Lan) về xuất khẩu gạo.

Hơn thế, một bức tranh đẹp mỹ mãn cũng đã được phác hoạ, bởi một số chuyên gia Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: nếu chỉ tiêu thâm canh 1,3 triệu hecta lúa chất lượng cao sớm trở thành hiện thực thì Việt Nam không những giữ vị trí xuất khẩu gạo thứ hai thế giới mà còn có thể vượt qua Thái Lan để trở thành ngôi vị đứng đầu.

Thế nhưng, các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, đúng là ba năm 2001, 2004 và 2005 chúng ta chiếm vị trí thứ hai trong làng xuất khẩu gạo thế giới, song liên tục hai năm 2002 và 2003 Ấn Độ đã vươn lên chiếm giữ vị trí này.

Không những vậy, xét theo khối lượng gạo xuất khẩu bình quân trong cả giai đoạn 5 năm, thì vị trí thứ 2 thuộc về Ấn Độ với hơn 4,1 triệu tấn/năm, còn chúng ta chỉ đứng thứ 3 với xấp xỉ 4 triệu tấn/năm. Ngoài ra, chỉ với 3,2 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2003, chúng ta còn bị Mỹ đẩy xuống vị trí thứ 4.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất chính là giá cả. Với lượng hàng đó, giá bán phải nhắm tới là bao nhiêu để "hầu bao" căng nhất? Chính ở đây, một sự thực bất ngờ đã không được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm nay.

"Nếu nâng được giá gạo xuất khẩu lên bằng giá bình quân của thế giới, thì mỗi năm chúng ta đã có thể thu thêm được hơn 226 triệu USD, tương đương với hơn 3.600 tỉ đồng"

Bán giá rẻ

Phải nói ngay rằng đó là những câu chuyện buồn, thậm chí "cười ra nước mắt" của hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Trong vòng 5 năm 2001-2005, Việt Nam tuy đẩy ra thị trường thế giới tổng cộng hơn 20 triệu tấn gạo và thu về gần 4,5 tỉ USD, nhưng trong khi giá xuất khẩu bình quân của 4 cường quốc còn lại so với giá bình quân của thế giới thấp nhất cũng là trên 91,6%, cao nhất là gần 120% thì giá của chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân của thế giới (220 USD/tấn). Đó là giá bán "bèo" nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.

Chính vì xuất khẩu với giá quá bèo như thế, nên trong bảng xếp hạng theo kim ngạch xuất khẩu theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới, chúng ta bị đẩy xuống thêm một bậc, tức là chỉ đứng ở vị trí thứ 4, sau Thái Lan, Ấn Độ và Mỹ.

Trong đó, chúng ta xuất khẩu gạo nhiều hơn Mỹ tới 21,5%, nhưng số tiền thu được lại ít hơn 11%; còn nếu so với Ấn Độ, trong khi khối lượng gạo xuất khẩu chỉ ít hơn rất không đáng kể, chỉ vỏn vẹn có gần 3%, nhưng số tiền thu được kém một trời một vực tới gần 22%.

Găm hàng chờ… hạ giá!

Nếu gạt ra ngoài những tác nhân cũng rất quan trọng như chủng loại, độ đồng đều, phẩm cấp hàng hoá, mức độ tin cậy trong giao hàng..., có lẽ hai câu chuyện sau đây đều xứng tầm "chuyện cười thế giới".

Đó là, vào năm 2000, dù giá gạo thế giới vẫn tiếp tục hạ và cũng là năm thứ 13 liên tục được mùa (con số kỷ lục thuộc loại hiếm có trên thế giới), nhưng chúng ta đã đột ngột giảm khối lượng xuất khẩu, găm hàng lại để đến năm sau tung ra bán với giá bèo kỷ lục chỉ với hơn 167 USD/tấn. Đây là kỷ lục buồn không chỉ của riêng chúng ta trong 18 năm xuất khẩu gạo, mà rất có thể cũng là giá bèo kỷ lục của thế giới.

Tiếp theo, năm 2002 chúng ta bội thu cao kỷ lục 2,34 triệu tấn lúa, đồng thời giá gạo xuất khẩu cũng đã phục hồi mạnh (gần 224 USD/tấn), nhưng lại một lần nữa chúng ta đột ngột giảm khối lượng xuất khẩu, găm hàng lại để chờ giá "rơi tự do" xuống chỉ còn gần 189 USD/tấn trong năm 2003 mới… bán!

Tóm lại, so với giá gạo xuất khẩu bình quân của thế giới, chúng ta bị thua thiệt cực kỳ lớn. Nếu nâng được giá gạo xuất khẩu lên bằng giá bình quân của thế giới, thì mỗi năm chúng ta đã có thể thu thêm được hơn 226 triệu USD, tương đương với hơn 3.600 tỉ đồng. Tổng cộng, trong 5 năm 2001-2005, chúng ta đã thiệt mất 18.000 tỉ đồng. Đó hiển nhiên là những con số rất khổng lồ đối với những người nông dân còn quá nghèo của nước ta.

Trong đó, việc găm cả triệu tấn gạo ở thời điểm rất được giá, chờ trong một thời gian rất dài khiến chất lượng giảm và đại hạ giá để tung ra thị trường có lẽ là những câu chuyện có thể rút kinh nghiệm nhanh nhất và rẻ nhất.

Đương nhiên, cốt yếu vẫn là nâng cao được chất lượng, đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu và thâm canh 1,3 triệu hecta lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Và, câu chuyện găm gần 3 triệu tấn gạo để tung ra thị trường thế giới với giá cao hơn gần 10% trong năm 2004 khiến "người khổng lồ" Thái Lan trong cùng một năm giành cả hai kỷ lục thế giới với khối lượng gạo xuất khẩu trên 10 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thu về gần 2,7 tỉ USD có lẽ rất đáng để chúng ta học tập.

Nói tóm lại, trong khi trở thành cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới có lẽ vẫn còn là một giấc mơ quá xa vời, thì thiết thực hơn cả trong những năm tới đối với chúng ta là làm thế nào để khắc phục được những "gót chân Achilles" trong sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này.

Đó có lẽ là những công việc vừa tầm với chúng ta hơn và khả thi hơn rất nhiều. Câu chuyện về ngôi vị số 1 không thể phủ nhận của chúng ta trong làng xuất khẩu hạt tiêu thế giới có lẽ cũng là một thực tế để suy ngẫm về bài toán quy mô và hiệu quả xuất khẩu.

Theo Nguyễn Đình Bích - Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên