Theo GS - TSKH Đỗ Trần Cát - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, thì: Nếu so với tiêu chuẩn quốc tế, 80% GS Việt Nam không xứng đáng với chức danh của mình.
* Thưa giáo sư, các tiêu chuẩn xét công nhận GS - PGS hiện nay cơ bản khác trước kia như thế nào?
- Trước khi có Nghị định 20, GS - PGS ở ta được coi là học hàm, không kèm theo bất cứ một nhiệm vụ và quyền lợi nào. Còn từ Nghị định 20, GS - PGS được coi như một loại chức danh của viên chức nhà nước, nghĩa là kèm theo nhiệm vụ, quyền lợi, được hưởng lương. Tuy nhiên, sự khác biệt này mới chỉ thể hiện trên nghị định, còn trên thực tế, vẫn còn đang phải thảo luận thêm các bước thực hiện.
* Còn các quy định chi tiết, thưa ông?
- Chặt chẽ và cao hơn. Ví dụ, một trong những tiêu chuẩn xét phong GS hiện nay là đã hướng dẫn một TS, 2 nghiên cứu sinh (NCS), (trước đây chỉ cần 1 NCS), với PGS là hướng dẫn 1 thạc sĩ (trước đây chỉ cần là NCS). Về điểm công trình khoa học (KH) quy đổi, đã có điểm định lượng chất lượng cho các đầu sách (trước kia chỉ cần có sách), v.v...
Quy trình xét duyệt cũng cụ thể hơn, các văn bản quy định, hướng dẫn cũng cụ thể, khoa học hơn, không tuỳ tiện như trước. Công tác đào tạo của các GS - PGS cũng được chú trọng hơn trước (yêu cầu phải là người đang giảng dạy 3 năm cuối - trước đây không có yêu cầu này). Do vậy, tỉ lệ giảng viên ĐH trong số GS được xét phong tăng đáng kể - trước đây chỉ chiếm khoảng 40%, giờ khoảng 60 - 70%.
GS Hoàng Tuỵ đã từng phát biểu, 30% GS VN không xứng đáng với chức danh của mình. Tôi cũng đã trao đổi với anh Hoàng Tuỵ về quan điểm này. Phát biểu của anh Tuỵ là dựa trên tiêu chí nào để so sánh? Nếu so với chất lượng GS ở các nước phát triển, đúng là phần lớn GS VN không xứng đáng là GS thật, tôi phải nói con số đó không phải là 30% mà là 80%. Nhưng so với tiêu chí trong nước, hầu hết các GS đều đạt tiêu chuẩn. Để đánh giá, ta vừa phải so sánh với quốc tế, vừa phải so sánh với thực tế trong nước.
* Như vậy tiêu chí xét phong GS ở ta là quá thấp so với mặt bằng quốc tế. Là Tổng thư ký của Hội đồng Chức danh GS, sao ông không có kiến nghị nâng tiêu chí này lên?
- Năm nào chúng tôi cũng cố gắng nâng cao dần tiêu chuẩn, cho dù thường vấp phải sự phản đối. 3 năm vừa rồi, chúng tôi vừa nâng cao lên một chút - yêu cầu phải có bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu vậy khéo không tìm đâu ra GS nữa. Cùng là bài báo của GS, nhưng của "nội" với của "ngoại" chất lượng khác nhau nhiều lắm. Chất xám, tính mới mẻ, hiệu quả thực tế ở các công trình nghiên cứu khoa học ở ta rất hiếm.
Quan điểm của tôi là: chúng ta không thể không hội nhập quốc tế, cần phải "quốc tế hoá" chất lượng GS VN, nhưng phải làm dần dần để không thất bại, phải tính đến điều kiện thực tế của VN trong khi thực hiện. Cơ chế quản lý như thế này, điều kiện kinh tế - xã hội như thế này làm sao làm tốt được. GS chỉ là một phần vấn đề của ngành giáo dục, mà muốn thay đổi cần phải thay đổi đồng bộ tất cả, chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục.
* Ông có thể khẳng định là ở VN không có chuyện "chạy" GS?
- Nếu khẳng định là có, tôi không có bằng chứng. Nhưng tôi cũng không dám khẳng định là không. Trong bối cảnh hiện nay, tiêu cực không tránh một ngành nào cả.
Trong trường hợp phát hiện ra những trường hợp đã phong GS nhưng không đủ tiêu chuẩn, hoặc không còn tiếp tục đáp ứng được tiêu chuẩn, ông có sẵn sàng tước học hàm của họ không? Hay đó là những chức danh suốt đời?
- Nhưng đó là tiêu chuẩn nào? Tôi chỉ được phép tước học hàm khi phát hiện họ không đạt tiêu chuẩn của thời gian được cấp, chứ không phải tiêu chuẩn sau đó. Vì tiêu chuẩn thay đổi hàng năm, nên GS được phong năm trước có thể không đạt tiêu chuẩn của năm sau.
Nếu bây giờ cứ chiểu theo tiêu chuẩn năm 2001, thì học hàm của những đợt GS được phong trước đó, có lẽ tước gần hết. Theo Nghị định 20, GS không phải là chức danh suốt đời, nhưng những quy định về bãi miễn lại rất hạn chế (ví dụ bị án tù trên mức án treo) nên có thể nói trên thực tế là suốt đời. Nhưng có lẽ sang năm chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi những quy định bãi miễn để tăng trách nhiệm của các GS.
* Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận