31/03/2015 10:01 GMT+7

​Nỗi buồn... ít rác!

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TT - Tại một ngôi trường nọ, nhiều cô cậu học sinh buồn vì... ít rác. Nỗi buồn vô lý này đến từ tinh thần ganh đua tiêu cực và cách mà người lớn vẫn gọi là “bệnh thành tích”.

Học sinh ở một trường tiểu học TP.HCM trong một buổi học về kỹ năng vệ sinh trường lớp - Ảnh: Như Hùng

 Điều này bắt đầu len lỏi vào những trí óc non nớt.

Thằng nhỏ đi học về mặt mũi đăm chiêu, thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay ở lớp con đã xảy ra một cuộc nội chiến rác mẹ ạ”.

“Gì chứ, nội chiến rác là sao, con học đâu những từ ngữ kỳ quái chẳng đâu vào đâu thế?” - tôi hỏi con.

Thằng bé được đà dốc bầu tâm sự. Chẳng là dạo này cô tổng phụ trách Đội thông báo số lượng các “dũng sĩ nhặt rác” trong trường đã giảm đáng kể. Trong khi đó tình hình rác vương vãi trong trường từ lâu không còn tràn lan như trước nữa.

Lâu nay, theo phong trào phát động toàn trường, căn cứ vào số lượng rác thu nhặt được của từng người, ai nhặt nhiều nhất sẽ được phong làm “dũng sĩ nhặt rác”. Cùng với đó điểm thi đua của lớp “dũng sĩ” sẽ được tăng thêm.

Không ai bảo ai, các bạn trong trường cũng như con trai tôi đều hăng hái hưởng ứng phong trào. Từ tình trạng rác xả lung tung, bây giờ nhìn khắp sân trường sau một ngày dài học tập cũng không thấy bóng một tờ giấy vụn hay mẩu bánh thừa nào còn vương vãi.

Thế là theo lời con tôi, “rác đã thiếu lại càng thiếu hơn”, bọn trẻ có lúc phải tranh nhau giành một mẩu rác vụn! Và đó cũng là một vài sự vụ được con trai tôi quy kết thành cuộc “nội chiến rác” như đã nói.

Có những lúc cuộc “nội chiến rác” trở nên “nóng bỏng” hơn khi một vài đứa trẻ tinh quái còn trả treo với bạn mức giá 20.000 đồng cho một túi rác nhỏ. Có đứa còn giục bạn ăn sáng nhanh lên để quẳng bao nilông đựng đồ ăn xuống đất... thành rác cho mình nhặt!

Tinh thần ganh đua tiêu cực hay cái mà người lớn vẫn gọi là “bệnh thành tích” bắt đầu nhen nhóm trong những trí óc non nớt.

Nhưng dù vậy thì rác vẫn ngày càng khan hiếm hơn. Nhiều đứa bạn con tôi than thở với nhau: “Buồn quá, dạo này chẳng còn rác mà nhặt nữa!”. Nghe con kể, tôi bật cười hỏi: “Vậy con thấy sân trường hết rác là chuyện buồn hay vui?”. Cháu ngẩn ra một lúc rồi đáp: “Vui chứ mẹ, trường sạch sẽ con thích lắm”.

Và con tôi chợt nhận ra sự vô lý trong “nỗi buồn ít rác” của một số bạn. Còn tôi lại phải mất một lúc để giải thích cho con hiểu mục đích cơ bản của phong trào cũng như danh hiệu trong cuộc “nội chiến rác” mà con tôi cũng như nhiều bạn bè đang bị “mê”.

Phong trào luôn có sức cổ vũ, khích lệ các cá nhân. Nhưng để trẻ hiểu rõ mục đích thật sự của mỗi phong trào, thiết nghĩ nhà trường và giáo viên cũng cần có cách giải thích cụ thể, rõ ràng.

Đừng nghĩ trẻ em còn nhỏ, chưa hiểu hết những điều phía sau một thông tin, câu chuyện. Hãy tin rằng trẻ em là một thực thể hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, hành động. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, càng không phải một cái đầu nhỏ chưa lớn.

Từ chuyện tích cực nhặt rác để giữ môi trường sạch sẽ tới cuộc “nội chiến rác” để tranh giành danh hiệu “dũng sĩ” không hề xa. Hai cái đích trong cùng một hành động này quả thật rất xa nhau. Xa cả về giá trị cốt lõi của giáo dục cũng như đạo đức trong đời sống. Có lẽ vì thế mà tôi nghĩ đây không còn là câu chuyện nhỏ và riêng tư ở trường con trai mình nữa.

 

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên