07/08/2015 09:00 GMT+7

Cha, con và 2 huy chương vàng toán quốc tế

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Đó là câu chuyện của anh Phạm Châu Tuấn - giáo viên Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5, TP.HCM - ba của Phạm Tuấn Huy (cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM).

Phạm Tuấn Huy và ba - Ảnh: gia đình cung cấp
Phạm Tuấn Huy và ba - Ảnh: gia đình cung cấp

Huy từng đoạt hai huy chương vàng toán quốc tế năm 2013, 2014 và hiện là sinh viên Trường ĐH Stanford (Hoa Kỳ).

“Từ năm Huy học lớp 4, tôi đã biết con trai mình rất thích toán bởi những lần đi nhà sách Huy toàn chọn sách về toán. Lên lớp 5 thì sở thích ấy thể hiện rõ nét hơn vì ngoài việc đọc sách, Huy còn lên mạng đọc thêm tài liệu, tham gia Diễn đàn toán học 3T...

Thấy con thích toán, tôi vừa mừng vừa lo, xin gặp thầy Hậu - thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 của Huy ở Trường tiểu học Phạm Hồng Thái, quận 5. Tôi xin thầy hãy kèm thêm cho Huy môn... văn, bởi tôi lo con trai đổ hết thời gian, công sức vào toán thì sẽ bỏ bê văn.

Thầy Hậu nói với tôi rằng Huy học toán trội hẳn so với các bạn. Thế nên giờ học toán của lớp, Huy sẽ được học với những bài nâng cao, chứ nếu học như các bạn Huy sẽ mau chán. Còn môn văn thầy sẽ kèm thêm cho vững. Nhờ vậy mà năm đó kết quả học của Huy rất tốt”.

Anh Tuấn bắt đầu chia sẻ câu chuyện về con mình như thế...

Chấp nhận mục tiêu của con

Anh Tuấn kể tiếp: “Lên lớp 6 Huy còn làm tôi bất ngờ hơn khi cứ thỉnh thoảng lại tải trên mạng xuống những cuốn sách toán của Mỹ dày cộp, toàn tiếng Anh và nhờ tôi: “Ba đi in giùm con”. Tôi ngạc nhiên lắm: “Con đọc có hiểu không?” - thấy con gật đầu, tuy còn nghi ngờ nhưng tôi vẫn chiều con và mang đi in.

Cuối năm lớp 9, Huy thi đậu thủ khoa vào lớp chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngoài ra, cháu còn đậu vào lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM).

Cuối cùng cháu chọn Trường phổ thông Năng khiếu vì rất hâm mộ thầy giáo dạy toán là TS Trần Nam Dũng cùng mục tiêu “đi thi Olympic toán quốc tế”.

Lúc ấy, bạn bè tôi đều can ngăn việc Huy học lớp chuyên toán vì sau một thời gian dài ôn luyện nhưng đến phút cuối, nếu không được chọn vào đội tuyển thì quay trở về ôn luyện các môn khác để thi đại học sẽ rất cực, thậm chí còn theo không kịp các bạn.

Tôi nói tất cả với con nhưng Huy đã khẳng định: “Nếu rớt Olympic, quay về con chỉ cần học một tháng là theo kịp các bạn”. Thầy Nguyễn Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, cũng trấn an tôi: “Những học sinh giỏi toán thì học các môn khác sẽ rất nhanh!”.

Khi đoạt huy chương vàng toán quốc tế lần 2, Huy lại làm tôi bất ngờ khi trình bày: "Con muốn học ngành y ở nước ngoài".

Hai cha con tôi đã trao đổi thế này: "Thế mạnh của con là toán, khi chuyển sang ngành y sẽ học nhiều về hóa - sinh, con nhắm có theo nổi không?” - “Con làm được”.

“Học y phải có nhiều tiền, thời gian học y cũng rất dài, nhà mình liệu có lo được không?” - “Con sẽ xin học bổng”. “Học ngành y ở nước ngoài phải xuất sắc lắm mới giành được học bổng chứ không dễ” - “Con sẽ làm được!”. Thế là tôi lại chiều con lần nữa”.

Không áp đặt con điều gì

* Tại sao anh không ép Huy phải học ngành toán, vì với năng lực đặc biệt Huy có chắc chắn cậu ấy sẽ thành công với ngành này?

- Từ nhỏ tới lớn, tôi không ép con học và cũng không áp đặt con điều gì. Ví dụ hồi nhỏ thấy sức khỏe Huy không được tốt, tôi đã gửi con đi học võ do bạn bè của mình trực tiếp giảng dạy. Từ taekwondo đến wushu, aikido, võ cổ truyền... cứ môn này không thích thì chuyển qua môn khác.

Tính Huy không thích nhưng vẫn làm theo ý ba. Nhưng sau một thời gian học võ, ở môn nào cũng vậy, các thầy bảo Huy thường xuyên không thuộc bài. Thế nên cuối cùng tôi chủ động cho con thôi không học nữa.

Tính đến nay, Huy đã học ở Stanford được một năm. Chương trình học ở Hoa Kỳ sẽ có hai năm đại cương, sau đại cương mới thi vào chuyên ngành. Có một dấu hiệu vui là Huy cho biết đang đi làm thêm hai tháng hè với thầy giáo về nghiên cứu toán học.

Đến thời điểm này, tôi vẫn mong và hi vọng con sẽ chọn theo ngành toán, nhưng tất cả để Huy quyết định. Tôi hiểu dù học hay làm bất cứ một việc gì phải có lòng đam mê mới thành công được.

* Từ thực tế nuôi dạy Phạm Tuấn Huy, anh có lời khuyên nào cho các phụ huynh trong việc phát hiện, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ của con em mình?

- Tôi nghĩ các phụ huynh nên tôn trọng sở thích và ước mơ của con, đừng bác bỏ hay coi thường nó. Nếu xuất phát từ sự tôn trọng, các phụ huynh sẽ biết được nên đầu tư cho con như thế nào để con đạt được ước mơ của mình. Nguyên tắc của tôi là thấy con lạc quan thì mình cần động viên, khuyến khích, không nên làm con sợ, bi quan.

Ví dụ, từ năm học lớp 8 Huy đã tuyên bố: “Con muốn thi Olympic toán quốc tế”. Tôi đã thầm nghĩ: "Làm sao con thi nổi vì không chịu học thêm như các bạn trong trường". Nhưng tôi không nói ra điều ấy mà chỉ cười cười: “Vậy con phải cố gắng thật nhiều đó nha!”.

Năm Huy học lớp 11, anh chàng đoạt huy chương vàng toán quốc tế năm 2013. Huy nói năm sau sẽ thi tiếp. Nhưng tôi biết trên thực tế khá nhiều học sinh đoạt huy chương năm lớp 11, lên lớp 12 đã bị rớt, không vào được đội tuyển. Tuy vậy tôi vẫn động viên Huy: “Con phá lệ đi thử xem!”. Và năm 2014 Huy lại đoạt huy chương vàng!

Hãy giúp con nuôi dưỡng ước mơ!

Nếu phụ huynh bắt con em làm theo ước mơ của phụ huynh thì vì cha mẹ, con có thể miễn cưỡng làm cho cha mẹ vui lòng, trong khi con không vui! Mà làm việc thiếu niềm vui sẽ không hứng thú, mà thiếu hứng thú thì trẻ sẽ không toàn tâm toàn ý để làm! Mà làm trong tình trạng phân tâm thì làm sao đạt kết quả tốt đẹp được?

Ngược lại, nếu phụ huynh biết giúp con mình nuôi dưỡng ước mơ của chính con thì niềm vui ở con sẽ tăng lên gấp bội, con sẽ làm việc một cách đầy hứng thú, có hứng thú cao con mới toàn tâm toàn ý làm, làm hết mình! Mà làm hết mình, làm một cách say sưa thì kết quả sẽ tối đa!

Trường hợp phụ huynh của em Phạm Tuấn Huy, thầy Phạm Châu Tuấn, là một thí dụ điển hình.

TS Võ Văn Nam (khoa tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Với niềm tin rằng mỗi giấc mơ hôm nay sẽ dẫn đến thành công ngày mai, Công ty Unilever - nhãn hàng OMO tổ chức chương trình "Việt Nam, hãy ước mơ!" nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ cùng chia sẻ, nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ của con trẻ. Thông tin chi tiết tại http://hayuocmo.omovietnam.com.

Xin mời bạn đọc gửi câu chuyện về những ước mơ của con cho báo Tuổi Trẻ qua địa chỉ: giaoduc@tuoitre.com.vn, và cùng chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên