16/01/2016 07:52 GMT+7

Căn nhà hoang và thầy giáo Cả

ANH TÚ
ANH TÚ

TT - Một căn nhà bỏ hoang cũ kỹ, hoen ố, bên trong là những chiếc bàn ba chân chắp nối xếp ngăn nắp cùng tấm bảng xanh. Thế nhưng đây lại chính là nơi học tập miễn phí dành cho các em học sinh nghèo thôn Lương Viện.

Thầy Phan Cả tận tình với lớp học đặc biệt của mình Ảnh: Anh Tú
Thầy Phan Cả tận tình với lớp học đặc biệt của mình - Ảnh: Anh Tú
“Học sinh trong làng chỉ đến trường một buổi, mà có bữa đi bữa nghỉ. Phụ huynh thì cả ngày ở ngoài đồng, không có thời gian chăm lo cho con khiến các em thiếu kiến thức trầm trọng. Vì thế tôi mở ra lớp học miễn phí này để giúp các em củng cố thêm kiến thức cũng như giúp tôi thỏa mãn mơ ước giảng dạy 
Thầy Phan Cả

Lớp học đặc biệt này do thầy giáo Phan Cả (28 tuổi, Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lập ra gần một năm nay và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều phụ huynh trong làng.

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế với hai tấm bằng chuyên ngành tâm lý giáo dục và giáo dục chính trị, nhưng Cả vẫn chưa xin được việc làm. Không được đứng trên bục giảng như mong muốn, nhưng tình yêu nghề trong anh không hề tắt.

Nhói lòng trước cảnh hằng ngày thấy các em nhỏ quần áo nhem nhuốc, cuốc bộ vài cây số đến trường trong mưa nắng, không được học hành đầy đủ, ý nghĩ mở ra một lớp học của chàng trai trẻ bắt đầu từ đây.

Mượn tạm ngôi nhà bỏ hoang hơn chục năm nay trong làng, anh giáo Cả tự mình xin thêm vài bộ bàn ghế hư hỏng của người dân, xin hỗ trợ một tấm bảng xanh, mua mấy tấm tôn che mưa. Anh còn tự tay sơn lại bốn bức tường bên trong đã phủ rêu xanh cho mới mẻ.

Bà con trong làng không ai nghĩ ngôi nhà hoang bấy lâu nay bỗng chốc trở thành một lớp học đông vui, nhìn tuy đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười đùa của đám trẻ con.

Đều đặn một tuần bốn buổi, lớp học từ một vài em tham gia đến nay đã lên tới hàng chục em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các em rất háo hức đến lớp trước sự dạy bảo tận tình, dễ tiếp thu của thầy giáo trẻ vui tính, đầy nhiệt huyết.

Hai giờ cho mỗi buổi học, bằng kiến thức mình học được cộng với kinh nghiệm một thời làm gia sư, lớp học được thầy Cả phân thành nhiều nhóm lớp khác nhau và giảng dạy theo từng mức độ, rất bài bản và nghiêm chỉnh.

Ngoài hai môn học chủ yếu là tiếng Việt và toán được thầy Cả dạy xen kẽ trong mỗi buổi học, các em còn được thầy kể chuyện về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam của ông cha ta thời xưa. Những mẩu chuyện này được thầy ví như là “thuốc thư giãn” cho mấy em sau các con số tự nhiên khô khan.

Lớp học bắt đầu, nhiều phụ huynh có con em trong làng cũng quan tâm, thăm hỏi và nhờ cậy thầy Cả ngày càng nhiều. Không có điều kiện tốt để lo cho con nên giờ đây họ chỉ hi vọng vào lớp học này giúp đám trẻ hoàn thiện hơn. Kể từ khi thành lập đến nay, lớp học thầy Cả mở ra đã phụ đạo cho hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Nhớ lại khoảng thời gian lớp học mới mở, thầy Cả chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có vài ba em lớp 2 tham gia, nhưng sau đó lớp đông dần nhờ sự vận động của mình và phụ huynh, đến nay lớp rất đông và mình cũng sắp xếp thêm thời gian kèm cặp các em nhiều hơn”.

“Điều kiện ở đây rất khó khăn nên con em không được học hành đến nơi đến chốn, phụ huynh cũng không cho các em đi học thêm gì ngoài một buổi chính đến trường. Khi thầy Cả có ý xin mở lớp học miễn phí ngay tại làng, chúng tôi rất ủng hộ và không nghĩ là lớp học mang lại hiệu quả cao như vậy” - ông Trần Xuân Khái, phó chủ tịch UBND xã Phú Đa, cho biết.

Tủ sách yêu thương

Em Phan Thị Vân, lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Đa 3, tham khảo sách tại “Tủ sách yêu thương” - Ảnh: Anh Tú
Em Phan Thị Vân, lớp 4/1 Trường tiểu học Phú Đa 3, tham khảo sách tại “Tủ sách yêu thương” - Ảnh: Anh Tú

Cảm thông cho hoàn cảnh của học trò nên ngoài lớp học miễn phí, biết các em đam mê đọc sách, thầy Cả đã tự tay đóng một tủ sách đặt ngay tại lớp học.

Tủ sách tuy nhỏ nhưng lại có đầy đủ các loại sách cần thiết của nhiều lớp học, sách tham khảo hay đơn giản là những cuốn truyện đọc dân gian, báo học trò... để các em tham khảo, giải trí lúc rảnh rỗi.

Để có được tủ sách này, anh giáo trẻ phải bỏ tiền ra mua về, thấy người ta vứt bỏ thì xin, thỉnh thoảng lại đi quyên góp ở bất cứ nơi đâu, thời gian nào.

Từ khi có thêm tủ sách, lớp học như có thêm niềm vui, động lực giúp các em đến lớp ngày một đông hơn. Căn nhà bỏ hoang nằm lọt thỏm trong làng giờ trở nên nhộn nhịp, sôi động hẳn lên với tiếng đọc bài râm ran, tiếng vui đùa của lũ trẻ con trong làng.

Anh Nguyễn Văn Dũng, phó bí thư Đoàn thị trấn Phú Đa, cho biết: “Từ khi có lớp học của thầy Cả, các em học sinh trong làng đã bớt quậy phá. Lớp học giúp các em có được kiến thức căn bản, ngoan ngoãn, lễ phép hơn”.

Để có thể duy trì lớp học miễn phí cho các em, thầy Phan Cả phải chật vật làm thêm nhiều nghề: dịch vụ điện hoa trên thành phố hay mở trang trại nuôi gà ngay tại nhà.

“Tuy chưa có việc làm ổn định nhưng mình sẽ cố gắng duy trì lớp học này cho các em, vì mình nhận thấy qua một thời gian dạy các em tiến bộ hơn trước rất nhiều” - thầy Cả nói.

ANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên