26/03/2015 11:17 GMT+7

Trên 50% học sinh có vấn đề về bạo lực học đường

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Kết quả này được đưa ra tại tọa đàm “Bạo lực học đường, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” hôm 25-3.

Những hình ảnh bạo lực học đường được giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP.HCM) minh họa cho bài giảng tại lớp 9/3 trong giờ học ngoại khóa “Đạo đức và pháp luật” - Ảnh: Như Hùng

Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Phạm Minh Mục, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học đường và giáo dục học, được trình bày tóm tắt tại cuộc tọa đàm, với một loạt số liệu khảo sát cụ thể mang đến suy ngẫm khác nhau cho nhiều người.

Kết quả này được đưa ra tại tọa đàm “Bạo lực học đường, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”, do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học đường và giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) tổ chức ngày 25-3, ngay sau một loạt vụ học sinh đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà giáo tại Hà Nội.

Trong sáu vấn đề mà học sinh thường gặp phải được PGS.TS Phạm Minh Mục khảo sát ở nhiều trường bao gồm cả khu vực đô thị và vùng nông thôn, tỉ lệ học sinh liên quan đến bạo lực học đường là 51,6%.

Phân tích 11 biểu hiện được xem là “bạo lực học đường” thì khảo sát của PGS Mục cho thấy nhiều nhất là tình trạng học sinh bị mắng chửi, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn (38,49%), tiếp đến là trường hợp hai học sinh đánh nhau (35,32%), hai nhóm học sinh đánh nhau (22,22%).

Ngoài ra còn có các biểu hiện tuy ít hơn nhưng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn như trấn lột tài sản, thuê người đánh bạn, học sinh đánh thầy giáo. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường xuất phát từ vấn đề của gia đình, cha mẹ học sinh chiếm tỉ lệ cao (trên 60%).

Khi rơi vào tình huống bị bạo lực về tinh thần hoặc thể chất, phản ứng của học sinh phần nhiều có chiều hướng tiêu cực: im lặng chịu đựng hoặc nhờ bạn bè can thiệp. Thiếu vắng sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của nhà trường, của cán bộ chuyên trách am hiểu tâm lý lứa tuổi và của cha mẹ học sinh là tình trạng phổ biến.

PGS.TS Mạc Văn Trang, Viện Khoa học giáo dục, cho rằng số lượng vụ bạo lực học đường không khiến chúng ta suy nghĩ nhiều bằng mức độ nghiêm trọng của nhiều vụ việc.

“Nếu như trước đây chỉ có học sinh nam đánh nhau thì nay có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau, học sinh nữ thuê người đánh bạn, không chỉ hành hung mà còn tìm cách hạ nhục, xúc phạm nhân phẩm như lột quần áo, quay video tung lên mạng. Có những trường hợp đánh nhau không do mâu thuẫn, thù oán mà đơn giản chỉ vì được lớp trưởng đề nghị” - ông Trang dẫn chứng.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc bạo lực thô bạo, tàn nhẫn khó có thể tin được xuất hiện ở lứa tuổi học trò, TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học giáo dục, đề cập đến nhiều nguyên nhân như sự phổ biến các trò game bạo lực, phim ảnh bạo lực, sự tiêm nhiễm từ nếp sống, hành vi của người lớn, trong đó chủ yếu là cha mẹ, người thân trong gia đình...

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Viện Khoa học giáo dục) cũng có sự lý giải khác trên cơ sở thực tiễn nghiên cứu khi cho rằng hành vi bạo lực ở tuổi học trò là biểu hiện của sự khủng hoảng ở lứa tuổi vị thành niên khi các em bị nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài nhưng lại thiếu vắng sự chia sẻ, tư vấn, dạy bảo của người lớn.

Chương trình giáo dục phổ thông nặng nề, chạy theo kiến thức văn hóa và thi cử, không có những sân chơi lành mạnh, việc giáo dục đạo đức, lối sống không được đổi mới, lạc hậu, kém hấp dẫn, sự nuông chiều, thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu những tấm gương tốt từ người lớn... là những lý do được các chuyên gia, nhà giáo đặt ra.

Cần hành lang pháp lý cho... tư vấn học đường

Khảo sát của PGS.TS Phạm Minh Mục cho biết gần 80% ý kiến được nhóm nghiên cứu ghi nhận cho rằng rất cần có các phòng tư vấn học đường tại trường, cụm trường. Đây không phải là đề xuất mới mẻ.

Trong những năm gần đây, mô hình phòng tư vấn tâm lý tại trường phổ thông được nhắc đến nhiều. Một số địa phương đã thí điểm thực hiện trong các trường THCS, THPT và thu nhận những kết quả khả quan. Nhưng phòng tư vấn học đường vẫn khó lan tỏa và không phải yêu cầu bắt buộc ở các nhà trường phổ thông.

“Ở nhiều trường phổ thông hiện nay, nhu cầu bức thiết trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh đã khiến các hiệu trưởng phải bố trí một cán bộ làm “giám thị” hoặc trả thêm thù lao cho giáo viên chủ nhiệm để làm thêm giờ, thêm việc. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, vì cán bộ, giáo viên chỉ có thể kiêm nhiệm và không thể đủ kiến thức chuyên môn và thời gian để chuyên tâm vào công việc hỗ trợ chăm sóc đời sống tinh thần của học sinh - một nhà giáo phát biểu.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng không chỉ cần một cơ chế để tuyển dụng người có trình độ, mà cần có hành lang pháp lý cần thiết để các nhà trường, các sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch triển khai mô hình tư vấn tâm lý, tìm “bạn” cho học sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên