Việc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhanh chóng vào cuộc để xử lý vụ việc cô O. đánh học trò H.G. ở Trường tiểu học và THCS Đức Trí là một việc làm cần thiết.
Song, điều mà dư luận băn khoăn lúc này là hình thức kỷ luật dành cho cô O. có lẽ quá nặng, và tại sao mức kỷ luật cho phụ huynh C. - cũng là cô giáo THPT - thì cấp trực tiếp quản lý là Sở GD-ĐT vẫn còn để ngỏ?
Chúng ta cần đặt câu hỏi: “Tại sao cô O. lại đánh học trò?”. Việc cô O. để móng tay dài là không đúng với tác phong sư phạm, nhưng nhìn vết xước trên mặt em H.G. thì đây không phải là cái đánh ác ý của cô. Bởi nó không hề để lại vết bầm hay dấu vết gì ngoài vết xước trên da.
Vì vậy, hình thức kỷ luật phạt 5 triệu đồng và đình chỉ công tác một tháng đối với cô O. sẽ khiến dư luận băn khoăn.
Trường hợp của cô O. bị đình chỉ một tháng đứng lớp chưa phải là việc làm thấu tình đạt lý của lãnh đạo ngành giáo dục nơi đây. Bởi sự việc cô gây ra không phải là việc quá nghiêm trọng, chỉ có thể xem là một tai nạn trong nghề mà thôi.
Ta cứ thử tưởng tượng, với các cô giáo tiểu học một lúc phải quản lý cả mấy chục học trò 9-10 tuổi cả khi các cháu học, ăn và ngủ trưa thì sẽ thấu hiểu hơn sự vất vả của thầy cô dạy bán trú tiểu học.
Điều mà dư luận chờ đợi là hình thức kỷ luật đối với phụ huynh C. - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền.
Cùng là giáo viên như nhau, lẽ nào cô C. không hiểu được danh dự và uy tín của một người thầy mà nỡ xuống tay đánh giáo viên ngay tại trường học, vào giờ mà các em học sinh tan trường.
Đánh một giáo viên trước mặt phụ huynh và học sinh ngay tại sân trường là sự xúc phạm vô cùng nặng nề đối với giáo viên đó.
Sự việc đánh nhầm cô L.A. lại tưởng là cô O. càng cho thấy cô C. hành động vô cùng hồ đồ, thiếu suy xét. Con đã học hơn hai tháng trời mà cô C. vẫn chưa biết mặt cô giáo dạy con mình là điều cực kỳ đáng trách. Bởi với các em học tiểu học bán trú thì có khó gì để biết cô chủ nhiệm của con mình?
Lẽ ra, Sở GD-ĐT Đà Nẵng phải kỷ luật cả cô C. song song với việc kỷ luật cô O.. Cùng là những giáo viên do sở quản lý thì nhất thiết phải cùng có một hình thức xử lý nghiêm minh, để đảm bảo tính tôn nghiêm, công bằng của môi trường giáo dục.
Và rõ ràng trong sự việc này, cô O. dễ được dư luận thông cảm hơn cô C.. Họ phẫn nộ với hành vi của cô C. - một giáo viên nhưng có cách hành xử hoàn toàn không mang tính sư phạm, mà ngược lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận