Tại hội nghị do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 12-8, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM đã đọc bản tổng hợp ý kiến thảo luận báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 ở phiên nội bộ.
Tham dự hội nghị có ông Đinh La Thăng - Bí thư thành ủy TP.HCM bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Đào Văn Lừng - trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM, ông Hà Hữu Phúc - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM.
Dạy thêm, học thêm: nhu cầu thực tế
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận có ba kiến nghị gửi đến lãnh đạo thành phố. Thứ nhất, về công tác nhân sự: Đề nghị Sở nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định tuyển dụng, chuyển công tác viên chức.
Thứ hai: đề nghị các quận, huyện phân bổ đầy đủ và kịp thời kinh phí cho các đơn vị. Và thứ ba là đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại việc cấm dạy thêm - học thêm trong nhà trường.
Theo ông Hoàng, kiến nghị của giáo viên, các trường gửi đến UBND TP về việc dạy thêm học thêm: Đa số ý kiến của các trường đều đề xuất nên có lộ trình, vì với chương trình, cách tổ chức thi như hiện nay (như bài thi THPT Quốc gia năm 2016 đã thể hiện) thì học sinh nếu chỉ tham gia các giờ học chính khóa tại nhà trường thì không thể đảm bảo làm tốt bài thi.
Việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường thực tế đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của số đông phụ huynh và học sinh với các tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho học sinh, dễ quản lý … Mặt khác, dạy thêm học thêm cũng là một giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định đời sống giáo viên.
Giao quyền chủ động cho nhà trường
Thông tin tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Sở sẽ cho phép các trường chủ động trong điều chỉnh thời lượng dạy học các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến…)
Đối với bậc tiểu học, thực hiện việc giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc cụ thể hóa phân phối chương trình của học sinh phù hợp với từng lớp học cụ thể, đảm bảo yêu cầu giáo dục học sinh tiểu học và yêu cầu nhiệm vụ trong chương trình tiểu học.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, năm học 2016-2017, ngành giáo dục TP.HCM có hai nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng nhà trường tiên tiến hiện đại nhằm đưa giáo dục và đào tạo TP tiếp cận giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo tinh thần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa tại các nhà trường.
Vì thế, ngành giáo dục TP.HCM sẽ đẩy mạnh những nội dung, cụ thể như: xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK phù hợp với thực tiễn phát triển thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn bắt buộc (Văn - Tiếng Việt; Toán; Ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.
Chương trình giáo dục từ phổ thông đến trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, ĐH ngoài việc trang bị kiến thức cho người học cần chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, thị trường, nâng cao khả năng thực hành của học sinh, sinh viên; Thành phố tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh; Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá giữa và cuối cấp học làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp…
Không chỉ vậy, đối với học sinh, ngành GD-ĐT TP.HCM cho rằng, học sinh sẽ “được”: học tập và hoạt động cả ngày trong trường; được giảng dạy và học tập bằng phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu;
Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT. Và đặc biệt, mỗi học sinh sẽ được học một môn thể thao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận