Vợ chồng cô Thúy chỉ có cháu Phạm Nhật Quỳnh. Mẹ bệnh, Nhật Quỳnh phải lo cơm nước giúp cha mẹ nhưng vẫn là học sinh giỏi cấp huyện nhiều năm liền - Ảnh: T.TRUNG |
Đó là cô Dương Thị Thúy (38 tuổi), giáo viên môn sinh - công nghệ Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên. Cô đang phải chiến đấu với căn bệnh quái ác Lupus ban đỏ.
Ngày đứng lớp, ngày nằm viện, thời khóa biểu trên đã trở thành quen thuộc với cô Thúy gần 5 năm nay, kể từ khi bệnh Lupus ban đỏ của cô trở nặng. Cô Thúy tốt nghiệp đại học ít lâu thì đổ bệnh ngay trong một lần đứng lớp. Kể từ đó, căn bệnh này mỗi ngày một bào mòn cô.
“Khi giai đoạn đầu của căn bệnh qua đi, cô Thúy quyết tâm trở lại bục giảng khiến ai cũng cảm động. Các thầy cô trong ban giám hiệu bàn nhau để bố trí cho cô những tiết dạy nhẹ nhàng hơn, coi như đó là liệu pháp tinh thần giúp cô qua cơn bạo bệnh” - thầy Hà Văn Ngọc, hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hiền, nhớ lại.
Hai quả thận suy yếu đã chia đôi thời khóa biểu của người giáo viên trẻ, buộc cô phải tới lui bệnh viện thường xuyên để tìm sự sống. Một nửa thời gian tới bệnh viện, thời gian còn lại cô Thúy dành cả cho học trò.
“Hồi đó sợ cô không đủ sức, nên nhà trường bố trí cho cô số tiết dạy tối thiểu, vậy mà cô luôn dạy vượt tiết. Đến gần đây, khi bệnh phát tán mạnh, vì điều kiện chạy chữa, cô mới chịu dạy ít lại” - thầy Võ Văn Phước, tổ trưởng bộ môn, nói.
Hằng tuần, con đường dài hơn 60km từ nhà tới Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận trở nên thân thiết với cô Thúy. “Có nhiều hôm, lúc chạy thận xong là 4g30 chiều, cô bắt xe ôm lên đây ngồi đợi, nhưng quá mệt phải ngồi nghỉ cả tiếng đồng hồ. Có hôm tôi thấy cô vừa mệt, vừa đau nên lỡ chuyến xe buýt. Nhưng cô nói với tôi dù sáng tối, mưa gió gì cô cũng phải trở về nhà cho kịp giờ giảng ngày hôm sau” - bà Lan, người bán nước bên đường, kể với giọng khâm phục.
Chúng tôi đến nhà cô Thúy ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên giữa ngày trưa nắng. Căn nhà trống huơ trống hoác, mái tôn cũ làm không gian nóng hầm hập. Cả nhà chỉ có một phòng có trần để người bệnh nằm cho đỡ nóng. Đúng ngày cô Thúy đi chạy thận, ngôi nhà vắng tanh, bởi chồng cô Thúy là anh Phạm Thọ vẫn còn đang lái xe chở đất thuê cho người dân trong xã. Không có cha mẹ ở nhà, bé Phạm Nhật Quỳnh (13 tuổi) tự lo chuyện học rồi lau nhà cửa, nấu ăn, rửa chén.
Chồng cô Thúy kể đã nhiều phen vợ nằm viện hôn mê, bác sĩ bảo về nhà chuẩn bị đi là vừa. Ấy vậy mà rất nhiều lần, như có một sức mạnh thần kỳ nào đó níu vợ anh lại với thế gian này. Từ khi vợ bệnh, chiếc xe tải mà vợ chồng anh sắm được sau lễ cưới đã phải nhượng một phần lại cho người khác.
Vậy mà nhiều lúc vợ nhập viện gấp, không có tiền, anh Thọ đành phải mang phần sở hữu còn lại của chiếc xe đi cầm. Vợ bệnh, con nhỏ nên dù chạy xe tải nhưng anh Thọ chẳng dám chạy xa, cứ quanh quẩn trong xã, ai kêu gì chở nấy, không thuê chở thì anh chạy việc bốc vác, làm thuê.
“Cũng chẳng mạnh mẽ chi đâu, nhiều khi quá đau đớn muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tới sáng, trong bữa cơm nhìn thấy hai cha con lo cho nhau từng cọng rau, lát thịt, nước mắt lại ứa ra. Bởi nếu mình bỏ cuộc thì những hình ảnh đó sẽ ra sao, liệu rằng cha con có được niềm vui khi không có mình cạnh bên” - cô Thúy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận