26/08/2015 12:55 GMT+7

Công nghệ VN lạc hậu 2 - 3 thế hệ...

QUỐC THANH - MỸ DUNG, QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN
QUỐC THANH - MỸ DUNG, QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN

TT - Trong vài ba năm tới, làm sao nước ta có thể nâng cao trình độ công nghệ lên mức chỉ còn tụt hậu so với thế giới khoảng 1-2 thế hệ công nghệ?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đặt vấn đề như vậy tại hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông khoa học và công nghệ đối với phóng viên, biên tập viên báo chí khu vực phía Nam”, do bộ này tổ chức vào ngày 25-8 tại TP.HCM.

Ông Quân nhìn nhận công nghệ Việt Nam đang sử dụng rất lạc hậu. Cụ thể hơn, ông cho biết theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lạc hậu so với thế giới vào khoảng 30 năm, và khoảng cách so với khu vực cũng vài chục năm.

Trong khi đó hiện nay một vòng đời công nghệ vào khoảng 10 năm, nghĩa là sau khoảng một thập niên sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời. Với tốc độ phát triển này của công nghệ, Việt Nam lạc hậu đến 2-3 thế hệ công nghệ so với thế giới.

“Nhiều người muốn nhập máy cũ cho rẻ để bớt chi phí đầu vào. Nhưng nếu gia nhập TPP mà vẫn giữ trình độ sản xuất, thiết bị máy móc như hiện nay sẽ không cạnh tranh được. Không có chiếc máy nào đã dùng 20 - 30 năm mà còn tốt, để sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh được với các sản phẩm hiện nay của thế giới

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân

Quỹ thời gian chỉ còn hơn hai năm

Hiện trạng lạc hậu về công nghệ nói trên đã quá rõ nhưng điều đáng lo hơn nữa, theo lời Bộ trưởng Nguyễn Quân, là tới đây sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khốc liệt khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết. “Bây giờ cảnh báo là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không”, ông Quân nói.

Phân tích của người đứng đầu Bộ Khoa học và công nghệ còn khẳng định một điều là may mà hiện tại chúng ta vẫn còn hàng rào thuế quan! Hàng hóa Việt Nam có thể chất lượng chưa tốt, giá cả cũng chưa thật rẻ, nhưng nhờ hàng rào này nên doanh nghiệp trong nước vẫn tồn tại được, vẫn có thể bán được hàng.

Với hiện trạng trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực... đã cho phép các nhà quản lý, chuyên gia phác họa viễn cảnh sắp đến rất đáng lo ngại và vô cùng sốt ruột với nước ta.

Theo đó, khi không còn hàng rào thuế quan theo luật chơi chung của quốc tế, buộc hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới. Khi đó, nếu chất lượng hàng trong nước kém hơn và giá không rẻ hơn thì chắc chắn sẽ không cạnh tranh được.

Thông tin thêm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Quân cho biết cộng đồng này có quỹ thời gian hơn hai năm để chuẩn bị “ra biển lớn”.

Đây chính là thời gian chuyển tiếp để chờ các quốc gia thành viên phê chuẩn thì các ký kết mới bắt đầu có hiệu lực. Song quỹ thời gian hơn hai năm là rất ngắn để doanh nghiệp của một quốc gia nâng công nghệ lên một thế hệ mới, có thể sản xuất ra hàng hóa với chất lượng tốt hơn, đủ sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần đầu tư cho khoa học

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình lưu ý thêm lao động giá rẻ không còn là lợi thế của chúng ta nữa, đồng thời đưa ra nhận định: hội nhập quốc tế nói chung, ký kết một số hiệp định thương mại tự do tuy mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng áp lực gia nhập TPP còn khắc nghiệt hơn cả WTO.

Ông Cao Tiến Vị - tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn - kiến nghị để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sẵn sàng rót tiền mua sắm trang thiết bị, công nghệ sản xuất mới... trước hết cần làm cho doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách, trong đó tính ổn định và yếu tố khuyến khích rất quan trọng. Ông Vị còn cho rằng kể cả chính quyền cũng phải có tinh thần khởi nghiệp.

Để giải bài toán này, theo ông Phan Thanh Bình, các đầu tư cho khoa học đang hướng tới doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng cần phải dấn thân đầu tư cho khoa học. Doanh nghiệp và nhà khoa học phải cùng nghiên cứu, cùng giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thực tế cuộc sống, của thị trường...

Để có nền công nghệ như mong đợi...

Chia sẻ với những trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Quân, ông Cao Tiến Vị lý giải người dân Việt Nam thông minh không thua kém ai, đất nước có nhiều điều kiện tốt nhưng tại sao vẫn nghèo. “Chúng ta nghèo vì chưa có cơ chế tốt, chưa có chính sách tốt, chưa có quyết tâm và giải pháp tốt. Nếu có chính sách tốt và thực thi tốt, sẽ có nền công nghệ như mong đợi” - ông Vị nói.

QUỐC THANH - MỸ DUNG, QUOCTHANH@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên