10/09/2015 15:08 GMT+7

Đồ dùng học tập: Càng thơm càng độc

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Chị Hà, mẹ của bé Hoàng My - học sinh lớp 1 ở Q.Tân Phú (TP.HCM) - kể sau tựu trường khoảng một tuần, bé nằng nặc đòi mẹ mua bằng được chiếc bút chì khúc giống bạn cùng lớp.

Nhiều loại bút chì thơm được bày bán tại một nhà sách ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng
Nhiều loại bút chì thơm được bày bán tại một nhà sách ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng

Giờ đây, không chỉ các loại bút sáp để học sinh vẽ tranh, tô màu có mùi hương hấp dẫn, mà nhiều loại đồ dùng học tập khác như vở, bút, cục gôm... đều được tẩm mùi nhằm thu hút người mua, trong đó phần lớn là học sinh nhỏ tuổi.

Chị Hà, mẹ của bé Hoàng My - học sinh lớp 1 ở Q.Tân Phú (TP.HCM) - kể sau tựu trường khoảng một tuần, bé nằng nặc đòi mẹ mua bằng được chiếc bút chì khúc giống bạn cùng lớp. Thậm chí bé còn mượn cả cây bút của bạn về để mẹ mua đúng với ý thích.

Từ bút chì thơm

Ngoài sự khác lạ có nhiều khúc nên không phải chuốt, bé My thích chiếc bút chì này vì trên thân bút có những hình thú ngộ nghĩnh với màu sắc bắt mắt, và chỉ cần mở nắp ra bút tỏa hương thơm.

Hình ảnh những người cha, người mẹ đi tìm mua sách vở, dụng cụ học tập theo ý thích của con như chị Hà rất dễ thấy tại hầu hết nhà sách TP.HCM trong thời điểm đầu năm học mới. Loại bút chì khúc này hiện nay rất thu hút học sinh nhỏ tuổi - lớp mầm non chồi, lá và 1, 2, 3... bậc tiểu học.

Rất nhiều nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm ở TP.HCM đều có bán bút chì khúc nói trên.

Tại cửa hàng văn phòng phẩm T (Q.Tân Phú), chị Minh, khách hàng vào chọn mấy cây bút chì khúc, kể: “Từ đầu năm học đến giờ, con gái đã xài cả chục cây bút chì khúc. Cứ mất là lại đòi mua, không biết bao nhiêu mà kể”.

Bút chì khúc ở đây có rất nhiều màu, cái in hình bánh kem, ly tách, cái in hình thỏ, gà, bò... có cái được gắn kèm một cục gôm màu sắc, đủ hình thù từ gấu, mèo đến trái tim, mặt cười, mặt thỏ... Cây nào cũng thơm, đủ mùi, từ thoang thoảng đến đậm đặc.

Quan sát cho thấy loại bút chì này được dán nhãn chữ Trung Quốc, trên thân bút có chữ Bensia, giá cực rẻ so với các loại bút chì chuốt hiện nay, chỉ 4.000 đồng/cây loại không có gôm đi kèm, loại có gôm 7.000 đồng/cây.

Khảo sát ở nhiều nhà sách Q.1, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình... đều có bán các loại bút chì khúc này, một số loại có hương thơm nồng, vài loại có hương thơm nhẹ, có loại mùi nhựa khó chịu... Tất cả đều bắt mắt và giá rẻ.

Học sinh mua vở có mùi thơm tại một nhà sách ở quận Tân Bình, TP.HCM sáng 9-9 - Ảnh: Như Hùng

Đến cái gì cũng thơm

Trước đây chỉ bút sáp mới có mùi thơm, nay thì tất tần tật các loại đồ dùng học tập đều sực nức mùi hương.

Tại nhà sách M (Q.1), một góc ngay cửa ra vào nhà sách được dành cho các loại bút đủ màu sắc, rất bắt mắt. Trong số đó, học sinh nào cũng rất dễ dàng chọn cho mình những cây bút vừa thơm mùi kẹo ngọt, vừa pha kim tuyến đủ màu sắc.

Đập vào mắt các nữ sinh tiểu học là hộp bút ba nàng công chúa trong bộ phim hoạt hình Công chúa Barbie nổi tiếng, hộp bút có sáu cây, cây nào cũng thơm. Đây là những cây bút màu dạng bi, pha kim tuyến, có màu sắc của các loại trái cây, với mùi hương tương ứng. Bút màu cam nồng mùi ngọt cam, bút màu tím nồng mùi thơm nho, bút màu hồng nồng mùi dâu...

Ngay khi chưa mở nắp, nếu đưa bút lên mũi cũng có mùi thơm thoang thoảng, nếu mở nắp ra thì mùi thơm xộc vào mũi. Thế nhưng không ít học sinh chọn những cây bút màu bi công chúa này. Như, học sinh lớp 5 một trường tiểu học Q.3, nói với chúng tôi: “Mấy cây bút này đẹp, không lem mực dơ tay con, còn thơm nữa đó cô” khi bé loay hoay chọn mấy cây bút màu bi ở đây.

Giá hộp bút sáu cây chỉ 19.000 đồng! Theo khảo sát của chúng tôi, tương tự bút chì khúc, những hộp bút màu bi cũng được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng văn phòng phẩm, nhà sách ở hầu hết các quận, huyện từ Q.1, Q.3, cho tới Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp...

Bút sáp, bút chì, gôm, bút bi tuy thơm nhưng không mới! Giờ đến cả những cuốn vở học sinh cũng sực nức mùi. Tại nhà sách N (Q.Tân Bình), khu tập vở đồ dùng học tập được sắp xếp trên lầu 2. Riêng vở học sinh được xếp thành một khu riêng, có kệ trưng bày.

Theo ghi nhận, lẫn trong những cuốn vở không có mùi, có rất nhiều cuốn vở có mùi thơm hắc, nồng đủ loại. Chúng tôi giở trang vở có hình thỏ xám quay phim của Vibook, cô bé cưỡi gà vàng (cuốn vở có tên Bé ngoan), một mùi thơm hắc nồng khó chịu xộc vào mũi.

Trong đó, một cuốn có mùi giống với các loại khăn giấy ướt rẻ tiền được bán nhiều nơi trên đường phố TP.HCM. Giở một vài cuốn vở 45 trang khác ở đây, chúng tôi cũng thấy có mùi hương.

Theo một nhân viên nhà sách, vở 45 trang thường được học sinh tiểu học chọn dùng. Tại nhà sách nói trên còn có các loại sổ nhiều mùi với bìa đủ màu dùng ghi chú cá nhân, được ghi là “sổ thơm”.

Được trưng bày ở tầng trệt, ngay khu trung tâm, những cuốn vở học sinh ở nhà sách T (Q.Tân Phú) thu hút rất đông phụ huynh và học sinh. Dù nhân viên bán hàng ở đây trả lời “làm gì có vở thơm” khi khách hỏi mua, nhưng nằm lẫn lộn trong hàng ngàn cuốn vở là rất nhiều cuốn sực nức mùi.

Thậm chí cả lốc 10 cuốn vở cùng một nhãn hàng đang được đóng gói, khi mở ra có cuốn thơm nhẹ, có cuốn không mùi, có cuốn lại... tỏa hương sặc sụa!

Vở VN nhưng sản xuất ở nước ngoài?

Vì sao có những cuốn vở thơm và không thơm trong cùng một lốc vở, vì sao những cuốn vở này đều có chữ Việt, được ghi là của công ty trong nước, có phải công nghệ sản xuất vở học sinh của VN đã hiện đại đến mức này...

Những thắc mắc nói trên được ông Vũ Ngọc Bảo, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, giải thích: ngoài một số công ty giấy lớn của VN, chuyên sản xuất đồ dùng học tập (có vở học sinh) có uy tín và thương hiệu trong nước, không ít công ty nhỏ đặt các công ty của Trung Quốc sản xuất vở rồi in thương hiệu, logo của mình. Vì việc sản xuất tập vở học sinh phải đầu tư công nghệ hiện đại tốn kém.

Trong khi đó, các loại bút chì khúc, bút màu kim tuyến... có mùi hương đều là hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, có in chữ Trung và cả công ty nhập khẩu.

* TS Nguyễn Văn Minh (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Tinh dầu - hương liệu - mỹ phẩm VN):

Thơm lâu, độc nhiều

Ảnh: nhân vật cung cấp
Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhiều phụ huynh nghĩ mua cho con được mực thơm, giấy thơm là quý hoặc cũng chỉ chiều con, vì nghĩ mùi thơm này vô hại.

Do nhu cầu này, không ít đồ dùng học tập có mùi thơm. Các nhà sản xuất đồ dùng học tập giá rẻ thường gắn mùi thơm vào sản phẩm với các hợp chất độc hại, như nhân benzen.

Nhân benzen có loại dễ phân hủy và khó phân hủy. Nhưng với bút, vở thơm thì phải dùng benzen khó phân hủy mới giữ được mùi thơm lâu dài. Benzen là chất độc hại, tách ra ở giai đoạn cuối của dầu hỏa (hắc ín).

Từ đó, nếu ngửi mùi thì thấy khó chịu, khó ở, nhưng nếu trẻ em lật sách vở để đọc, cầm nắm để viết, hay ngậm vào miệng những vật dụng này thì chất độc ngấm qua da, hấp thu vào cơ thể, tác động đến tế bào.

Do không phân hủy được nên chất độc tích tụ hoài trong cơ thể, dùng càng lâu tích tụ càng nhiều, đến một giai đoạn nào đó sẽ là những chất cản sự phát triển của tế bào, gây ung thư.

Vì vậy, nên có biện pháp ngăn chặn các loại đồ dùng này tràn ra thị trường, cảnh báo cho phụ huynh không nên cho trẻ em dùng.

Tôi khuyến cáo những mùi thơm quá đậm thì không nên sử dụng vì thường được sản xuất từ hóa chất tổng hợp, có những hóa chất cả trăm năm cũng không phân hủy được. Mùi thơm tự nhiên là những mùi thơm thoang thoảng, nhanh bay, nhanh mất mùi.

* TS Vũ Ngọc Bảo (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy VN):

Phải có quy chuẩn quốc gia về đồ dùng học tập

Ảnh: nhân vật cung cấp
Ảnh: nhân vật cung cấp

Chất thơm được cho vào vở học sinh chắc chắn là hóa chất tổng hợp. Có thể nhà sản xuất tẩm chất thơm trên dây chuyền thành phẩm, để tạo mùi cho sản phẩm.

Theo tôi, chọn vở cho học sinh phải tính đến các yếu tố sau: vở phải đủ trang, khi viết không được hiện chữ ra trang sau và giấy không được làm lóa mắt.

Vì nếu thấy lóa mắt tức là sản phẩm thường sử dụng những hóa chất phản quang, làm cho người dùng lầm tưởng là giấy trắng. Giấy đó rất hại mắt.

Nhưng các loại vở trắng giả tạo như thế vẫn được bán nhan nhản trên thị trường. Ngoài ra, bìa cuốn vở cũng cần được in bằng màu hòa tan trong nước, chứ không phải là màu tan trong dầu.

Hiện nay ở Nhật Bản người ta cấm dùng màu tan trong dầu, mà buộc phải dùng màu tan trong nước. Các bìa vở được in bằng màu hòa tan trong dầu dứt khoát có chì, nên nguy hiểm cho sức khỏe học sinh. Giấy vở cũng không được có mùi hương lạ...

Học sinh lật vở, hít thở khi viết bài và thường thấm nước bọt vào tay để lật vở cho dễ, nên sẽ gây những ảnh hưởng lên sức khỏe các em.

Trước đây, chúng tôi từng sản xuất bút chì cho trẻ em, tuyệt đối phải dùng sơn không chì, nhưng sơn đó rất đắt tiền.

Theo quy định của Mỹ, khi nhập khẩu đồ chơi trẻ em thì không dùng sơn có chì, nhưng Trung Quốc vẫn dùng và vẫn xuất qua Mỹ, rồi bị cấm nhập. VN mình đang thiếu các công cụ kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt như các nước tiên tiến, nên hàng độc hại vẫn lọt vào.

Đã đến lúc cần có quy chuẩn quốc gia về vở để bảo vệ mắt, sức khỏe cho học sinh. Chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT phải có quy chuẩn quốc gia về đồ dùng học tập, trước hết là vở, bút chì (sơn không được có chì), để có công cụ đấu tranh với các sản phẩm thu lợi trên sức khỏe người khác, bảo vệ sức khỏe cho con em chúng ta.

* PGS.TS Trịnh Văn Dũng (khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Mùi thơm giá rẻ là hóa chất tổng hợp

Ảnh: nhân vật cung cấp
Ảnh: nhân vật cung cấp

Theo tôi, để tạo ra những sản phẩm có mùi thơm mà giá rẻ, chắc chắn người ta sẽ sản xuất bằng những hóa chất không tinh khiết, hóa chất tổng hợp. Vì nếu sản xuất từ tinh dầu thì không thể rẻ như vậy.

Trong những sản phẩm này họ sẽ bỏ chất tạo hương để hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất, họ khó mà dùng hương liệu tự nhiên, chỉ có thể dùng hương liệu tổng hợp.

Thường hương liệu tổng hợp này cũng sẽ được mua tại nguồn rất khó kiểm định, vì nếu mua hàng của nước sản xuất có uy tín như Đức thì đắt gấp 20 - 30 lần so với giá các loại hàng Trung Quốc trôi nổi.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên