01/05/2015 09:56 GMT+7

​Chuyện của thầy Tánh

PHẠM ĐƯỢC
PHẠM ĐƯỢC

TT - Từ năm học 2009-2010, thầy cho ghi lên bảng các lớp dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” để thấm vào nhận thức học sinh, sau đó thầy phát động phong trào “Tìm địa chỉ đỏ”...

Thầy Tánh (giữa) trong lần bồi dưỡng kiến thức cho đội tuyển học sinh tham gia hội thi “Đà Nẵng - con người - thời gian” - Ảnh: P.Được

Người làm công việc lặng thầm mà nhiều ý nghĩa đó là thầy Phan Văn Tánh, hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng).

Còn mấy tháng nữa là tôi về hưu, nhưng tôi vẫn không nguôi trăn trở về kế hoạch trao truyền kiến thức biển đảo cho học trò. Nhưng nay Sở GD-ĐT Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh trong chương trình chính khóa khiến tôi hết sức vui mừng và tin tưởng rằng Hoàng Sa - một phần máu thịt của quê hương - sẽ thấm sâu hơn trong nhận thức của học trò
Thầy PHAN VĂN TÁNH

Nặng tình với biển đảo quê hương

Là giáo viên dạy môn sinh học nhưng thầy Tánh có tình yêu đặc biệt với biển, đảo quê hương.

Trong hơn 30 năm đứng lớp, thầy đã dành nhiều thời gian đọc, sưu tầm tư liệu về biển đảo, đặc biệt là tư liệu về quần đảo Hoàng Sa. Khi gặp những bài báo hay, những tư liệu quý thầy đều cất giữ một cách cẩn thận.

Từ kiến thức có được, thầy ấp ủ kế hoạch trao truyền kiến thức về biển, đảo cho học trò. Năm học 2009-2010 thầy bắt đầu thực hiện kế hoạch bằng việc cho ghi lên bảng của tất cả các lớp dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Nói về việc làm này thầy Tánh cho hay: “Việc hằng ngày nhìn thấy dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”  sẽ thấm vào trong nhận thức của học sinh tự nhiên hơn và lâu bền hơn”.

Tiếp đó năm học 2011-2012, thầy Tánh giao cho Đoàn trường khởi xướng cuộc thi “Tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa”.

Cuộc thi đã nhận được hàng trăm tác phẩm dự thi, đóng góp những nguồn tài liệu quý báu cho việc học tập của trường.

Để tăng tính hiệu quả, sau cuộc thi thầy Tánh và Đoàn trường quyết định tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn kiến thức về biển đảo, đặc biệt là về Hoàng Sa, Trường Sa đến với học sinh toàn trường.

Điều đáng nói là trong cuộc triển lãm này, thầy Tánh cũng tham gia với bộ sản phẩm là một tấm panô lớn trong đó gồm có nhiều ảnh quý về hoạt động của các chiến sĩ trên đảo, những bài báo hay, những tư liệu quý về Hoàng Sa.

Cuối năm 2013, thầy Tánh chuyển về làm hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám.

Tại đây thầy phát động phong trào “Tìm địa chỉ đỏ” cho học sinh thăm các di tích lịch sử, các bà mẹ VN anh hùng, thân nhân các chiến sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma. Từ những chuyến đi thực tế này, học sinh đã viết những bài cảm nhận của mình gửi vào tư liệu truyền thống của trường.

Nhiều lần kêu cứu cho học trò và đồng nghiệp

Gần 40 năm đứng lớp, 17 năm làm hiệu trưởng, thầy Tánh đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Những đóng góp của thầy được ghi nhận với nhiều danh hiệu thi đua, nhưng với nhiều thế hệ học sinh và đồng nghiệp thì điều ấn tượng nhất về thầy đó là việc thầy nhiều lần kêu gọi giúp học trò và đồng nghiệp.

Nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn đối mặt với nguy cơ bỏ học được thầy tận tình giúp đỡ. Có em còn được thầy giúp không chỉ ước mơ đến trường mà còn cả mạng sống như trường hợp em Huỳnh Thị Thịnh học các năm 2008 - 2011.

“Năm 2009 thầy Tánh gửi thư ngỏ đến 19 trường THPT và nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn TP Đà Nẵng kêu gọi giúp em Huỳnh Thị Thịnh bị mắc bệnh hiểm nghèo. Kết quả, những tấm lòng hảo tâm đã góp được số tiền gần 100 triệu đồng, nhờ số tiền đó mà em Thịnh và gia đình vượt qua được “khúc cua” số phận”- cô Nguyễn Thị Anh Lý, một đồng nghiệp của thầy Tánh ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho biết.

“Em sẽ không có cơ hội ngồi đây nói lên tâm sự này nếu không có thầy Tánh. Với em và gia đình, thầy là một ân nhân mà suốt đời em không quên”- em Huỳnh Thị Thịnh rưng rưng bày tỏ.

Không chỉ học trò mà với đồng nghiệp gặp khó khăn thầy cũng tìm cách giúp đỡ. “Từ ngày ngã bệnh, công việc của cô Lợi được anh em trong trường choàng gánh giúp để cô Lợi vẫn được nhận lương, chứ về nguyên tắc nghỉ dài ngày chỉ được xin nghỉ việc không lương.

Ngoài ra, đồng nghiệp trong trường còn quyên góp được hơn 10 triệu đồng để cùng chia sẻ. Giáo viên chúng tôi chỉ giúp được như thế. Giờ chỉ mong sao cảnh đời này được nhiều người biết đến để cùng giúp đỡ. Đó có lẽ là hi vọng cuối cùng cho khát vọng được sống, được đứng trên bục giảng của cô giáo trẻ đáng thương. Gia đình cô ấy giờ túng quẫn lắm rồi...”- thầy Tánh đã trải lòng như thế với báo chí về trường hợp của cô giáo Lê Hải Lợi.

Với những việc làm như thế, dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cô Lợi cũng cảm thấy ấm lòng trước ân tình của đồng nghiệp, cộng đồng.

Còn thầy Đặng Phi Anh (giáo viên Trường THPT Ngũ Hành Sơn) ngã bệnh năm 2011 cũng được thầy Tánh kêu gọi đồng nghiệp, học trò giúp đỡ, ngoài ra thầy còn tìm đến báo chí để tâm sự, tìm cách giúp thêm cho thầy Phi Anh.

Tấm lòng của thầy Tánh cùng tấm lòng của đồng nghiệp, học trò và bạn đọc gần xa đã là động lực lớn giúp thầy Phi Anh lạc quan “sống chung với bệnh tật” để giờ đây thầy vừa đứng lớp vừa điều trị bệnh, trở thành một tấm gương sáng về nghị lực phi thường.

Tấm gương tự học

Ít ai biết rằng thầy Tánh trưởng thành từ phong trào Đoàn với cương vị bí thư Đoàn, rồi giữ chức hiệu trưởng lại xuất thân từ một giáo viên tiểu học. Những năm 1975-1980 thầy là giáo viên tiểu học dạy ở huyện miền núi Hiên (Quảng Nam - Đà Nẵng).

Từ năm 1980-1984 thầy học ĐH Sư phạm Huế rồi về công tác tại Đà Nẵng, qua hai trường Ngũ Hành Sơn và Hoàng Hoa Thám. Dù lớn tuổi nhưng với tinh thần tự học, khả năng ngoại ngữ và tin học của thầy rất “siêu” như lời nhiều đồng nghiệp nhận xét.

Cô Lê Thị Bình, đồng nghiệp làm việc với thầy Tánh hơn 10 năm, tâm sự: “Nói đến thầy Phan Văn Tánh có thể gói gọn trong một câu: thầy là chỗ dựa tin cậy cho đội ngũ giáo viên cả về công việc lẫn tinh thần.

Trong công việc thầy luôn khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên. Với khuyết điểm, thầy phân tích có tình có lý, khiển trách và rút kinh nghiệm nhưng không tạo tâm lý nặng nề cho giáo viên. Với ưu điểm, thầy khuyến khích phát huy.

Nếu ai phàn nàn thầy chỉ nói nhẹ nhàng: “Thầy nhìn rồi mới giao, thầy tin em làm được” cộng với một cái vỗ vai. Chỉ chừng đó thôi đủ để giáo viên vững tin, vượt qua khó khăn mà hoàn thành công việc”. 

 

PHẠM ĐƯỢC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên