Đây cũng là chủ đề được nhiều bạn đọc phản ảnh mặc dù mới là thời điểm đầu năm học.
Tuổi Trẻ xin giới thiệu hai câu chuyện của bạn đọc có cùng tâm sự.
“Con hết chịu nổi rồi”
Hầu như hôm nào cũng vậy, tôi phải xin về từ rất sớm để đón con ở trường và đưa đi học thêm. Vừa học trên lớp xong, chưa kịp thay đồ, chưa kịp cơm nước, con trai tôi (hiện đang học lớp 3) đã được đưa thẳng tới trung tâm ngoại ngữ hoặc học phụ đạo ở nhà cô giáo.
Cả tuần, từ thứ hai đến chủ nhật, lịch học của con đều đều như thế. Lịch học chằng chịt đến mức nhìn vào tôi cũng mướt mồ hôi. Suốt ngày cô chê khả năng nghe, nói tiếng Anh của con kém.
Thế là vợ chồng tôi lại “đổ” tiền cho con đi học thêm. Mà trung tâm ngoại ngữ có gần trường học đâu, lại phải đi một đoạn đường dài, có hôm con kêu: “Con đói mẹ ơi”. Tôi an ủi: “Lát mẹ tạt vào cửa hàng mua cho bánh mì ăn tạm, tối về mẹ bồi bổ thêm cho”.
Ngẫm ra, con bị cắt luôn bữa ăn tối vui vẻ cùng cả nhà từ lúc nào chẳng hay. Hầu như hôm nào con cũng về sau 21g, lầm lũi ngồi ăn một mình. Tôi ngồi bên trò chuyện, động viên con hết lời. Con ăn xong lại ngồi vào bàn học để giải quyết nốt bài tập cô giao.
Thi thoảng con đi học muộn, bị cô giáo la vì mắt nhắm mắt mở bởi mỗi ngày con chỉ có chừng sáu tiếng để ngủ, rất hiếm khi con được ngủ đủ tám tiếng kể từ khi bước chân vào lớp 1 đến nay.
Vì chưa tròn giấc nên hầu như sáng nào con cũng ngáp. Cô giáo lại gọi điện hỏi phụ huynh tại sao cháu hay ngáp thế. Tôi chỉ biết xin lỗi, rồi mong cô giáo thông cảm.
Thú thật nhiều khi muốn đưa con về quê chơi vào ngày lễ, cuối tuần nhưng lại bị gián đoạn vì lịch học kín mít của con.
Nhiều lúc tôi cảm thấy khâm phục con vì lúc nào cũng căng như dây đàn để giải quyết đống bài tập không dành cho đứa trẻ tiểu học. Vợ chồng tôi vẫn thường nói rằng con đang bị bào mòn sức khỏe trầm trọng.
Mấy hôm nay con kêu: “Con hết chịu nổi rồi mẹ ơi”. Tôi xoa đầu con động viên: “Các bạn trong lớp con cũng học như vậy mà, đâu phải chỉ mình con. Cố lên con à”. Nói với con xong, tôi quay mặt đi vì không muốn con nhìn thấy những giọt nước mắt. Là người mẹ, tôi phải làm sao đây?
Hải Nguyệt
Học sinh cũng tăng ca
Nghe hai tiếng “tăng ca” chắc ai cũng nghĩ ngay đến công việc thường ngày của công nhân. Nhưng ở đây, tôi lại muốn nói về chuyện học thêm của con tôi. Chỉ bắt đầu năm học mới chưa lâu mà tôi đã thấy đuối sức giùm con.
Thời khóa biểu của thằng bé bắt đầu lúc 6g sáng: ăn sáng - đến trường - tan học sáng lúc 10g30, có khi đến 11g15 - 13g học chiều - tan học lúc 16g30, sau đó là thẳng tiến đến nhà thầy cô học thêm.
Có ngày hai môn học trùng nhau thì con phải tăng thêm một ca nữa. Có nghĩa là 16g30 học toán ở nhà thầy đến 18g, tranh thủ tạt ngang nhà chạy vào uống vội ly sữa, ăn ngấu nghiến cái bánh mì nhỏ trong 10 phút, trong khi tôi vẫn đậu xe đợi trước nhà, con ăn xong là hấp tấp chạy ngay đến nhà cô dạy tiếng Anh, học tiếng Anh đến 19g30.
Cũng may trong tuần chỉ có hai ngày như vậy, nếu không sức khỏe đâu mà kham nổi. Học thêm đến 19g30 về nhà, con tắm vội vàng, ăn cơm trong mệt mỏi rồi lại vùi đầu vào học bài ngày mai. Học suốt ngày như vậy nên có được chút xíu thời gian rảnh là thằng bé chỉ nằm dài trên giường than mệt.
Buổi sáng 6g ra đường, tôi chỉ thấy toàn học sinh, đứa lớn tự đi xe đạp, xe điện, đứa nhỏ được cha mẹ chở thì tranh thủ ăn sáng, có đứa còn cầm tập trên tay cố ôn lại bài.
Buổi tối 19-20g là giờ mà rất nhiều đứa trẻ còn mặc đồng phục trên người, mặt mũi phờ phạc ngồi sau xe cha mẹ trở về nhà sau một ngày cật lực vật lộn với mớ kiến thức nặng nề.
Trên báo gần đây tôi thấy ngành giáo dục đang có những chủ trương đổi mới về biên soạn sách giáo khoa, về việc bỏ kỳ thi này nọ... nhưng không ai đề nghị bỏ bớt thời gian học cho học sinh.
Hãy cho bọn trẻ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi chứ không phải chỉ học từ sáng tới tối mịt, đến mức không có cả thời gian mà ăn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận