11/11/2005 07:19 GMT+7

Tiếng Anh "made in Thai Ba Tan"

ĐOÀN TẤT THẢO
ĐOÀN TẤT THẢO

TT - Giới sinh viên Hà Nội không ai không biết đến “lò” tiếng Anh của thầy Thái Bá Tân ở Bách khoa. 15 năm tồn tại, có lẽ không nơi nào vượt được “lò” này về... giá cả và số người theo học.

uS5h9Q1p.jpgPhóng to
Lớp học của thầy lúc nào cũng đông như hội

“Hôm nào dưới 200 (người) là một chuyện lạ đối với tôi”- thầy nói.

Ngạc nhiên chưa?

Tôi đang có ý định kiếm cái chứng chỉ TOEFL để đủ điều kiện du học. Theo lời gợi ý trên của cậu bạn đã từng “kinh qua tất cả lò luyện tiếng Anh ở Hà Nội”, tôi vào “lò” thầy Tân ở Bách khoa.

Kinh hoàng! Mới tầm khoảng 6 giờ kém 15, nghĩa là còn 15 phút nữa mới đến giờ học mà giảng đường gần 300 chỗ ngồi đã chật kín. Trời đã chuyển sang mùa đông nhưng quạt trần vẫn quay đều đều.

- Thằng này mới. Nộp tiền đi con!

Thấy tôi lớ ngớ “bò đội nón”, thầy vẫy tay gọi lại. Tôi gãi đầu: “Con phải nộp bao nhiêu hả thầy?”. “120.000 đồng một tháng, học “tẹt ga” con ạ! Học thử thì 10.000 đồng một buổi”. Kêu gọi nộp tiền rất gắt gao nhưng với những ai không có tiền, thầy sẵn sàng bỏ qua. Cô bạn ngồi cạnh cho biết: “Nếu chưa có tiền nộp thì kêu là con học theo diện nghèo, thầy OK ngay. Có lần thầy còn khuyến khích: Ngày mai lớp chẵn (thứ 2, 4, 6) học cái này hay lắm. Ai có điều kiện thì đến cho thầy vui. Không tiền thì học nghèo cũng được. Đừng để thầy ngồi tơ hơ trên này”.

Tôi lấy 200.000 đồng ra nộp học phí.

“Ngạc nhiên chưa?” (sau này tôi mới biết câu tủ này của thầy “nhái” theo quảng cáo bột giặt trên truyền hình. Mỗi khi có người nộp tiền, thầy lại thốt lên làm không ai nín cười nổi). Thầy trao cho tôi tấm tickê có chữ ký và ghi thời hạn hai tháng, cùng với tên của tôi. Thấy các bàn đã kín chỗ, tôi liền ngồi ngay trên bục giảng với một vài SV cùng cảnh ngộ. Lúc này tôi mới có điều kiện quan sát cả căn phòng.

Nói không ngoa, ở đây có đến năm SV trên 1m². Có người ngồi nửa người trên ghế, nửa kia thì... chơi vơi. SV đến học đông nhất là thời điểm đầu năm học. Nhiều người không có chỗ ngồi phải tràn ra cả hành lang.

Thầy Thái Bá Tân (sinh năm 1949), học tại Liên Xô (cũ) từ năm 1967-1974, chuyên ngành tiếng Anh. Thầy còn là dịch giả, nhà văn (đặc biệt trong lĩnh vực truyện ngắn), nhà thơ.

Vui vẻ, hiệu quả

Thành phần người theo học rất đa dạng. Học sinh THPT, SV các trường đại học, những người đã ra trường và đi làm đều tìm đến đây như một địa chỉ tin cậy. Và không chỉ SV trường Bách khoa và những trường lân cận như Xây dựng, Kinh tế... mà SV của nhiều trường xa như Ngoại thương, Ngoại ngữ, Nhân văn... cũng vượt dặm trường đến đây.

Đ.M.T., sinh viên K47 báo chí ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), đang rất cần nâng cao trình độ tiếng Anh cho công việc làm báo sau này. Vào các ngày lẻ trong tuần cậu đều cặm cụi đạp xe, vượt qua ngã tư (khổ) Sở và đường Trường Chinh luôn sẵn sàng tắc để đến học. Cậu bảo có hôm ngại đi lắm, nhưng nghĩ tiếc giờ thầy dạy quá lại lóp ngóp đạp xe đi học.

Không giống những trung tâm khác, giáo trình của thầy là những bài báo được thầy chọn lựa trên Internet cho phù hợp với trình độ những người theo học. Khi thì bài về cúm gia cầm, khi thì một vụ bê bối tài chính để dịch xuôi sang tiếng Việt. Khi thì một tin ngắn để dịch sang tiếng Anh. Thầy khuyến cáo nên dịch đẹp sang tiếng Việt bằng cách viết chứ không chỉ dịch bằng mắt. Nhiều khi nhìn thì dễ nhưng bắt tay vào viết mới toát mồ hôi hột. Nhiều người biết hết từ mới, nhưng để dịch đẹp sang tiếng Việt không phải điều đơn giản.

Mỗi buổi thầy photo hàng 300-400 tờ mà cứ hết veo. Thầy còn rất nhiệt tình trong việc gửi cho SV qua email những tài liệu học tiếng Anh rất quí giá như những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới bằng tiếng Anh, hay cách viết một CV (curriculum vitae - bản lý lịch để xin việc) thế nào cho đúng cách và ấn tượng.

“Here is the list of 50 must - read books for you to improve general knowledge as well as to purify and elevate your soul”. (Tạm dịch: “Đây là danh sách 50 cuốn sách cần phải đọc để trau dồi kiến thức nền tảng cũng như thanh lọc và bồi dưỡng tâm hồn các em”). Đó là những lời khuyên của thầy về 50 cuốn sách cần phải đọc để trở thành người - được thầy gửi qua email, kèm theo đó là bản danh sách.

Không chỉ học kỹ năng dịch, SV còn có thể luyện nói vì đầu mỗi buổi thầy đều ôn lại với ngôn ngữ nói về các vấn đề chính trị, kinh tế. Ngoài ra, SV còn thu hoạch rất nhiều kiến thức xã hội thông qua những phút nói chuyện “trữ tình ngoại đề”. Kiến thức thầy rất rộng, hơn nữa lại được truyền tải bằng những lối nói hết sức hóm hỉnh nên học sinh rất... khoái. Tự dưng thấy lạc quan hơn, yêu cuộc sống hơn.

“Các em cơm ăn ngày ba bữa, quần áo... mặc cả ngày nên không được buồn chán một cái gì cả. Làm sao mỗi buổi đến lớp thầy Tân là một ngày vui” - thầy vẫn nói vui như thế khi có một gương mặt buồn tiến vào lớp.

Cậu bạn đi cùng tôi nói: “Từ ngày thầy khuyên về tác dụng của những cuốn sách, tôi ham đọc hẳn lên”. Nhân cách, đó là điều mà thầy khuyên SV luôn phải giữ gìn.

Thầy đảm bảo sau khi học tiếng Anh nơi đây một thời gian sẽ nói “non-stop” (không ngừng nghỉ) luôn. Dĩ nhiên là phải theo đúng cách thầy bảo, nghĩa là phải chuẩn bị bài ở nhà, tra từ mới và ôn lại những bài đã học.

ĐOÀN TẤT THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên