30/11/2014 08:01 GMT+7

​Nhà sáng chế trình độ tiểu học

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Cuộc sống khó khăn, thuở nhỏ phải bỏ học tha phương làm thuê nhưng anh khiến mọi người ngỡ ngàng khi sáng chế ra máy xe chỉ xơ dừa.

Anh Thuận và máy xe chỉ xơ dừa chạy bằng điện cho năng suất cao do anh sáng chế - Ảnh: Sơn Bình

Chiếc máy này đã giúp người dân miệt sông nước cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất

Anh là Nghiêm Đại Thuận, 38 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Sản phẩm máy xe chỉ xơ dừa của anh được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh.

Gian nan hành trình sáng chế

Sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình đông anh em, mẹ mắc bệnh tâm thần, cha phải bán kẹo kéo nuôi các con.

Năm 12 tuổi, Thuận lên Sài Gòn làm thuê đến khi trưởng thành, lập gia đình rồi về sinh sống tại quê vợ xã Đức Mỹ cho đến nay. Thương con gái, mẹ vợ cho anh miếng đất miệt bưng biền nuôi heo.

Vợ anh cả ngày còng lưng bên máy quay tay xe chỉ xơ dừa, bụi bám đến ngạt thở cũng chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng. Những lúc vợ bệnh hay đi vắng, anh phụ xe chỉ xơ dừa bằng thủ công, anh nghĩ bụng tại sao không ai làm ra máy chạy bằng điện cho công suất lớn, thu nhập cao, lại đỡ tốn sức người nông dân?

Anh chia sẻ suy nghĩ với vợ thì nhận được câu trả lời “ông lo mà nuôi heo và giúp xe chỉ xơ dừa cho tui nhờ”.

Công suất gấp 8-10 lần so với làm thủ công

Ông Trần Văn Nhàn (trưởng phòng quản lý chuyên ngành Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Trà Vinh, thành viên ban giám khảo trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ hai tỉnh Trà Vinh) cho biết máy xe chỉ xơ dừa hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo.

Công dụng và cơ chế hoạt động của chiếc máy xe chỉ xơ dừa của anh Thuận quá tốt, bởi anh đã khắc phục được những điểm yếu từ chiếc máy thủ công khung gỗ một trục, quay tay cả ngày nhưng chỉ cho thu nhập 15.000-20.000 đồng.

Gần ba năm anh Thuận mày mò sáng chế tốn nhiều công sức, tiền của để cho ra chiếc máy xe chỉ xơ dừa bốn trục rồi nâng lên sáu trục với công suất trung bình gấp 8-10 lần so với làm thủ công.

Sản phẩm lại sáng đẹp, chất lượng, không đủ bán cho khách hàng.

Chiếc máy góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ những sản phẩm của cây dừa. Hiện nhiều nông dân đang dựa vào chiếc máy để có cuộc sống ổn định hơn.

Mặc cho vợ không ủng hộ, anh trở lại Sài Gòn làm công nhân sinh sống và mang theo bịch chỉ xơ dừa đến gặp nhiều tiệm cơ khí đề nghị họ nghiên cứu làm máy xe chỉ xơ dừa. Tuy nhiên không ai nhận nghiên cứu và làm cho anh.

Do từng có thời gian phụ làm hàn tiện, anh Thuận dành tiền lương mua nhiều dụng cụ, sắt thép, máy móc với quyết định táo bạo “không ai làm thì mình tự sáng chế”. Anh quyết định gom đồ đạc mang về quê vừa nuôi heo vừa nghiên cứu.

Để có tiền mua đủ dụng cụ, thiết bị thực hiện, anh vay mượn nhiều nơi khiến vợ càm ràm suốt ngày. “Tui có tật sợ ma, thức đêm nghiên cứu đến sáng riết cũng chữa được tật luôn. Vợ cằn nhằn đòi bỏ, tui nói thông cảm, bà có bỏ tui cũng ráng làm, tui thề là phải làm cho bằng được” - anh Thuận kể.

Hơn hai năm mày mò nghiên cứu, có lúc máy chạy ra sản phẩm ít hơn quay tay thủ công, có lúc máy làm hư hỏng sợi xơ dừa.

Năm 2012, anh hoàn thiện chiếc máy xe chỉ xơ dừa bốn trục đầu tiên chạy bằng điện, cho ra sản phẩm và mỗi ngày bán được 200.000 đồng khiến nhiều người thắc mắc. Tuy nhiên, ban đầu anh giấu nghề.

“Sống nơi vắng người, vợ chồng tui lấy tấm cao su che máy cẩn thận nên không ai biết. Lúc ấy tui muốn giấu luôn trong nhà để vợ chồng làm ăn kiếm tiền” - anh thành thật.

Trong một lần chính quyền địa phương đến vận động người dân trồng dừa kỹ thuật, họ phát hiện gia đình anh Thuận che cái “máy lạ” trong nhà nên kiểm tra. Nghe gia đình giải thích, họ hướng dẫn anh Thuận làm thủ tục để đăng ký bản quyền.

Sau đó, anh làm cho người thân một chiếc máy khác để họ sinh sống. Từ đó, câu chuyện người sáng chế máy xe chỉ xơ dừa lan rộng khắp nơi, nhiều người đến nghiên cứu học hỏi.

Năm 2013, trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ hai, anh Thuận được ban giám khảo chấm giải nhất với sáng chế của mình. Năm 2014, UBND tỉnh Trà Vinh bình chọn máy xe chỉ xơ dừa là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Ông chủ “hai lúa”

Sau khi sáng chế thành công, từ một nông dân chân lấm tay bùn, anh Thuận trở thành ông chủ “hai lúa” có tiếng tại địa phương khi tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Hiện anh đang làm chủ xưởng chế tạo máy xe chỉ xơ dừa với cả chục thợ cơ khí có tay nghề. Cạnh nhà xưởng không xa là “Hợp tác xã xe chỉ tơ xơ dừa xã Đức Mỹ” do anh làm chủ nhiệm với hơn 20 nhân công lao động có thu nhập ổn định.

“Trước làm không đủ ăn, phải gửi con cho anh vợ nuôi, nay tui đem con về rồi. Heo cũng bán hết để tập trung làm trong xưởng với hợp tác xã” - anh Thuận cho biết.

Khi có xưởng, từ chiếc máy bốn trục, anh tiếp tục nâng cấp thành máy sáu trục cho năng suất mỗi ngày đến hơn 120kg sợi tơ xơ dừa và có thể nâng lên đến mười trục tùy điều kiện.

Theo sổ sách thống kê, anh đã bán trên 30 máy xe chỉ xơ dừa với giá 75 triệu đồng/máy bốn trục và 125 triệu đồng/máy sáu trục. Cầm những cuộn chỉ xơ dừa bóng sáng trên tay, anh khoe sản phẩm hiện không đủ bán cho khách hàng.

“Trước đây tui bán hàng cho các mối tỉnh Bến Tre, nay doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến tận nhà yêu cầu ký hợp đồng hai container sợi tơ 

dừa/tháng. Ngoài ra họ còn hỏi mua máy sáu trục để lập công ty riêng tại VN nhưng tui đang cân nhắc” - anh Thuận chia sẻ.

“Nông dân tụi tui biết ơn nó lắm”

Ông Nguyễn Bửu Tam (42 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ) cho biết vỏ dừa bỏ hoang rất nhiều, khi nghe tin anh Thuận sáng chế ra máy sáu trục, ông mượn 125 triệu đồng để mua về cho gia đình xe chỉ.

Hơn một năm qua, trung bình thu nhập của gia đình mỗi ngày tăng từ 200.000-300.000 đồng. Ngoài hoàn tiền vốn mua máy nhanh chóng, gia đình ông ngày càng có thu nhập ổn định.

Tương tự, ông Lý Văn Khoa (59 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ) cũng chia sẻ gia đình ông quanh năm làm vườn. Nghe tin anh Thuận sáng chế được máy xe chỉ xơ dừa, ông mua máy bốn trục với giá 75 triệu đồng. Mỗi ngày gia đình ông Khoa xe chỉ xơ dừa và bán được hơn 300.000 đồng.

“Có thêm thu nhập từ máy xe chỉ xơ dừa nên cuộc sống gia đình thoải mái rất nhiều. Nhìn thằng Thuận vậy mà cái đầu nó dữ quá, nó làm ra cái máy này nông dân tụi tui biết ơn nó lắm” - ông Khoa nói.

 

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên