03/03/2016 21:43 GMT+7

Sáng 9-3, từ Sài Gòn đến Hà Nội có nhật thực

TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)

TTO - Tại TP.HCM, nhật thực bắt đầu từ 6g32 và kết thúc lúc 8g38 sáng. Tại Hà Nội, nhật thực bắt đầu từ 6g57 và kết thúc lúc 8g39 sáng.

Hình ảnh nhật thực một phần - Ảnh: HAAC
Hình ảnh nhật thực một phần tại Việt Nam năm 2009 - Ảnh: HAAC

Ngoài Việt Nam, nhiều khu vực rộng lớn tại châu Á - Thái Bình Dương cũng quan sát được nhật thực một phần. Riêng tại Indonesia quan sát được nhật thực toàn phần.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhật thực toàn phần bắt đầu từ Ấn Độ Dương (phía tây đảo Sumatra) lúc mặt trời mọc, sau đó chủ yếu đi qua một số vùng trên lãnh thổ của Indonesia, tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương và kết thúc ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương (phía bắc đảo Hawaii).

Hiện tượng nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, lúc này khi nhìn từ Trái đất, dường như Mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ Mặt trời. 

Nhật thực cực đại (greatest eclipse) theo dự đoán của NASA sẽ diễn ra lúc 8g57 sáng 9-3 giờ Việt Nam. Pha toàn phần cực đại (greatest duration) diễn ra lúc 8g56 giờ Việt Nam.

Indonesia, Malaysia, Philippines và Papua New Guinea sẽ quan sát được nhật thực một phần có độ che phủ lớn hơn 50%; trong khi Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Việt Nam phần lớn sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ che phủ nhỏ hơn hay gần 50%.

Cụ thể thời gian quan sát được nhật thực một phần tại một số địa phương ở Việt Nam như sau (theo NASA, timeanddate.com):

Theo đó, khu vực quan sát được nhật thực lý tưởng nhất là các tỉnh thành phía Nam, càng đi lên phía bắc độ che phủ cực đại sẽ giảm dần. Cà Mau là địa phương quan sát nhật thực có độ che phủ cực đại lớn nhất (tại TP Cà Mau là 57,6%), TP.HCM 52,2%, Đà Nẵng 36,2%, trong khi tại Hà Nội chỉ còn 22,3%. 

Cách quan sát nhật thực:

Chúng ta có thể bắt đầu quan sát nhật thực không lâu sau khi Mặt trời mọc. Người quan sát cần tìm các khu vực có góc quan sát về hướng đông thật trống (tránh bị đồi núi, cây cối, nhà cao tầng che khuất). Nếu trời có nhiều mây, việc quan sát sẽ bị ảnh hưởng. 

Lưu ý không nên quan sát Mặt trời bằng kính râm, thậm chí bằng mắt thường cho dù độ sáng của Mặt trời lúc đó không gay gắt. Cũng không nên sử dụng các phim lọc sáng không dùng cho mục đích thiên văn như phim X-quang, băng video, kính hơ khói, giấy gói quà…để quan sát vì các loại này có thể lọc được ánh sáng nhưng sẽ không lọc được những tia hồng ngoại và tử ngoại, sẽ làm tổn thương mắt của bạn (theo tài liệu của NASA). 

Ngoài ra tuyệt đối không quan sát qua kính thiên văn, ống nhòm nếu không được gắn phim lọc Mặt trời chuyên dụng.

Để an toàn khi quan sát, có thể dùng kính của thợ hàn loại số 14 trở lên (có bán tại các tiệm cơ khí lớn với giá khoảng vài chục ngàn đồng), kính chuyên dùng cho mục đích thiên văn quan sát Mặt trời (các câu lạc bộ thiên văn có cung cấp loại kính lọc này).

Một trong những phương pháp an toàn và rẻ tiền nhất là quan sát ảnh Mặt trời qua một chậu nước. Tuy vậy, lần nhật thực lần này Mặt trời sẽ ở gần chân trời do diễn ra vào sáng sớm và không dễ dàng soi được bóng của nó.

Để tăng độ phản chiếu, hãy đặt một chiếc gương nhỏ ở đáy chậu nước và nghiêng nó về hướng Mặt trời. Bạn cũng cần phải pha vào chậu nước một ít mực đen hoặc xanh thẫm để làm giảm độ chói gây hại cho mắt khi quan sát với thời gian dài.

Một phương pháp khác là tạo một lỗ thủng nhỏ khoảng 1mm trên một tấm bìa cứng hoặc một miếng thiếc, cho ánh nắng xuyên qua và quan sát ảnh của Mặt trời xuyên qua lỗ thủng lên một tấm giấy trắng đặt ở dưới...

Nhật thực toàn phần là một hiện tượng hiếm gặp, nhiều khi chúng ta chưa chắc đã có cơ hội quan sát một lần trong đời. Tại Việt Nam, nhật thực toàn phần gần đây nhất diễn ra ngày 24-10-1995.
TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên