26/07/2015 11:23 GMT+7

Dạy & học tiếng Anh: đổi mới thi, lộ bất cập

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Kết quả thấp thảm hại của môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia thật sự là điều bất ngờ, khi tưởng rằng sự đầu tư cấp tập cho việc thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ đã mang lại một chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận:

- Theo dữ liệu điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia và phổ điểm các môn thi vừa công bố, môn tiếng Anh có số thí sinh đạt mức điểm trung bình trở lên ít, phổ điểm tập trung ở mức 2 - 3,5 điểm. Đây là môn có kết quả thi thấp nhất trong số tám môn thi của kỳ thi THPT quốc gia.

* Theo thứ trưởng, điều này có phản ánh đúng trình độ tiếng Anh của học sinh không?

- Điều này phản ánh một phần những bất cập trong chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông nói chung. So với các môn khác, môn tiếng Anh có chất lượng dạy học rất khác nhau giữa các địa phương.

Đây là phổ điểm chung của toàn quốc, trong đó có những địa phương điều kiện dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng còn nhiều bất cập, việc đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ chậm, thí sinh ít có điều kiện tiếp cận phương thức kiểm tra, đánh giá mới và định hướng ra đề thi năm nay. Kết quả điểm thi dưới trung bình chủ yếu ở các địa phương này.

Ở các cụm thi tập trung thí sinh ở đô thị lớn, thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ với tổ hợp môn thi có môn ngoại ngữ thì điểm thi môn tiếng Anh khả quan hơn.

Xét trên bình diện chung, kết quả ngoại ngữ thấp như vậy đúng là điều đáng suy nghĩ. Đây là “thước đo” chất lượng dạy học, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông để Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp cụ thể và dài hơi hơn, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

* Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, môn ngoại ngữ cũng là môn thi bắt buộc nhưng kết quả thi không quá thấp như năm nay. Phải chăng do việc coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn thì kết quả thi mới phản ánh đúng chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông hiện nay? Việc đổi mới ra đề thi cũng có ảnh hưởng tới kết quả không?

- Coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn tất nhiên sẽ cho kết quả thi thực chất hơn. Điều này không chỉ thể hiện ở môn tiếng Anh mà ở tất cả môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Cũng cần nói thêm trong lộ trình đổi mới dạy và học ngoại ngữ, chương trình môn tiếng Anh thí điểm mới chỉ được áp dụng chưa đến lớp 12.

Ở các trường THPT, việc đổi mới dạy học ngoại ngữ chủ yếu đạt được ở nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ về tiếng nước ngoài và bước đầu áp dụng phương pháp dạy học mới; chương trình, sách giáo khoa và phương pháp đánh giá trong quá trình dạy học vẫn chưa thay đổi, do vậy chất lượng học tập chưa có sự tiến bộ nhiều.

Với chủ trương lấy đổi mới thi, kiểm tra là một đột phá để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, ở kỳ thi năm nay đề thi bao gồm cả phần cơ bản và nâng cao để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa phân hóa nhằm tuyển sinh ĐH-CĐ, đồng thời cũng tiếp cận định hướng dạy học phát triển năng lực người học.

Cách ra đề thi này đã khiến nhiều giáo viên và thí sinh quen với cách dạy, cách học cũ bộc lộ sự bất cập. Cũng bởi vậy, kết quả thi là thực tiễn để các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên phải tiếp tục sâu sát trong việc chỉ đạo, thực hiện điều chỉnh phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

* Đề án ngoại ngữ quốc gia trên thực tế đã được triển khai bốn năm, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT bước đầu đã có kết quả khả quan, tạo được chuyển biến tích cực. Kết quả thi có ngược lại với đánh giá trên không? Có ý kiến cho rằng sau khi thực hiện đề án ngoại ngữ, trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông không tiến mà lại lùi?

- Điều đó không có nghĩa chất lượng học tập đã đi xuống. Qua thực tiễn chỉ đạo và đánh giá chung của xã hội cho thấy chất lượng học tập ngoại ngữ đang được cải thiện ở tất cả cấp học, nhất là ở các TP, thị xã.

Dù sao điểm thi như vậy đã cho thấy rõ hơn những hạn chế của bộ môn ngoại ngữ. Với yêu cầu đổi mới rất căn bản và toàn diện để chuyển từ môn học trang bị kiến thức sang môn học phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng nước ngoài trong môi trường xã hội tiếng Việt thì không thể có đột biến về chất lượng được.

Các tổ chức giáo dục quốc tế qua một số năm tổ chức các kỳ thi tiếng Anh cho học sinh, sinh viên Việt Nam đều đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên Việt Nam nhìn chung còn hạn chế nhưng tốc độ tiến bộ rất nhanh.

Việc nhìn vào kết quả ở kỳ thi để so sánh với những nỗ lực đã làm mà chưa tính tới một xuất phát điểm có nhiều khó khăn, bất cập của đề án ngoại ngữ quốc gia là chưa xác đáng.

Ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... nhiều phụ huynh đã đầu tư rất mạnh cho con đi học thêm tiếng Anh với người nước ngoài tại những trung tâm nổi tiếng - Ảnh: Như Hùng
Ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... nhiều phụ huynh đã đầu tư rất mạnh cho con đi học thêm tiếng Anh với người nước ngoài tại những trung tâm nổi tiếng - Ảnh: Như Hùng

Làm giáo dục - cần lắm một tấm lòng!

Nhìn phổ điểm quá thấp của kết quả thi môn ngoại ngữ nhiều phụ huynh đã lo lắng: thời kỳ mở cửa mà con em chúng ta học ngoại ngữ kém quá làm sao hội nhập đây?

Những người có quan tâm đến giáo dục lại băn khoăn: đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là đề án 2020) đã được triển khai và đổ ra tiền tỉ, sao trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông lại bi đát đến như vậy? Thật sốc quá!

Sốc cũng phải, sốc vì những năm gần đây người ta yên tâm khi thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện những bài viết, hình ảnh học sinh Việt Nam tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế (chưa kể những clip bé 5, 6 tuổi nói tiếng Anh trôi chảy không thua gì người bản ngữ).

Xã hội cũng yên tâm vì đã có đề án 2020 “phủ” trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Nhưng ít ai để ý một điều: bao nhiêu phần trăm số học sinh ở nông thôn giao tiếp được bằng tiếng Anh? Thực tế hầu hết số học sinh giao tiếp được chỉ tập trung ở các TP lớn.

Bao nhiêu phần trăm số học sinh giao tiếp được bằng tiếng Anh chỉ học trong nhà trường phổ thông theo chương trình của Bộ GD-ĐT? Thực tế hầu hết các em phải học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ với chương trình hiện đại, tiên tiến hoặc chí ít cũng tìm được ông thầy dạy ngoại ngữ giỏi.

Thậm chí khá nhiều phụ huynh có điều kiện đã cho con em mình học ngoại ngữ từ năm 3 tuổi.

Vậy nguyên nhân chính là chương trình, là phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông còn yếu kém, còn lạc hậu, chưa hấp dẫn học sinh. Điều này không mới và cũng đã được Bộ GD-ĐT nhận ra trong quá trình xây dựng đề án 2020.

Thế mới có chuyện đổ ra tiền tỉ (theo quyết định về việc phê duyệt đề án 2020 của Thủ tướng Chính phủ: kinh phí dự toán để thực hiện dự án giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỉ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỉ đồng) để bồi dưỡng - yêu cầu giáo viên phải học rồi thi cho đạt chuẩn để mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho việc dạy học ngoại ngữ; xây dựng - biên soạn chương trình mới...

Xét về mặt lý thuyết, đề án đã đi đúng hướng. Nhưng trên thực tế, quá trình nâng cao năng lực giáo viên không đạt được hiệu quả như ý muốn bởi những lớp bồi dưỡng được mở ra theo kiểu “để giải ngân” chứ không thực chất.

Đó là chưa kể tình trạng mua sắm trang thiết bị ồ ạt cũng theo kiểu “để giải ngân” với chi phí rất lớn trong khi giáo viên chưa được đào tạo sử dụng.

Thế mới có chuyện hàng loạt máy móc hiện đại, phần mềm dạy học hiện đại cài sẵn nhưng bị “trùm mền” vì giáo viên chưa biết sử dụng.

Thậm chí một phó hiệu trưởng trường phổ thông đã kể với chúng tôi: tiền chưa về đã có nhà cung cấp đến chào hàng với mức huê hồng đặc biệt: “Khi nào tiền về trả cũng được!”.

Người làm giáo dục - cần lắm một tấm lòng!

HOÀNG HƯƠNG

Ông Hoàng Ngọc Hùng - Ảnh: Hoàng Hương
Ông Hoàng Ngọc Hùng - Ảnh: Hoàng Hương

* Ông HOÀNG NGỌC HÙNG (giáo viên tiếng Anh, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tạo động lực học tập cho học sinh

Nhìn vào phổ điểm môn ngoại ngữ hẳn nhiều người sẽ bị choáng, thậm chí có người còn đề nghị điều chỉnh đề thi môn này vào năm sau để đỉnh của phổ điểm dừng ở điểm 5, 6.

Tuy nhiên, tôi cho rằng phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông: năm nay là năm đầu tiên cả nước thi môn ngoại ngữ (năm 2014 ngoại ngữ vẫn là môn thi tự chọn) và trình độ ngoại ngữ của thí sinh nông thôn có sự khác biệt lớn đối với thí sinh thành thị.

Cần khẳng định đề thi năm nay có khả năng đánh giá chính xác năng lực người học. Thế nên việc cần làm bây giờ là nghiêm túc nhìn nhận lại thực trạng này, tìm ra những giải pháp đồng bộ để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh phổ thông chứ không nên đổ lỗi cho ai cả.

Trước hết, cần tạo động lực học ngoại ngữ và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.

Lấy ví dụ với cách thi như hiện nay, đối với những em không có mục đích dùng ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học rất dễ có tâm lý không cần lấy điểm cao, không để rơi vào điểm liệt. Cách thi như thế nào thì học như thế đó, nên không có gì ngạc nhiên khi phổ điểm dừng ở mức 2 - 3 điểm.

Bên cạnh đó là chương trình giảng dạy: rất cần một chương trình khung gần gũi, thiết thực hơn với đời sống học sinh. Để khi học thì học sinh sẽ thấy, biết được mình học cái này có thể áp dụng được trong cuộc sống.

Từ chương trình khung đó, giáo viên sẽ tự chọn tài liệu dạy học phù hợp nhất với học sinh của mình, chứ không phải chỉ chăm chăm vào một bộ sách giáo khoa như hiện nay.

Ngoài ra về phía giáo viên, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để các giáo viên ngoại ngữ được học bồi dưỡng đúng nghĩa nhằm đạt chuẩn theo quy định, chứ không phải là những lớp bồi dưỡng cho có, kém chất lượng, không thực chất.

Cũng cần có sự đổi mới ngay từ các trường sư phạm đào tạo giáo viên ngoại ngữ để khi giáo sinh tốt nghiệp ra trường đã đạt chuẩn, không phải mất thời gian, tiền bạc, công sức để đào tạo lại.

Trên thực tế, có nhiều thầy cô đã rất cố gắng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng cái chính là người học phải có động lực học tập mới giỏi được.

Ông Cao Huy Thảo - Ảnh: Thanh Tùng
Ông Cao Huy Thảo - Ảnh: Thanh Tùng

* Ông CAO HUY THẢO (giáo viên môn tiếng Anh, nguyên hiệu trưởng Trường quốc tế công lập Việt - Úc, TP.HCM):

Không “dàn hàng ngang để tiến”

Đề thi năm nay đáp ứng được cả hai yêu cầu của kỳ thi, thế tại sao phổ điểm chỉ dừng ở điểm 2 - 3? Đặc trưng bài thi tiếng Anh của ta chỉ nhằm đánh giá kỹ năng đọc và viết. Năm nay, đề thi “đánh” trúng vào điểm yếu của học sinh phổ thông: đó là kỹ năng đọc - hiểu (nhiều em chỉ học thuộc lòng) và vốn từ mỏng.

Lâu nay, học sinh phổ thông chỉ học và ôn trong sách giáo khoa: từ vựng, ngữ pháp, chủ điểm... đều gói gọn trong sách.

Khi đề thi có vài từ mới là các em choáng váng, không hiểu. Vì vậy, ngoài những em có chủ đích lấy điểm thi môn tiếng Anh để xét tuyển vào đại học, những em còn lại đều cho biết: đề khó quá, đọc không hiểu gì hết!

Theo tôi, cần xem lại cách dạy môn ngoại ngữ trong trường phổ thông. Ngoại ngữ rất cần nhưng mỗi người cần một kiểu khác nhau, không ai giống ai. Những học sinh muốn thành nhà báo sẽ học ngoại ngữ khác với những em muốn trở thành nhà nghiên cứu khoa học.

Vì vậy không nhất thiết phải thực hiện dạy ngoại ngữ theo kiểu “dàn hàng ngang để tiến” như đề án 2020: rất tốn kém mà không hiệu quả. Nếu cứ ồ ạt dạy cho 100% học sinh với điều kiện khó khăn như hiện nay sẽ không hiệu quả.

Ngoại ngữ là môn học kỹ năng, cần có nhiều thời gian để rèn luyện, thực hành mà thực trạng hiện nay: một lớp sĩ số 40 - 50 học sinh, giáo viên vừa thiếu vừa không đạt chuẩn sẽ rất khó nâng cao chất lượng.

H.HG. ghi

Cha mẹ đi làm thuê tận Bình Dương, ngoài việc học Huy phải tự lo chuyện bếp núc - Ảnh: Trọng Văn
Cha mẹ đi làm thuê tận Bình Dương, ngoài việc học Huy phải tự lo chuyện bếp núc - Ảnh: Trọng Văn

Điểm 10 tiếng Anh nhưng nghe, nói còn hạn chế

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều người bất ngờ khi hay tin em Lâm Quốc Huy (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đạt điểm 10 môn ngoại ngữ (tiếng Anh).

Bất ngờ bởi trước đó không ai dám nghĩ một cậu học trò trường huyện ở tỉnh cực Nam đất nước có thể đạt điểm tối đa ở môn học vốn là thế mạnh của học sinh thành thị.

Huy chia sẻ: “Không có bí quyết gì ngoài... cố gắng học. Học tiếng Anh cũng như tập nói từ lúc nhỏ, vì vậy điều trước tiên là phải học từ vựng.

Yêu cầu em đặt ra là một ngày em phải “tiêu hóa” ít nhất 50 từ. Khi học xong thì qua ngày sau em ôn lại và tiếp tục học thêm 50 từ mới, cứ thế mà học. Trong một tháng em dành ra vài ngày ôn lại những từ vựng đã học, đặc biệt là những từ khó và hay quên”.

Huy kể thêm về phương pháp: “Khi đến nhà một người bạn học rất giỏi ở Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, bạn này học tiếng Anh bằng cách học từ vựng mỗi ngày 50 - 100 từ và em thấy bạn ấy học rất hiệu quả. Thấy vậy nên em học theo”.

Ngoài học từ vựng, Huy cũng cho biết siêng làm các bài tập tiếng Anh, trong quá trình làm bài thì vận dụng những kiến thức ngữ pháp đã được học (thường ngữ pháp Huy tận dụng học thuộc từ đầu năm học). Trong quá trình làm bài tập và làm tới làm lui sẽ vận dụng nhuần nhuyễn ngữ pháp trong tiếng Anh.

Dù thi tốt nghiệp đạt điểm tuyệt đối môn tiếng Anh, Huy cũng thú nhận chỉ học giỏi ở từ vựng và ngữ pháp, với kỹ năng nghe, nói thì còn nhiều hạn chế. “Em học ở trường xa trung tâm thành phố nên không có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, bạn bè trong lớp cũng rất ít trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.

Vì vậy để luyện kỹ năng nói em thường nói... một mình: hằng ngày thấy vật gì, muốn làm cái gì em nói bằng tiếng Anh cho một mình em nghe” - Huy chia sẻ. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi Huy thi môn tiếng Anh: 10 điểm, toán: 8, văn: 7, vật lý: 7,25.

“Bật mí” kế hoạch tương lai, Huy cho biết đăng ký đại học ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha của ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Huy giải thích: “Em chọn theo sở thích, trước đó tình cờ em xem mấy chương trình nói về du lịch, các chương trình này cũng thường hay sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Ngôn ngữ này cũng được nhiều người nói. Tại nước ta ngành này cũng mới, vì vậy em đăng ký học hi vọng sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn. Mong muốn của em trở thành thông dịch viên hay hướng dẫn viên du lịch”.

Theo thầy Phạm Văn Hoài Đức  - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Đầm Dơi, các em học ở trường huyện thiếu nhiều thứ. Đa số các em chỉ thật sự học tiếng Anh khi bước vào năm lớp 10. Còn ở cấp THCS do không tổ chức kỳ thi cuối cấp và tiếng Anh cũng không sử dụng nhiều tại các vùng quê nên các em không có động lực học. 

TẤN THÁI

 

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên