03/02/2015 18:03 GMT+7

Bác sĩ khám mà hỏi con "bệnh gì"!

 HOÀNG GIA (một giáo viên ở Bình Thuận)
HOÀNG GIA (một giáo viên ở Bình Thuận)

TTO - “Có bị bệnh tim không? Có cận thị không? Có sâu răng không? Nặng bao nhiêu ký? Cao bao nhiêu"... Các bác sĩ đến trường khám sức khỏe hỏi học sinh những câu giống nhau như vậy.

Sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) thực hành tại khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học - Ảnh minh họa

Sau buổi khám bệnh dành cho học sinh tại trường THPT ở Bình Thuận, H., học sinh lớp 12, bức xúc: “Thà người khám cứ bịa mà ghi vào phiếu khám còn hơn tổ chức khám đại trà nhưng chỉ hỏi, nào là: “Có bị bệnh tim không? Có cận thị không? Có sâu răng không? Hay nặng bao nhiêu ký? Cao bao nhiêu centimet?...".

H. nói: “Nếu con biết mình mắc bệnh gì rồi thì cần gì đi khám”.

Sau những câu hỏi của bác sĩ, học sinh thường trả lời đại khái “dạ, không”, hoặc "dạ có" rồi cán bộ... ghi vào phiếu. Có người cẩn thận hơn một tí, cũng đặt ống nghe khoảng vài giây một cách chiếu lệ.

Hằng năm, các trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Dù danh mục khám có nhiều nội dung như khám răng miệng, đo nhịp tim, kiểm tra mắt, đo chiều cao, cân nặng…, nhưng cách khám bệnh phần lớn là qua loa, không hiệu quả.

Họ chú trọng việc ghi hơn việc khám. Những dòng nhận xét được thấy nhiều nhất là chữ "bình thường".

Với cách khám qua loa như thế, chỉ với hơn năm giờ, vài ba y bác sĩ đại diện đã khám xong gần 1.000 em học sinh.

Với những trường có cán bộ y tế chuyên trách, giáo viên chủ nhiệm còn được thông báo sơ qua tình hình sức khỏe của các em trong lớp để thông tin lại cho phụ huynh. Nhiều trường không có cán bộ y tế, phiếu khám được kẹp vào hồ sơ lưu năm này rồi năm khác, không được ai ngó ngàng tới.

Vì thế, không ngạc nhiên gì lắm khi giáo viên không biết được học sinh của mình mắc bệnh gì. Điều này mang đến nhiều chuyện buồn như có em bị đột quỵ trong giờ học thể dục, có em bị động kinh mà giáo viên không biết, có em bị cận thị mà cô không hay vẫn cứ xếp ngồi bàn cuối…

Sự qua loa còn thể hiện ở cách ghi phiếu khám. Nhiều em ngày tháng qua đi đã không cao được phân nào mà ngày càng... thấp đi mới nực cười. Đầu năm đo 1,35m, cuối năm chỉ còn 1,27m!

Qua loa nhưng ý nghĩa cao!

Dù khâu khám bệnh qua loa nhưng thật sự có ý nghĩa đối với việc tổng hợp báo cáo của một số bộ phận liên quan. Những số liệu học sinh được khám bệnh định kỳ hằng năm lại có mặt đầy đủ trong các báo cáo của bệnh viện, y tế học đường, công đoàn và nhà trường như một thành tích đạt được.

Bệnh thành tích trong giáo dục không chỉ thể hiện ở việc dạy và học của giáo viên và học sinh, ngay cả việc khám bệnh cho các em cũng chỉ tô điểm thêm những việc mà các trường làm được chứ chất lượng chẳng có là bao.

Vài năm trước đây, việc khám sức khỏe cho học sinh do xã, phường quản lý nên lệ phí một lần khám một em khoảng 3.000 đồng. Nhưng hai năm trở lại đây, công việc này do bệnh viện thị xã đảm nhận. Vì thế, lệ phí tăng 10.000 đồng/học sinh. Đây là số tiền không nhỏ đối với những trường có tỉ lệ học sinh đông.

Mặc dù trường nào cũng biết việc khám bệnh định kỳ cho các em học sinh như hiện nay không mang lại nhiều ích lợi bởi việc khám, chẩn bệnh quá sơ sài. Nhưng đây là quy định bắt buộc, vì thế công việc này vẫn được triển khai đều đặn từ năm này qua năm khác.

Việc học sinh đã tham gia đóng bảo hiểm y tế thì lẽ ra khám sức khỏe định kỳ cho các em phải do cơ sở y tế mà học sinh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đảm nhận và không thu phí.

Có như thế mới bớt đi được gánh nặng về kinh phí cho nhà trường.

                                                                               

 

 

 

 

HOÀNG GIA (một giáo viên ở Bình Thuận)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên