Trợ giảng khi còn ngồi trên giảng đường

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Nhiều trường ĐH tuyển chọn sinh viên (SV) khá, giỏi làm trợ lý giảng dạy cho giảng viên. Các “giảng viên SV" này tham gia đứng lớp giảng dạy, phụ chấm bài và được nhà trường trả lương.

Trần Thị Phương Quỳnh, SV trợ giảng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hướng dẫn SV làm đồ án - Ảnh: T.Huỳnh
Trần Thị Phương Quỳnh, SV trợ giảng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hướng dẫn SV làm đồ án - Ảnh: T.Huỳnh

Đầu tháng 3-2015 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã ban hành quy định về trợ lý giảng dạy. Trợ lý giảng dạy là người giúp việc cho giảng viên trong việc chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành và chấm bài.

Bên cạnh giảng viên tập sự, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các chuyên gia thuộc các đơn vị ngoài trường, nhà trường còn tuyển chọn SV làm trợ lý giảng dạy.

Trở thành “giảng viên” từ năm 2

Muốn lọt vào mắt xanh của giảng viên trong việc tuyển chọn trợ lý giảng dạy, SV phải nổi trội về thành tích học tập, năng động. Thông thường giảng viên sẽ chọn những SV cao điểm nhất lớp, nhất khóa trong môn để làm trợ giảng cho mình.

Theo quy định của nhà trường, SV năm 2, 3, 4 có điểm trung bình tích lũy của các năm học tính đến thời điểm làm trợ lý giảng dạy đạt từ 7.0 trở lên, điểm trung bình tích lũy của học phần được mời làm trợ giảng đạt từ 7.5 trở lên. SV được nhà trường trả tiền công 50.000 đồng/tiết quy đổi cho quá trình làm trợ lý giảng dạy.

Trong giờ học phụ đạo môn Visual basic (lập trình căn bản) của các SV năm nhất khoa chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, “giảng viên” Cao Hoài Phương (SV năm cuối ngành công nghệ thông tin) tự tin trình bày bài giảng bằng PowerPoint.

Bên dưới gần 20 SV chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Sau phần củng cố kiến thức lý thuyết, Phương yêu cầu SV làm bài tập được chuẩn bị sẵn. Không khí lớp học sôi nổi hẳn, mọi người lần lượt đưa ra cách giải của mình...

Lúc nào cả lớp bí, Phương là người đứng ra giải đáp. “Các lớp phụ đạo được khoa mở ra giao cho trợ lý giảng viên phụ trách để hỗ trợ các SV học yếu, củng cố kiến thức cho họ. Mình làm việc này được hai học kỳ rồi. Ngoài lớp phụ đạo mình còn phụ giảng viên trong những tiết học chính. Thầy đứng lớp giảng, nếu SV có thắc mắc mình sẽ giải đáp thay thầy” - Phương cho biết.

Hầu hết SV khoa công nghệ thông tin của trường học môn cơ sở lập trình 1 đều biết đến Lê Minh Đức (SV năm 2) trong vai trò trợ lý giảng dạy.

Đến nay Đức đã có “thâm niên” ba học kỳ làm trợ lý giảng dạy. Ở học kỳ đầu tiên, môn cơ sở lập trình 1 là nỗi ám ảnh với không ít SV, tỉ lệ SV rớt khá cao nhưng Đức đã đạt điểm 10 môn học này.

Nhờ đó, Đức được ThS Trần Công Tú gọi làm trợ lý giảng dạy... Tuy nhiên, theo quy định của nhà trường, SV năm 2 trở đi mới được làm trợ lý giảng dạy nên ban đầu Đức không được trực tiếp làm công việc này.

Không chịu ngồi không, Đức nhận viết phần mềm chấm điểm tự động, bảo trì trang web bài tập của môn học này và giúp việc cho thầy. Hiện Đức được giao đứng lớp hai buổi/tuần để phụ giúp giảng viên hướng dẫn SV thực hành môn cơ sở lập trình.

Trong những buổi học này nếu SV có thắc mắc vấn đề gì Đức sẽ là người giải đáp. “Công việc chính của mình là hướng dẫn các bạn thực hành và sửa bài tập cho các bạn” - Đức cho biết.

Mỗi chiều thứ bảy, ai đến phòng cơ sở thiết kế máy khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều thấy Nguyễn Văn Thành (SV năm 4) có mặt để nhận bài tập của SV. Có hôm đã gần 17g Thành vẫn say sưa giải đáp thắc mắc và hướng dẫn SV hoàn chỉnh bài tập.

“Với môn chi tiết máy, SV phải làm các bài tập lớn hoặc làm đồ án chi tiết máy. Mình được thầy giao soạn bài sau đó hướng dẫn các bạn làm bài tập lớn, đồ án. Ngoài ra, mình còn phụ thầy chấm hàng trăm bài tập lớn mỗi tuần”- Thành chia sẻ.

Trong khi đó, Lê Quốc Trạng (SV năm 2 khoa chất lượng cao) đang làm trợ lý giảng dạy môn hình họa - vẽ kỹ thuật cũng cho biết: “Mình không trực tiếp đứng lớp, chủ yếu phụ thầy chấm bài. Môn học này sau khi học trên lớp SV về nhà vẽ bài tập, hầu như tuần nào cũng có bài vẽ. Nếu bạn nào chưa hiểu bài, mình sẽ tập trung các bạn để giảng lại và giải đáp thắc mắc...”.

Hỗ trợ SV học yếu

Trong khi đó, các SV tham gia công tác trợ giảng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ yếu làm công việc sửa bài tập, hướng dẫn thực hành và hỗ trợ các SV có học lực yếu...

Với điểm trung bình học kỳ là 9.14, Trần Thị Phương Quỳnh (SV năm 4 ngành khoa học môi trường) vẫn phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn mới trở thành một trợ giảng. Khi bắt đầu công việc Quỳnh được lãnh đạo khoa phân công hỗ trợ những SV học yếu.

“Đối với các môn đại cương, bạn nào có nhu cầu cải thiện kiến thức thì liên hệ với mình, để mình mời những SV giỏi giúp hệ thống kiến thức cho các bạn. Riêng các môn chuyên ngành mình sẽ trực tiếp hướng dẫn. Những bài tập làm đồ án, nếu bạn nào không nắm bắt kịp nội dung giảng viên dạy mình sẽ hướng dẫn lại, giúp sửa bài cho tốt hơn” - Quỳnh chia sẻ.

Nguyễn Thành Trung (SV năm cuối ngành bảo hộ lao động) cho hay mỗi tháng khoa sẽ tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo khoa với SV yếu kém để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và nắm bắt khó khăn trong học tập của các SV này.

Tại đây, lãnh đạo khoa cũng giới thiệu các trợ giảng phụ trách từng môn học cụ thể đến SV. Sau đó SV sẽ đăng ký môn học cần hỗ trợ, các trợ giảng sẽ chủ động lên kế hoạch để gặp các bạn hướng dẫn.

Bên cạnh đó, với SV bình thường khác nếu có nhu cầu cần hướng dẫn hay thắc mắc gì trong học tập cũng sẽ được các “giảng viên SV" sẵn sàng hỗ trợ.

Trong số SV làm trợ giảng, Ninh Xuân Huy (SV năm cuối khoa môi trường và bảo hộ lao động) được nhiều SV gọi là “cứu tinh Toeic”.

Ngoài những công việc như các trợ giảng khác, với vốn liếng tiếng Anh khấm khá (Toeic 870, Ielts 7.0) Huy nhận thêm nhiệm vụ phụ trách lớp phụ đạo Toeic cho SV trong khoa...

Huy chia sẻ: “Thực tế nhiều SV không ra trường được do không đạt chuẩn ngoại ngữ theo quy định của nhà trường (phải đạt Toeic 500). Mình mở lớp phụ đạo chủ yếu ôn lại kiến thức căn bản, hướng dẫn cách tự ôn tập, luyện nghe, chia sẻ kinh nghiệm làm bài và tổ chức thi thử. Từ kết quả làm bài, mình biết được điểm yếu của từng bạn để tìm cách giúp đỡ họ...”.

Lớp học được Huy tổ chức sáng chủ nhật hằng tuần ở trường suốt bốn tháng qua luôn thu hút hàng chục SV.

Như tuyển dụng giảng viên

Tháng 10-2013 Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ban hành quy định về tuyển chọn và cấp học bổng cho SV thực tập nghề nghiệp tại trường.

Trong đó nhà trường đưa ra những tiêu chí tuyển chọn rất khắt khe, đòi hỏi SV phải đáp ứng nếu muốn trở thành trợ giảng cho giảng viên.

“Ngoài việc có kết quả học tập của học kỳ gần nhất đạt loại khá (từ 7.0) trở lên và điểm rèn luyện theo chương trình “3 nội dung đạo đức” của trường từ 70 điểm trở lên, SV phải được giảng viên chủ nhiệm tin cậy giới thiệu, trưởng khoa và Đoàn trường thẩm định, thống nhất đề xuất với nhà trường... SV nộp hồ sơ dự tuyển qua hội đồng cấp khoa xét duyệt. Sau đó nhà trường thành lập hội đồng tuyển trợ giảng giống như hội đồng tuyển dụng viên chức. SV phải trải qua cuộc phỏng vấn, nếu đạt sẽ được trường ký hợp đồng và được trả lương” - ThS Trần Thị Nguyệt Sương, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng nhà trường, cho biết.

“Chúng ta cùng tiến”

Đến nay hầu hết SV năm 1, 2 Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đều biết đến chương trình “Chúng ta cùng tiến” do Trung tâm Hỗ trợ SV và việc làm nhà trường tổ chức.

Tháng 5-2013, trước tình hình có hàng trăm SV của trường bị cảnh cáo học vụ (không đạt yêu cầu số tín chỉ tích lũy trong một học kỳ), Trung tâm Hỗ trợ SV và việc làm đã tổ chức các buổi ôn tập cho SV có nhu cầu trước mỗi kỳ kiểm tra.

Các lớp này do SV giỏi từ các lớp kỹ sư tài năng được trung tâm tuyển chọn phụ trách, trực tiếp soạn bài, hệ thống kiến thức, hướng dẫn giải bài tập...

Các môn học đang được tổ chức là những môn khối kiến thức đại cương mà hầu hết SV phải học: đại số, giải tích, vật lý, hóa đại cương, cơ lý thuyết, vẽ kỹ thuật... “Ban đầu các lớp học này mở ra với mục tiêu "kéo" các SV học yếu lên nên chỉ có vài chục SV tham dự.

Nhưng hiện nay những buổi học đại trà thường thu hút 100-200 SV tham gia, không chỉ SV học yếu mà có cả SV khá giỏi” - ThS Trần Tấn Phúc, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và việc làm, cho biết.

Ngoài giờ dạy hằng tuần, các bạn còn hỗ trợ trực tuyến qua trang mạng xã hội của nhóm. Trang Facebook “Chúng ta cùng tiến” sau hai năm hoạt động hiện có 7.000 thành viên, liên tục cập nhật bài tập, đề thi vào kho tài liệu online cũng như thông báo các buổi ôn tập.

Nếu SV có bất cứ vấn đề bài vở nào không hiểu, có thể chụp lại bài tập gửi lên mạng sẽ được hỗ trợ kịp thời.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên