12/04/2016 10:09 GMT+7

Học hết cấp I rồi nghỉ vì trường xa ​15km

TUYẾT MAI - NGỌC LOAN
TUYẾT MAI - NGỌC LOAN

TTO - Câu chuyện này xảy ra ở ấp Hòa Lộc, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Trường cách điểm dân cư 15km, học hết tiểu học những học sinh nơi đây phải chấp nhận nghỉ học vì không thể đến trường!

Anh em Châu Mách, Châu Gia Pha nghỉ học ở nhà trông em vì trường quá cách xa nhà - Ảnh: Tuyết Mai
Anh em Châu Mách, Châu Gia Pha nghỉ học ở nhà trông em vì trường quá cách xa nhà - Ảnh: Tuyết Mai

 

Từ con đường trải nhựa vào đến cuối làng Chăm (thuộc ấp Hòa Lộc, huyện Dầu Tiếng) chừng 2km. Mỗi căn nhà nằm cách nhau một rừng cao su. Cả làng có hơn trăm hộ dân. Mỗi năm, ở làng có tầm 10 đứa trẻ học xong tiểu học.

Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, đám trẻ ấy chỉ học hết cấp I rồi nghỉ ở nhà, trông em cho cha mẹ đi làm, hoặc đi câu cá ở hồ Dầu Tiếng, đi trút mủ cao su... vì nhà quá xa trường, gần 15km.

Nỗi buồn con trẻ

Hai anh em Châu Gia Pha (14 tuổi) và Châu Mách (13 tuổi) học cùng lớp với nhau. Năm ngoái, cả hai đều tốt nghiệp cấp I ở Trường tiểu học Hòa Lộc. Nhưng cũng như các bạn khác trong làng, hai anh em phải nghỉ học vì đường đến trường xa.

Xốc lại đứa em tầm hơn 1 tuổi đang ẵm bên hông, Châu Mách nhoẻn miệng cười, vui vẻ kể: “Hồi trước đi học, em được giấy khen học sinh tiên tiến, còn anh em chỉ được học sinh trung bình thôi, nhưng tụi em đều được lên lớp hết”.

Từ hồi nghỉ học đến giờ, hai anh em ở nhà trông hai em nhỏ, buổi trưa loanh quanh phụ bà nấu cơm, rồi thì mùa nào việc đó, mùa mưa phụ cha đi cạo mủ, trút mủ cao su, mùa nắng ra hồ Dầu Tiếng giăng câu bắt cá về bán.

Ít nói hơn em, Châu Gia Pha ngần ngại gật đầu khi chúng tôi hỏi em còn muốn đi học nữa không. Pha buồn buồn đáp: “Em cũng muốn đi học lắm, nhưng đường tới trường cấp II xa quá, đạp xe qua mấy con dốc thì mệt lắm. Ba mẹ em còn phải đi làm kiếm tiền nên chẳng có thời gian chở hai anh em đi học”.

Nói tới đó thì ông Châu Văn Xa Leh (cha của Mách và Pha) đi làm về. Vừa thấy xe cha dừng ở cửa, Pha đã nhanh nhẹn chạy đến gỡ tấm lưới buộc túm gần chục ký cá bên trong, mang vào bếp để lát nữa cha mang đi bán cho hàng xóm quanh đó.

“Nhà tui nghèo, tui và mẹ nó đều phải đi làm thuê làm mướn, ngày được trăm ngàn lo ăn uống, chi tiêu không đủ, nên chẳng có thời gian đưa đón con - ông Châu Văn Xa Leh nhìn vào căn nhà lụp xụp, rồi nhìn hai con trai, chép miệng - Cũng muốn cho các cháu đi học lắm. Nhưng trời nắng thấy tụi nhỏ đạp xe gần 15km đến trường, đường sá xe cộ thì nguy hiểm, lỡ có chuyện gì... Có đạp tới nơi cũng chẳng còn sức đâu mà học. Muốn cho con cái đi học để biết cái chữ sao mà khó khăn quá”.

Cách đó vài trăm mét, Sa Go Leh (14 tuổi) đang phụ mẹ dọn hàng. Bà Kho Gi Gianh (40 tuổi, mẹ Sa Go Leh) thở dài ngao ngán: “Tôi ở nhà bán tạp hóa và trông đứa nhỏ, chồng thì đi làm ăn xa. Muốn cho con học cao hơn, nhưng sức khỏe cháu không thể một ngày đi xe đạp gần 30km được...”.

Đường đến trường... còn xa

Không chỉ có trẻ thơ buồn vì không được đến trường đến lớp như chúng bạn, những người lớn ở làng Chăm cũng không khỏi băn khoăn về tương lai lớp trẻ khi phải nghỉ học ở tuổi lên 10.

Theo lời ông Kho Sanh, một người lớn tuổi trong làng, kể lại: “Trước đây, làng có ông Tro Hia. Cứ mỗi sáng, chiều ông Tro Hia lại lái chiếc máy cày cọc cạch của mình tình nguyện chở đám trẻ con trong làng đi học. Nhưng hơn sáu năm qua, từ ngày ông Tro Hia mất, đám trẻ trong làng không còn người đưa đón đến trường nên lần lượt nghỉ học hết. Đến mấy năm trở lại đây thì chẳng còn đứa trẻ nào học đến cấp II”.

Ông Hồ Sanh (trưởng tổ 8, ấp Hòa Lộc) mới có một con gái năm nay lên 3 tuổi. Tuy con còn nhỏ nhưng chuyện tìm cái chữ cho con không khỏi làm ông lo ngại. “Dù kinh tế gia đình khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng muốn cho các cháu được đến trường để có con chữ, để tương lai các cháu được hơn thế hệ chúng tôi” - ông Hồ Sanh nói.

Không chỉ có trẻ em ở làng Chăm nghỉ học, nhiều đứa trẻ người Kinh tại khu vực Hòa Lộc cũng không thể đến trường. Năm học vừa qua, Trường tiểu học Hòa Lộc có 35 học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học, trong đó có 30 học sinh người Kinh. Tuy nhiên, trong số đó không ít học sinh người Kinh không được tiếp tục đi học, một phần vì điều kiện gia đình, một phần do đường sá đi lại xa xôi.

Cô Nguyễn Ngọc Dung (phó hiệu trưởng Trường THCS Minh Hòa) tâm tư: “Những năm gần đây, không có học sinh nào ở làng Chăm theo học tại trường. Hiện nay ở trường, cả bốn khối 6, 7, 8, 9 chỉ có một em học sinh dân tộc Chăm. Tuy nhiên, gia đình em này đã chuyển ra kinh doanh gần trường, nên có lẽ vì vậy mà em mới được đi học.

Không riêng gì trẻ em ở làng Chăm, học sinh người Kinh tại Hòa Lộc cũng không đi học tiếp hoặc thường nghỉ học giữa chừng. Năm vừa qua có bảy em học sinh người Kinh thuộc ấp Hòa Lộc không ra lớp. Không biết những đứa trẻ này sẽ ra sao, làm gì khi chỉ học hết lớp 5. Thật lo lắng cho một thế hệ tương lai!”.

Sẽ đề xuất tuyến xe buýt đến trường

Ông Tạ Tấn Tuấn (phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Dầu Tiếng) cho biết:

UBND huyện Dầu Tiếng và phòng giáo dục huyện rất ưu tiên khu vực xã Minh Hòa. Đặc biệt, ấp Hòa Lộc có nhiều đồng bào dân tộc Chăm nên càng được quan tâm tạo điều kiện hơn.

Hằng năm Tỉnh ủy, UBND các cấp thường tổ chức trao tặng cặp sách, xe đạp, học bổng khuyến khích các em tới trường, được miễn học phí 100%. Các thầy cô giáo ở đây cũng thường xuyên đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học.

Hiện nay, do chưa có mặt bằng nên Trường THCS Minh Hòa vẫn đang học chung cơ sở với Trường THPT Phan Bội Châu. Quả thật, từ ấp Hòa Lộc đến Trường THCS Minh Hòa rất xa. Đa số học sinh ở khu vực này chỉ học đến hết cấp I là nghỉ.

Theo quy định của bộ, phải đủ 150 học sinh mới được thành lập trường. Tuy nhiên, ở Hòa Lộc chỉ có khoảng 50 em, không đủ tiêu chí xây dựng trường.

Phòng giáo dục đang có phương án đề xuất với UBND huyện cho một chuyến xe nhỏ để chở các em đi học. Phương án này có tính khả thi cao.

Địa phương luôn hỗ trợ hết sức

Ông Nguyễn Văn Cảm (phó bí thư Đảng ủy xã Minh Hòa) cho biết: “Làng Chăm thuộc ấp Hòa Lộc có 102 hộ, 432 nhân khẩu, trong đó có 3 hộ nghèo. Xã cũng nhận được thông tin từ Trường THCS Minh Hòa rằng học sinh làng Chăm lên lớp rất ít.

Nắm được tình hình này, UBND xã đã xuống động viên, vận động bà con cho con em đến trường và sẽ hỗ trợ sách vở.

Trước đây đường sá còn khó đi lại, vài năm gần đây đường được trải nhựa vào tận làng Chăm.

Tuy nhiên, quãng đường hơn chục cây số cũng hơi xa nếu các em tự đi xe đạp. Xã đã và đang tiếp tục đề xuất phương án với huyện để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

TUYẾT MAI - NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên