28/02/2015 14:41 GMT+7

Phát huy cá tính trong trường học "Toa Tàu"

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Ba bạn trẻ Việt đã xây dựng những toa tàu trường học, lấy cảm hứng từ tự truyện Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả người Nhật Kuroyanagi Tetsuko.

Ba bạn trẻ sáng lập Toa tàu (từ trái qua): Thu Thủy, Phương Huyên và họa sĩ Bút Chì (Đỗ Hữu Chí)  - Ảnh: Quang Định
Ba bạn trẻ sáng lập Toa tàu (từ trái qua, hàng đứng): Thu Thủy, Phương Huyên và họa sĩ Bút Chì (Đỗ Hữu Chí) - Ảnh: Quang Định

Họa sĩ Bút Chì (tên thật là Đỗ Hữu Chí, tốt nghiệp thạc sĩ truyện tranh tại một trường ĐH ở Mỹ theo Chương trình học bổng Fulbright) và Phương Huyên, biên tập viên cho một tạp chí, tác giả của nhiều đầu sách thiếu nhi, cùng 30 tuổi, là đôi bạn thân trong bảy năm qua.

Họ có cùng mơ ước xây dựng một trường học trên những toa tàu cũ lấy cảm hứng từ tự truyện Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả người Nhật Kuroyanagi Tetsuko. Tại ngôi trường Tomoe Gakuen trong tự truyện, học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và được tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh.

Nhưng khác với toa tàu của Kuroyanagi Tetsuko, toa tàu theo trí tưởng tượng của hai bạn trẻ này là nơi ươm mầm sáng tạo và cảm hứng cho giới trẻ thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Cơ duyên đưa họ gặp Thu Thủy, tiến sĩ ngành quản lý dự án ở Đại học Texas (Mỹ), chuyên về xây dựng tài liệu giảng dạy, vừa bỏ công việc lương cao ở một tập đoàn nước ngoài để dành toàn thời gian phát triển dự án.

Toa tàu dưới chân cầu Sài Gòn

Cả ba nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và dự án tổ hợp học tập sáng tạo mang tên "Toa Tàu" sau đó ra đời trên một mảnh đất trống gần dưới chân cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Các lớp học ở Toa Tàu được tạo ra không phải theo một kế hoạch có sẵn từ trước, mà hầu hết bắt nguồn từ việc họ gặp những nghệ sĩ có niềm tin giống mình, cũng muốn dùng nghệ thuật như một phương tiện để khám phá bản thân và kết nối với mọi người.

Toa Tàu ở đây chính là hình ảnh ẩn dụ của các lớp học nghệ thuật khác nhau và mỗi lớp học chính là một toa. Những người đến với Toa Tàu nếu thích vẽ thì đến “Toa vẽ kể chuyện”, nếu thích nặn đất sét thì đến “Toa nặn đất sét”, nếu thích chơi đàn thì đến lớp cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii). Mọi người cũng có thể tham gia lớp nhiếp ảnh, lớp xếp giấy origami… và làm bất kỳ những gì họ thích.

“Toa Tàu là các lớp học nghệ thuật theo hình thức tương tác và trải nghiệm chứ không hàn lâm và nặng về kỹ thuật. Đó chính là nét đặc thù của mô hình tổ hợp mở của Toa Tàu: luôn có thể ghép thêm toa nếu chúng ta có cùng một đích đến là niềm vui học tập và sáng tạo” - Thu Thủy cho biết.

Theo Thu Thủy, chiếm nhiều nhất trong các khóa học hiện tại của Toa Tàu là mảng nghệ thuật thị giác (visual arts): khám phá hình ảnh (cho trẻ em 5-12 tuổi), vẽ kể chuyện, origami, đất nặn, nhiếp ảnh kể chuyện và xinê kể chuyện. Ngoài ra hiện tại Toa Tàu có lớp thuyết trình kể chuyện, cảm nhận âm nhạc bằng ukulele và múa vui.

Một tiết học cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii) - Ảnh: Quang Định
Một tiết học cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii) - Ảnh: Quang Định

Truyền cảm hứng cho giới trẻ

Bảo Khuê, hiện đang học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tâm sự rằng điều cô thiếu thốn nhất ở trường không phải kiến thức mà chính là cảm hứng và niềm hạnh phúc khi đến lớp.

Trong lớp vẽ kể chuyện ở Toa Tàu, Bảo Khuê kể rằng trong suốt những năm đi học ở trường, cô lúc nào cũng bị phê bình, chê bai đủ kiểu về môn mỹ thuật vì không thể vẽ được chùa Một Cột hay nhà thờ Đức Bà siêu đẹp như các bạn trong hội những - người - vẽ - tranh - trông - như - ảnh - chụp của lớp. 

Khuê kể tiếp đến hôm phát bài thi cuối năm lớp 9, cô giáo mắng Khuê là “trình độ vẽ của em xuống mẫu giáo mà học”.

Thế là cô quyết định nói thẳng suy nghĩ của mình với cô giáo là mỗi người đều có những khả năng riêng và cái đẹp không phải là cái do cô giáo bảo đẹp thì nó là đẹp.

“Lúc đấy em cảm thấy "phê" vô cùng vì được nói những gì mình muốn nói. Tính em trước giờ bùng cháy sẵn nhưng em không dám thể hiện ra ngoài vì sợ bị phán xét. Giờ thì không còn nữa. Ở Toa Tàu có một phần bài tập nhỏ mà em thấy dù ở lớp vẽ kể chuyện hay gấp giấy đều có chính là vung màu nước thoải mái không cần nghĩ đến kết quả nó sẽ trở thành bức tranh thế nào” - Khuê tâm sự.

Thanh Thảo, 22 tuổi, hiện đang là nhiếp ảnh gia tự do cho các dự án, cảm nhận: Toa Tàu là nơi người ta không còn ca thán về xã hội, về tiêu cực, về những mặt không tốt bởi những điều đó đương nhiên tồn tại song song với cuộc sống hằng ngày.

Toa Tàu chính là nơi những con người hằng ngày truyền cảm hứng, làm những công việc từ rất nhỏ để mang lại những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống này.

Một tiết học cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii) - Ảnh: Quang Định
Một tiết học cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii) - Ảnh: Quang Định

 

Ở Toa Tàu, mọi người được tạo cơ hội phát triển tư duy, chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng người khác vì cuộc sống vốn muôn vẻ muôn màu.

Thanh Thảo

"Điều chúng tôi làm là khuyến khích mỗi người tin rằng họ luôn có khả năng tạo ra những điều tuyệt vời, chỉ cần họ hiểu rằng ta có thể làm được gì, đi xa đến đâu và đôi khi họ phải vượt qua khỏi vùng an toàn của mình. Niềm tin vào những tiềm năng của bản thân có thể giúp họ miễn nhiễm với nhiều điều tiêu cực, không chỉ là việc sao chép hay đạo tác phẩm” - Phương Huyên nói.

Cho đến nay có khoảng 200 học viên tham gia Toa Tàu, nhiều nhất ở độ tuổi 20-25. Tuy nhiên, nhóm vẫn xem mình đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình, cụ thể là mới xây xong cái ga, đang định hình và hệ thống hóa đường ray và chạy thử vài chuyến.

Về lâu dài, ba nhà sáng lập sẽ phát triển thêm các khóa học cho mảng âm nhạc và nghệ thuật (music and arts), kể chuyện và giao tiếp (storytelling and communication) và hi vọng là cả khoa học nữa.

Thu Thủy cho biết những bài tập trong lớp học, những dự án như thư viện Toa Tàu, hay những sinh hoạt cộng đồng thường xuyên là cách mà họ muốn giúp mọi người biến những việc đó thành nguồn vui vô tận, giúp họ tìm thấy ý nghĩa và niềm hứng khởi với cuộc sống từ những điều rất bình dị xung quanh.

“Khi chúng tôi thấy một em bé háo hức chờ đến cuối tuần để tới Toa Tàu như một phần thưởng, một chị học viên 40 tuổi hớn hở khoe bức tranh đầu tiên trong đời, hay một bạn sinh viên trường y kể với những người bạn mới quen về cô phụ trách phòng xác của trường với tình cảm trìu mến, ấy là khi chúng tôi biết mình đã chạm vào được thế giới đẹp đẽ của tri thức, của nghệ thuật, của tình yêu vốn có trong mỗi chúng ta" - Thu Thủy tâm sự.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên