23/11/2014 15:12 GMT+7

“Cất bằng đại học làm công nhân”: Không thể bình thường

NGỌC HÀ - QUANG PHƯƠNG thực hiện
NGỌC HÀ - QUANG PHƯƠNG thực hiện

TT - “Cất bằng đại học làm công nhân cũng là việc làm” - nhận định này của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 19-11 đang gây xôn xao dư luận.

Diễn đàn chủ nhật giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người trong cuộc về vấn đề tranh cãi này.

Tham gia Diễn đàn chủ nhật kỳ này, nhiều ý kiến cho rằng việc cất bằng đại học làm công nhân không thể xem là bình thường. Trong ảnh: sự ưu tư của người trẻ tại ngày hội tư vấn việc làm - Ảnh:  Quang Định

* TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT):

TS Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: N.Hoàng

Chất lượng đào tạo có vấn đề

Cất bằng đại học đi làm công nhân không thể là vinh quang, thậm chí nếu coi là bình thường cũng không ổn. Đó chỉ là minh chứng đầy đủ và chua xót cho tình trạng nhân lực cung vượt quá cầu và chất lượng đào tạo đang thật sự có vấn đề.

Đào tạo trình độ cử nhân phải để người tốt nghiệp có tri thức, kỹ năng, phẩm chất làm được những công việc tương ứng trình độ đào tạo, chứ không phải để làm công nhân. Sự bất bình thường này đến từ nhiều nguyên nhân. Khi nguồn cung trình độ ĐH vượt quá cầu thì doanh nghiệp sẽ “mua” sức lao động dưới giá trị của nó.

Thực tế, những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp luôn có cơ chế tuyển dụng minh bạch, rõ ràng. Lực lượng lao động có trình độ là chìa khóa cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp nhờ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả.

Trái lại, không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng tuyển dụng lao động phổ thông, trả lương thấp, trình độ công nghệ mức độ trung bình, ít có sáng tạo đổi mới.

Nhưng cũng phải nói rằng nếu việc làm có sẵn mà doanh nghiệp không tuyển được theo yêu cầu thì các cơ sở giáo dục phải nghiêm túc xem xét lại chất lượng đào tạo của mình và Nhà nước cần có cơ chế tài chính phù hợp để giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Không ít ý kiến cho rằng để tránh lãng phí tiền bạc của gia đình, đầu tư của xã hội, công sức, trí tuệ và thời gian của chính người học không thì phải hạn chế ngay quy mô giáo dục ĐH.

Song thực tế, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ ĐH của Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Ai đó nói chúng ta “thừa thầy, thiếu thợ” cũng không thật chuẩn.

Thực tế, chúng ta mới chỉ có khoảng 6% người lao động có trình độ ĐH và trên ĐH, trong khi đó có đến trên 84% lao động chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Ở các nước công nghiệp phát triển, tỉ lệ việc làm đòi hỏi trình độ ĐH và trên ĐH vào khoảng trên 30% (Hoa Kỳ dự báo năm 2020 sẽ là 35%).

Lao động tốt nghiệp ĐH có thể xem là vốn rất quý của quốc gia cần phải được khai thác hiệu quả. Đối với các trường ĐH, bên cạnh đổi mới chương trình, cần có học phần về khởi sự kinh doanh (hay khởi tạo doanh nghiệp) để người tốt nghiệp có thêm năng lực tạo dựng doanh nghiệp và lập nghiệp, vừa tạo việc làm cho bản thân và cho người khác.

Điều này cũng đòi hỏi Chính phủ có chính sách hỗ trợ về vốn cho những người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành doanh nhân.

Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả dự báo và thông tin thị trường lao động. Bộ Lao động - thương binh và xã hội phải chịu trách nhiệm để đưa ra những tín hiệu thị trường lao động, giúp các trường, người học định hướng cho mình.

Riêng với Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, để thúc đẩy phân luồng sớm, phân luồng đúng, chúng tôi đang chỉ đạo các trường phải làm mọi cách nâng cao tính hấp dẫn của chương trình đào tạo, sắp xếp trình tự các học phần để ngay năm thứ nhất người học đã có thể được học kỹ năng nghề nghiệp.

Các sở GD-ĐT tổ chức hợp tác giữa các trường chuyên nghiệp trên địa bàn với trường THPT để đào tạo kỹ năng trong giáo dục hướng nghiệp, tạo cho học sinh có kỹ năng, sớm quen với môi trường giáo dục chuyên nghiệp... Bộ cũng có trách nhiệm tổng kết thực tiễn, đưa kinh nghiệm hay ở một số địa phương về phân luồng để phổ biến cho toàn hệ thống.

* PGS.TS Lê Hữu Lập (nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông):

PGS.TS Lê Hữu Lập - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ra trường phải có 1 + n

Nếu nói cất bằng ĐH đi làm công nhân là bình thường với cái lý làm việc gì cũng là vinh quang như phát biểu của bộ trưởng thì xin hỏi đầu tư học ĐH làm gì? Học ĐH 4-5 năm để đi làm công nhân thì quả là sự lãng phí cả về thời gian và tiền bạc của gia đình và xã hội.

Không có công cụ nào đo đếm sự chán nản, thất vọng ở một người đã trường kỳ trên giảng đường mấy năm trời, rốt cuộc lại phải đi làm công việc không cần mất nhiều thời gian học hành đến thế.

Không khó để nhận ra bất cập lớn trong thị trường lao động hiện nay là lao động có trình độ đang tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Nhà nước chưa có các chính sách đủ mạnh để thu hút lao động có chất xám về làm việc tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ngoài kiến thức chuyên môn về lý thuyết, chúng tôi bố trí cho sinh viên được tăng cường thời gian thực hành, thực tập, gắn với thực tế. Sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra về kỹ năng mềm và tiếng Anh trước khi tốt nghiệp. Sinh viên ra trường phải có 1+n, trong đó có 1 bằng đại học và n chứng chỉ, kỹ năng, trong đó có cả các chứng chỉ chuyên sâu về ngành nghề đào tạo.

* Anh La Văn Ngọ (thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Trường ĐH Giao thông vận tải. Năm 2013, La Văn Ngọ từng là nhân vật “thủ khoa thất nghiệp” được bộ trưởng Bộ GTVT tuyển dụng đặc cách):

Ảnh: Phạm Thịnh
Ảnh: Phạm Thịnh

Quan trọng nhất là nỗ lực của bản thân

Ngay từ khi là sinh viên năm cuối, tôi và các bạn trong lớp đã rất lo lắng cho mục tiêu tìm được công việc đúng chuyên môn. Hơn một năm trước, tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại ưu, tôi đã từng rất tự tin để có thể tìm việc làm tốt.

Nhưng sự thật là sau khi gửi hồ sơ đi nhiều nơi, tôi vẫn chưa nhận được hồi âm, chưa tìm được công việc như ý.

Trong thời gian chờ đợi, để trang trải cuộc sống hằng ngày, tôi đã làm thêm nhiều việc khác nhau. May mắn, trải nghiệm tìm việc của tôi không bị kéo dài khi sau đó đích thân bộ trưởng Bộ GTVT đặc cách tuyển dụng tôi vào làm tại Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải.

Đúng là một người học hành bài bản không khó để nắm bắt công việc và phát huy được khả năng của mình trong môi trường thực tế. Tuy nhiên, ngoài các kỹ năng chuyên môn, công việc còn đòi hỏi những kỹ năng khác như về tin học văn phòng, ngoại ngữ...

Với người học bình thường hay học xuất sắc ở môi trường ĐH thì khi ra trường, ngoài trình độ chuyên môn khác nhau, các kỹ năng đó đều cần thiết ở mức độ như nhau để có thể đảm đương tốt được công việc của mình.

Thực tế, trường ĐH nơi tôi theo học rất tạo điều kiện để sinh viên có thể trang bị thêm những kỹ năng mềm, nhưng ở những thời điểm nhất định, không phải sinh viên nào cũng hiểu hết ý nghĩa của những kỹ năng có giá trị bổ sung cho công việc chuyên môn của mình sau này.

Có lẽ không nên dành thời gian quá nhiều để đổ tại nguyên nhân này, nguyên nhân khác khiến mình không có được công việc như ý nếu như chính mình không dành thời gian để nỗ lực và chứng minh nỗ lực của mình.

* Anh Nguyễn Huy Cường (giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần An toàn thông tin chuyên nghiệp - ISePRO):

Ảnh: H.C.
Ảnh: H.C.

Cần năng lực

Tôi nghĩ có tấm bằng cử nhân nhưng không thể kiếm được một việc làm bình thường, phải làm công việc không đúng với trình độ chuyên môn, phải đi học lại để tìm cơ hội nghề nghiệp mới thì quá lãng phí.

Lãng phí về công sức nhiều năm học tập, lãng phí công sức đào tạo của thầy cô và các cơ quan giáo dục, lãng phí về chi phí của gia đình và bản thân.

Nhiều người tốt nghiệp cử nhân nhưng phải đi làm công nhân là một thực trạng đáng buồn. Đó là hệ quả của căn bệnh đua theo bằng cấp, hệ quả của việc thiếu định hướng nghề nghiệp, hệ quả của quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Các bạn trẻ chỉ biết đi học chứ chưa nghĩ tới học để làm gì và làm ở đâu.

Đến hiện tại, tôi là người không có bằng cử nhân. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi không thi đại học mà đăng ký học chứng chỉ nghề về an ninh mạng CCNA (Cisco Certified Network Associate).

Sau đó, tôi đi làm và tiếp tục học thêm nhiều chứng chỉ nghề quốc tế khác như: CCAI, LPI-3, SCPE...

Bằng cấp được xem là thước đo năng lực của mỗi người, tuy nhiên một người không có bằng cấp không hẳn là không có năng lực. Các doanh nghiệp họ cần năng lực chứ không cần bằng cấp.

Tôi được biết, các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay rất ít (hoặc không) quan tâm đến bằng cấp. Họ không tuyển chúng ta vào công ty để chưng tấm bằng của chúng ta trong tủ kính. Họ cần những người làm được việc cho họ với hiệu quả cao nhất.

Họ chỉ quan tâm tôi làm được gì và sẽ giúp ích được gì cho họ. Vì vậy, bạn đừng sính bằng cấp, đừng bằng mọi giá phải có bằng này bằng kia nhưng rồi học xong không biết sử dụng vào việc gì.

Gần 200 phản hồi

Phát biểu của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận được gần 200 phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ chỉ trong hơn hai ngày. Phần lớn bạn đọc bức xúc trước sự lãng phí về vật chất và thời gian của mỗi gia đình và toàn xã hội khi cử nhân phải đi làm công nhân.

Bạn đọc cũng đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng và chủ động của mỗi gia đình, mỗi người học khi chọn ngành học và trong quá trình trên giảng đường đại học.

 

NGỌC HÀ - QUANG PHƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên