Học sinh tham gia CLB văn học Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) trong buổi hoạt động giới thiệu sách hay và kỹ năng đọc sách cho các bạn cùng trường - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tuy nhiên, chương trình vẫn thiếu vắng các yếu tố toàn cầu và vai trò của hệ thống các câu lạc bộ để hỗ trợ mục tiêu học tập.
Tôi chưa thấy Tổ chức Tú tài quốc tế (IBO) có trong danh mục tham khảo của chương trình. IBO có trụ sở tại Thụy Sĩ, hiện là một trong những lá cờ đầu về xây dựng chương trình giáo dục để tạo ra những công dân toàn cầu lấy tinh thần phụng sự cộng đồng, quốc gia và nhân loại làm lý tưởng cống hiến.
IBO cũng đưa ra những phẩm chất và năng lực tiêu chuẩn cho người học của thế kỷ 21 mang giá trị phổ quát của nhân loại bao gồm: ham học hỏi, có kiến thức tốt, biết cách tư duy, giao tiếp tốt, có nguyên tắc, cởi mở đầu óc, quan tâm, chấp nhận thử thách, cân bằng, có khả năng tự vấn.
Một chương trình giáo dục uy tín khác là IPC cũng đưa ra 8 phẩm chất cá nhân của con người toàn cầu trong thế kỷ 21 là: ham học hỏi, kiên trì, đạo đức, khả năng giao tiếp, khả năng tư duy, hợp tác, tôn trọng và khả năng thích nghi.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam cũng có cùng một cách tiếp cận là đưa ra các mục tiêu dành cho người học, nhưng lại thiếu vắng những giá trị toàn cầu quan trọng như: biết cách tư duy, cởi mở về tư duy, chấp nhận thử thách, hợp tác, có khả năng thích nghi...
Về hệ thống môn học thì giáo dục phổ thông của hầu hết các quốc gia đều đảm bảo những nội dung học tương tự nhau, dù có gọi tên khác nhau, tích hợp nhiều môn làm một hay tách ra thành các phân môn riêng nhưng nhìn chung đều bao gồm: tiếng mẹ đẻ, toán, khoa học tự nhiên và sự sống (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội và nhân văn (lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm lý học...), công nghệ (tin học, kỹ thuật) là các môn nền tảng, ngoài ra có các môn khác để đảm bảo giáo dục toàn diện và cân bằng là giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, kịch nghệ), ngôn ngữ khác (ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc khác...).
Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu giáo dục này thì môn học “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” không cần thiết phải tách ra thành một môn học riêng, mà chỉ nên là một phương pháp giáo dục được tập huấn cho mọi giáo viên.
Thư viện là “linh hồn” của trường học, do đó cũng cần nghiên cứu và tham khảo môn học “thư viện” của các nước.
Để xây dựng những kỹ năng mềm, trường học của các nước có nền giáo dục thành công đều dựa vào một hệ thống câu lạc bộ với rất nhiều sự lựa chọn về các môn thể thao, mỹ thuật, kỹ năng sống, sáng tạo, phục vụ cộng đồng...
Các câu lạc bộ thường được xem như “phần mềm” của trường học, có tính linh hoạt cao cho cả trường học, học sinh và huy động được tài năng của các giáo viên khác nhau trong cộng đồng trường.
Nhiều trường phổ thông hiện đại ở các nước phát triển có các câu lạc bộ rất thành công, thậm chí là tâm điểm để học sinh thực hành và thể hiện những mục tiêu học tập như sự hợp tác, tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm với cộng đồng...
Tóm lại, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên xem xét tăng cường yếu tố tư duy toàn cầu, để hướng tới đào tạo ra những công dân giàu bản sắc Việt Nam nhưng đủ hiện đại để làm chủ các xu hướng toàn cầu, chứ không chỉ trong tâm thế “sẵn sàng chờ hội nhập”.
“Nên có quy định về thư viện hoặc môn học thư viện, đồng thời sử dụng hệ thống câu lạc bộ trong trường học như một thành phần quan trọng để gắn việc học với việc thực hành. Hướng tới đào tạo ra những công dân toàn diện, cân bằng về học thuật, phẩm chất cá nhân, sức khỏe, sự sáng tạo và cảm xúc..." |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận