25/03/2016 13:38 GMT+7

ĐH Y dược TP.HCM liên kết đào tạo “chui”

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Trường ĐH Y dược TP.HCM đã liên kết đào tạo “chui” và sử dụng phôi văn bằng của Trường ĐH Tây Nguyên để đóng dấu cấp bằng tốt nghiệp cho người học.

Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có nhiều thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý đào tạo. Ảnh: Như Hùng
Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có nhiều thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý đào tạo. Ảnh: Như Hùng

Đó là một trong nhiều thiếu sót, sai phạm của Trường ĐH Y dược TP.HCM được nêu ra trong kết luận thanh tra do Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố.

Tự ý liên kết đào tạo

Kết quả kiểm tra, xác minh về công tác tuyển sinh của nhà trường cho thấy năm 2005, Bộ GD-ĐT có văn bản cho phép Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Tây Nguyên được liên kết đào tạo 70 chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ cho các tỉnh Tây nguyên (lấy trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2005 của Trường ĐH Tây Nguyên).

Từ năm 2006 đến năm 2008, không có văn bản cho phép tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng hai trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trên. Tổng số đã tuyển sinh từ năm 2006-2008: ngành dược 117, ngành răng hàm mặt 59.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ rõ trách nhiệm đối với các thiếu sót, sai phạm thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo; phòng đào tạo; ban quản lý đào tạo khoa y; trưởng phòng đào tạo; trưởng khoa y và các bộ phận, cá nhân có liên quan ở từng thời kỳ tương ứng.

Hiệu trưởng đương nhiệm và phó hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo chịu trách nhiệm đối với các thiếu sót, sai phạm từ khi được bổ nhiệm đến thời điểm thanh tra.

ĐH Y dược TP.HCM đã đóng dấu, cấp bằng tốt nghiệp cho người học trên phôi văn bằng của Trường ĐH Tây Nguyên chuyển giao. Tổng số văn bằng Trường ĐH Y dược TP.HCM đã cấp sử dụng phôi bằng của Trường ĐH Tây Nguyên cụ thể: ngành dược 125, ngành răng hàm mặt 67. Hiện còn 9 sinh viên ngành dược và 10 sinh viên ngành răng hàm mặt chưa tốt nghiệp.

Năm 2008, ĐH Y dược TP.HCM được Bộ GD-ĐT giao bổ sung 50 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa và 50 chỉ tiêu đào tạo dược sĩ để tăng cường đội ngũ cán bộ giảng viên cho khoa y dược của ĐH Đà Nẵng.

Năm 2009, ĐH Y dược TP.HCM vẫn tiếp tục liên kết với ĐH Đà Nẵng để tuyển sinh mà không đề nghị Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu. Số lượng đã tuyển: bác sĩ đa khoa 18, dược sĩ 27.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT còn chỉ rõ nhà trường báo cáo chưa chính xác về đội ngũ giảng viên, số liệu kiểm tra thực tế thấp hơn 197 giảng viên (quy đổi) so với số liệu đã báo cáo Bộ GD-ĐT. Có 21/23 hồ sơ được kiểm tra không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, 2/3 hồ sơ có văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện việc công nhận văn bằng.

Chưa cấp bằng cho “bác sĩ học 27 năm mới xong”

Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, liên quan đến việc cho phép các sinh viên hết thời gian tối đa được phép học, học lại, thi lại tốt nghiệp không đúng quy định, kiểm tra hồ sơ cấp bằng của 16 trường hợp có phản ánh việc đào tạo quá thời gian học tập cho thấy trường đã cấp bằng cho 13 trường hợp có thời gian học tập từ 10 đến 27 năm, trong đó trường hợp N.V.C - nhân vật trong bài viết "27 năm mới học xong bác sĩ" đã có bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Lê Quan Nghiệm - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Tuy đã cấp bằng cho N.V.C rồi nhưng hiện nhà trường chưa phát cho ông này do có kiến nghị, tố cáo. Nhà trường đã thống nhất sẽ hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp của ông N.V.C”.

Ông Nghiệm còn cho biết thêm nhà trường đang rà soát lại các trường hợp vượt quá thời gian tối đa được phép học của khoa y, các trường hợp đã bị buộc thôi học và các trường hợp phát sinh khác (nếu có) để xử lý.

Từ nay đến ngày 30-6, trường sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ sinh viên đang theo học tại trường. Đồng thời sẽ rà soát toàn bộ các trường hợp trúng tuyển trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã được miễn thi ngoại ngữ, yêu cầu các trường hợp chưa có chứng chỉ bổ sung chứng chỉ theo đúng quy định, trường hợp không bổ sung được thì hủy kết quả trúng tuyển.

Kết luận thanh tra đột xuất

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, việc ban hành kết luận thanh tra đã được xem xét trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế và giải trình của trường.

“Đây là kết luận thanh tra đột xuất vì vậy tập trung đánh giá sâu, đúng bản chất, nguyên nhân khách quan và chủ quan của các vấn đề thuộc nội dung thanh tra đặc biệt là các thiếu sót sai phạm. Kiến nghị xử lý đảm bảo theo luật nhưng có tính đến yếu tố thực tiễn, các đề nghị xử lý của Bộ Y tế, của trường. Các trường hợp xử lý vượt thời gian trường cần rà soát và thực hiện theo đúng quy định”, ông Bằng nói.

 

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên