10/04/2016 09:43 GMT+7

Thầy trò cùng tăng tiết để ôn tập thi THPT quốc gia

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Thời điểm này, dù học sinh lớp 12 chưa kiểm tra cuối học kỳ, nhưng nhiều trường THPT đã lên lịch ôn thi THPT quốc gia.

Một tiết học nhóm môn địa của học sinh Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học nhóm môn địa của học sinh Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

“Năm nay, Bộ GD-ĐT không công bố đề thi mẫu mà thông báo chung chung: đề thi có cấu trúc như năm trước, khiến chúng tôi hơi hoang mang. Ngoài việc dạy đến đâu hệ thống hóa kiến thức đến đó cho học sinh, tôi còn yêu cầu các em phải xem lại chương trình lớp 10, 11 để tập giải đề thi” - một giáo viên môn toán ở quận 3, TP.HCM cho biết.

Cho phép học “ca ba”

Hiện tại, hầu hết các trường THPT tại Hà Nội đã sắp xếp tăng số tiết đối với các môn toán, văn, ngoại ngữ ngay trong chương trình chính khóa. Nhiều trường như Trần Nhân Tông, Phan Huy Chú, Hai Bà Trưng... còn duy trì các lớp hỗ trợ đặc biệt đối với học sinh yếu, kém.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), mặc dù đảm bảo quy định không cắt xén chương trình nhưng theo thời khóa biểu của lớp 12 vẫn có những buổi chỉ bố trí 4 tiết. Vì thế, những buổi 4 tiết sẽ được tăng thêm 1-2 tiết cho các môn toán, văn, ngoại ngữ. Ngoài ra, tùy theo nguyện vọng của học sinh, nhà trường cho phép tổ chức các lớp “ca ba” để ôn tập.

“Ở các lớp ôn tập ngoài giờ chính khóa, chúng tôi hướng dẫn học sinh cách tự hệ thống lại kiến thức, cho các em luyện đề để làm quen với hình thức ra đề thi THPT quốc gia” - một giáo viên Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) trao đổi.

Còn thầy Phạm Trung Dũng, hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, cho rằng do trường thuộc khối ngoài công lập nên chương trình lớp 12 bắt đầu sớm hơn các trường công lập, trường này có thêm gần một tháng trong thời gian của năm học dành cho việc ôn tập.

Theo thầy Phan Thanh Tùng - hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), từ học kỳ 2 nhà trường đã rà soát để phân trình độ học sinh, căn cứ vào kết quả, tư vấn cho phụ huynh và học sinh trong việc xây dựng kế hoạch ôn tập.

“Nhiều học sinh chỉ đăng ký ôn tập ngoài giờ chính khóa 1-2 môn tại trường, nhưng có em đăng ký học tất cả các môn trong tổ hợp môn thi các em đã đăng ký” - một giáo viên Trường Trần Nhân Tông cho biết.

Đề kiểm tra, thi thử theo dạng 6/4

Ở Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM), từ sau học kỳ 1, những học sinh cần sự kèm cặp đặc biệt của giáo viên sẽ được tách ra học chung một lớp.

“Chúng tôi phân công những giáo viên tận tâm, có kinh nghiệm để phụ trách lớp học này. Khi cả lớp có cùng trình độ, thầy cô giáo dễ soạn giáo án; học sinh cũng không còn mặc cảm, tự ti khi phải chạy theo những học sinh giỏi. Ở lớp này, các em được thầy cô quan tâm hết mình, giảng dạy theo đúng năng lực tiếp thu của các em, nên học sinh tiến bộ nhanh hơn” - ông Lê Văn Phước, hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, thông tin.

Không những thế, Trường THPT Võ Thị Sáu còn bố trí phòng nghỉ trưa có gắn máy lạnh, dành cho học sinh khối 12 có nhu cầu nghỉ trưa tại trường (thay vì phải về nhà) để buổi chiều học tiếp.

Theo ông Lê Văn Phước: “Nếu sau buổi chiều các em vẫn chưa hoàn thành bài vở theo yêu cầu thì các thầy cô sẵn sàng ở lại cùng các em, để hỗ trợ học sinh học ôn vào buổi tối. Năm nay Bộ GD-ĐT không công bố đề thi mẫu nên các tổ bộ môn đều phải soạn lại bộ đề thi cho học sinh.

Quan điểm của nhà trường là không dạy tủ mà dạy hết chương trình của Bộ GD-ĐT, sau đó mở rộng thêm, để học sinh có thể làm được những câu mang tính phân hóa. Trước khi thi THPT quốc gia chính thức, nhà trường sẽ cho học sinh thi thử, đề thi sẽ phân hóa theo mức 6/4 như cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm trước”.

Tương tự, theo ông Nguyễn Hùng Khương, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân: “Các đề kiểm tra của nhà trường đều ra theo nguyên tắc có đầy đủ các câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như đề thi THPT quốc gia. Không chỉ để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi THPT quốc gia, mà qua các đợt kiểm tra như vậy, học sinh lớp 12 sẽ đánh giá được trình độ thật sự của mình và có quyết định đúng đắn hơn trong việc chọn môn thi”.

Hướng dẫn theo chuyên đề, lập đề cương

Cô Nguyễn Thị Thúy Anh, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết trường đã yêu cầu tất cả giáo viên bộ môn liên quan tới 8 môn thi phải lập đề cương ôn tập cho học sinh. “Trong tình huống Bộ GD-ĐT không có tài liệu ôn tập, không giới hạn nội dung ôn tập, thì đề cương do giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh thực hiện chính là phần nội dung ngắn gọn nhưng đầy đủ của kiến thức liên quan tới kỳ thi” - một giáo viên Trường Yên Hòa chia sẻ.

Theo cô Thúy Anh, trình độ học sinh của trường ở mức cao nên việc ôn tập không phức tạp, nhất là đối với những môn thi mà phần đông học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

“Chúng tôi tổ chức ôn tập cho học sinh theo các chủ đề. Trong đó chú trọng việc hướng dẫn học sinh cách thức làm bài thi, tận dụng cơ hội để ghi điểm trong các môn thi trắc nghiệm” - một giáo viên dạy toán Trường Yên Hòa chia sẻ.

Cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết hướng ra đề thi năm nay tương tự như năm trước nên giáo viên, học sinh có thể tham khảo đề thi minh họa năm trước đã công bố. Nhưng do đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ tăng tỉ lệ câu hỏi mang tính vận dụng cao trong các đề thi, vì thế nhiều học sinh vẫn lo lắng, nhất là đối với các môn thi mà các em sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ.

“Khi cho học sinh luyện đề, chúng tôi cũng hướng dẫn kỹ về các dạng câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản, mang tính vận dụng cao. Phải qua luyện đề mới nắm được điểm yếu của từng học sinh để tư vấn” - cô Kim Anh nói.

Trong khi đó, tại TP.HCM, nhiều giáo viên cho biết do năm nay Bộ GD-ĐT công bố tăng câu hỏi mang tính vận dụng cao nên chương trình ôn thi THPT quốc gia nặng hơn so với năm trước.

Một giáo viên toán ở quận Bình Thạnh nói: “Bộ GD-ĐT cứ nói chung chung, không giới hạn kiến thức, nên chúng tôi phải ôn cả chương trình lớp 10, 11, 12 cho học sinh. Với câu hỏi mang tính chất vận dụng cao, nếu người ra đề không khéo sẽ thành ra đánh đố học sinh thì rất nguy hiểm. Lo lắng quá nên giáo viên chỉ biết ép học sinh phải học thật nhiều, phải làm hết các dạng toán khó, làm nhuần nhuyễn”.

Học sinh không luyện thi chung chung

Hiện tại, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường THPT mở lớp luyện thi THPT quốc gia ngay tại trường, với giáo viên giỏi để thu hút học sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay học sinh không đi luyện thi chung chung, mà chỉ luyện để bổ sung những mặt yếu của mình.

Ví dụ, cuối tháng 4, Trường THPT Võ Thị Sáu sẽ mở lớp luyện thi THPT quốc gia dành cho những học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu. Lớp học này chuyên giải các câu hỏi khó, câu hỏi mang tính phân hóa.

Trong khi đó, theo một giáo viên văn nổi tiếng ở quận 1: “Năm nay có khá nhiều học sinh tới xin học luyện thi với tôi, nhưng chỉ học cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bởi đề thi nghị luận xã hội thường gắn với các vấn đề mang tính thời sự, đề thi của bộ về phần này cũng thể hiện sự đổi mới khá rõ. Các em cần có giáo viên kèm cặp để được định hướng những nội dung cần quan tâm, được hướng dẫn để có cách viết văn nghị luận xã hội hấp dẫn”.

H.HG.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên