05/09/2015 11:08 GMT+7

​TP.HCM đã cho “ra lò” 548 thạc sĩ, tiến sĩ

QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)
QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)

TT - Theo thông tin từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM, từ năm 2001 đến nay đã tuyển chọn 819 học viên.

Nguồn: Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn tuyển là cán bộ, công chức trẻ có triển vọng, thuộc diện quy hoạch của các đơn vị trong hệ thống chính trị của TP; sinh viên giỏi, con em gia đình chính sách... 

Đến nay có 548 học viên gồm 33 tiến sĩ và 515 thạc sĩ đã hoàn thành chương trình học tập, đang công tác tại nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ở TP. Tỉ lệ học viên rút khỏi chương trình theo số liệu cập nhật đến ngày 20-8-2015 là 110 học viên.

* GS.TS ĐÀO VĂN LƯỢNG (nguyên giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM):

Ảnh: NHƯ HÙNG

50% gắn bó là thành công

Cần có con số thống kê đến nay trong số được tuyển chọn và đào tạo, có bao nhiêu trường hợp bố trí và làm việc đúng như mục tiêu ban đầu.

Cần đánh giá lực lượng này có phát huy được hay không, kể cả những trường hợp sau khi đào tạo và đi ra các doanh nghiệp bên ngoài (khu vực ngoài nhà nước) làm việc.

Phải cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu như chương trình đã đề ra (số được đào tạo phải phục vụ lâu dài trong các cơ quan nhà nước).

Tất nhiên, thực tế bao giờ cũng có tỉ lệ rơi rụng. Nhưng tôi cho rằng nếu đạt tỉ lệ khoảng 50% số người được đào tạo gắn bó, phục vụ trong các cơ quan nhà nước là một thành công của chương trình.

Đối với số còn lại có thể làm việc ở nhiều khu vực kinh tế khác nhưng dù sao chương trình cũng đã cung cấp cho xã hội một nguồn lực được đào tạo trình độ cao.

Để phát huy nguồn lực được đầu tư đào tạo, tôi cho rằng phải giải quyết một vấn đề rất lớn là cần quy hoạch sử dụng ngay từ đầu, nêu rõ ngành nào cần bao nhiêu để có hướng bố trí, phát huy sau khi đào tạo.

* PGS.TS TỪ DIỆP CÔNG THÀNH (phó trưởng ban khoa học và công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Ảnh: THANH ĐẠM

Cần môi trường cạnh tranh bằng năng lực

Nhìn chung, dù đã được chú trọng nhiều hơn nhưng chính sách thu hút những người trẻ, giỏi thật sự ở khu vực công chưa theo kịp sự thay đổi, còn khá nhiều hạn chế.

Tôi cho rằng tư duy trong việc thu hút nếu chỉ dựa vào yếu tố tiền lương, chức vụ, một số đãi ngộ chung chung... là chưa đủ. Cần đặt yêu cầu thu hút nguồn lực trẻ, giỏi, được đào tạo bài bản ở một góc nhìn rộng hơn.

Trong đó cần hết sức coi trọng các yếu tố minh bạch, rõ ràng trong công tác cán bộ, tạo được môi trường công bằng và cạnh tranh bằng năng lực, đánh giá kết quả lao động dựa trên hiệu quả công việc, không cào bằng hoặc cảm tính...

Tôi nghĩ đấy là những điểm mấu chốt mà nhiều bạn trẻ rất quan tâm, luôn cân nhắc trước khi quyết định chọn một ngã rẽ và tìm kiếm môi trường gắn bó lâu dài cho mình.

* TS DƯƠNG MINH TÂM (phó trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM):

Ảnh: CTV

Mục tiêu cứng không trọn vẹn

Trong bối cảnh mới hiện nay với thị trường lao động đa dạng, phong phú..., có cần thiết phải duy trì đầu tư, tổ chức một chương trình riêng với mục tiêu và mong muốn là đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cho khu vực công, trong khi thực tế mục tiêu “cứng” này trong nhiều năm qua đã không được trọn vẹn.

Sự di chuyển của nguồn lực “ra lò” từ chương trình này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn như thực trạng mà nhiều người đã chứng kiến.

Cá nhân tôi cho rằng khu vực công phải tự thay đổi mình một cách mạnh mẽ, toàn diện để đủ sức tham gia thị trường lao động cạnh tranh. Chỉ có sự chấp nhận theo quy luật này mới mong có được nguồn lực chất lượng thật sự để bổ sung cho khu vực công.

Còn mọi ràng buộc mang tính hành chính, nặng hình thức, chế tài cho dù có “nặng ký” đến đâu đi nữa cũng khó mà giữ chân được những người có năng lực thật sự một cách lâu dài. 

* Bà NGUYỄN THỊ TÔ CHÂU (phó trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM):

Ảnh: Q.ĐỊNH
Ảnh: Q.ĐỊNH

Đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng

Sau hơn 10 năm “trồng cây”, TP bắt đầu “hái quả”. Số cán bộ, công chức sau khi hoàn thành chương trình học, TP đã bố trí công việc ở nhiều cơ quan nhà nước, hiện đang phát huy khá tốt trên nhiều lĩnh vực.

Trong những người được bố trí, hiện có khoảng 50% đang giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý ở nhiều cơ quan, đơn vị. Kết quả này được đánh giá là một trong những thành công của chương trình.

Tuy nhiên, hiện có hơn 13% sau khi được đào tạo xong thay vì gắn bó, làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước theo điều kiện của chương trình (thời gian làm việc đảm bảo gấp ba lần thời gian đào tạo, ít nhất phải năm năm) đã chấp nhận hoàn trả chi phí đào tạo.

Liệu tỉ lệ này có cao hơn nữa trong thời gian tới hay không? Cá nhân tôi cho rằng khó xảy ra. Bởi có những trường hợp sau một thời gian chuyển công việc ra ngoài nhà nước đã quay lại làm việc.

Còn sau khi đã hết thời gian làm việc theo nghĩa vụ không có cơ sở gì ràng buộc nếu bản thân họ không tự nguyện, nỗ lực phấn đấu.

Chương trình thường xuyên tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của những người đã học xong, hiện đang làm việc ở nhiều cơ quan, nêu một số trăn trở, suy nghĩ.

Thực tế có nhiều ý kiến lo lắng vốn ngoại ngữ bị mai một do công việc, vị trí đang làm ít có điều kiện sử dụng ngoại ngữ.

Hay trong giai đoạn trước của chương trình, một số ngành nghề được đào tạo ở nước ngoài tuy khá phát triển nhưng ở VN chưa áp dụng được, chưa phát triển... nên khi chạm vào công việc thực tế có cảm giác bị hụt hẫng, không được phát huy.

Hiện một số vấn đề phát sinh đã từng bước được khắc phục, điều chỉnh. Chương trình hiện tại đang tập trung đào tạo theo hướng gắn với địa chỉ sử dụng, những ngành nghề mà các cơ quan, tổ chức nhà nước thật sự có nhu cầu và sẵn sàng tiếp nhận nhân sự đã hoàn thành chương trình học.

Còn với các em ngay khi được tuyển chọn tham gia chương trình đã được định hướng công việc, thậm chí biết rõ địa chỉ sẽ được bố trí công việc trong tương lai.

QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên