Kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN” năm 2014 do Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cho thấy chỉ có 19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế.
Khảo sát được thực hiện trên 2.300 doanh nghiệp thuộc khu vực dân doanh, FDI... và hơn 4.000 cá nhân (gồm cán bộ các cơ quan nhà nước trung ương, cơ quan Quốc hội, cơ quan Đảng ở trung ương và địa phương, cán bộ nghỉ hưu, nhà báo, người nghỉ hưu, người thất nghiệp...). Có tổng cộng 1.643 phiếu trả lời.
Không bán được lúa, nông dân chất lúa đầy trên bờ kênh suốt nhiều ngày liền chờ thương lái đến mua - Ảnh: Vân Trường |
Đáng báo động
Anh Trần Toàn (Q.9, TP.HCM) cho rằng: “Cứ thấy đưa ra nhiều chính sách, nhiều cải cách nhưng tất cả chỉ trên giấy tờ. Thực tế áp dụng không hiệu quả nên người dân dần mất lòng tin”.
“Khủng hoảng kinh tế đã qua lâu rồi nhưng kinh tế đất nước cứ phát triển với tốc độ rất chậm. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao. Người làm công chức chưa có mức lương đủ sống” - chị Hoàng Kim (Cần Thơ) nhận định.
Trong khi đó, bạn Nhựt Trần cho rằng kết quả khảo sát có thể chưa phản ánh đúng thực tế, con số 19% là còn cao. Đồng quan điểm, bạn Bình Minh cũng nhận xét chỉ hơn 1.600 phiếu trả lời thì không thể khái quát được vấn đề.
Theo nhiều chuyên gia, đây là một con số đáng báo động vì tỉ lệ hài lòng của người dân đang ở mức rất thấp.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng kết quả đã đánh giá đúng phần nào thực trạng kinh tế hiện nay của nước ta.
Ông Du cho biết dấu hiệu kinh tế khởi sắc chỉ mới diễn ra trong sáu tháng đầu năm 2015, trong khi đó kinh tế khó khăn kéo dài nhiều năm qua đã dẫn đến những hậu quả mà hiện tại chúng ta đang gánh chịu và phải giải quyết.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - nhận định tình hình kinh tế VN hiện nay đang tụt hậu so với chính mình và so với các nước trên thế giới, nên việc người dân không hài lòng với nền kinh tế là có cơ sở.
Theo ông Long, hiện nay nước ta đang hội nhập và tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Chúng ta đang yêu cầu quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường, nhưng thực tế quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường của ta vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là ở những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ.
Ông Huỳnh Thế Du cho rằng 19% là con số đáng báo động. Những biểu hiện cho thấy kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc thời gian gầy đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế của Chính phủ. Điều quan trọng là cần có những cuộc cải cách thật sự, một sự đổi mới có tính bức phá để mang lại những điều tích cực cho nền kinh tế thị trường.
Những chiếc siêu xe BMW, Bentley, Roll-Royces trị giá cả chục tỉ đồng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng những người buôn thúng, bán bưng còn nhiều hơn - Ảnh: Thuận Thắng |
Con số thực tế còn cao hơn
“Nếu đối tượng được khảo sát hiểu biết đầy đủ và toàn diện hơn về nền kinh tế thị trường thì có khi con số này còn cao hơn nữa” - ông Du cho hay.
Đi vào phân tích, ông Du cho biết nguồn lao động có kỹ năng được đo bằng những người có bằng cấp đại học, cao đẳng nhưng lại có tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ nộp vào các hệ cao học ngày càng giảm mạnh cũng là một điều rất đáng lo ngại.
“Một nền kinh tế không tạo ra được việc làm cho nguồn lao động có kỹ năng là một nền kinh tế đang gặp vấn đề trục trặc rất lớn” - ông Huỳnh Thế Du khẳng định.
Tỉ lệ hài lòng của người dân với tình hình kinh tế rất thấp sẽ kéo theo những hậu quả khác như lực cầu tiêu dùng giảm do người dân trở nên e dè hơn trong chi tiêu, sự bi quan làm năng suất làm việc và hiệu quả lao động theo đó cũng suy giảm.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng đây là thời điểm cực kỳ quan trọng để tạo ra sự đổi mới giúp nền kinh tế phát triển. Nhiều người vẫn gọi thời điểm này là “Đổi mới 2.0”, nghĩa là chuyển từ mô hình phát triển tận dụng vốn và máy móc của nước ngoài để sản xuất hàng hóa giá rẻ sang nền kinh tế có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, làm ra sản phẩm tốt hơn với công nhân trình độ cao, được trả lương tốt và tỉ lệ nội địa hóa cao.
Ông Du cũng lưu ý việc tự do hóa thị trường cũng dẫn đến những hệ quả như thu nhập chênh lệch, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng, lợi ích nhóm…Thực tế kết quả khảo sát này cũng cho thấy có 47% người trả lời bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở VN.
Theo ông Ngô Trí Long, trước thực trạng người dân đang mất niềm tin vào sự lạc quan của nền kinh tế, Chính phủ phải liên tục cải cách và đổi mới để nền kinh tế thật sự chuyển đổi theo cơ chế thị trường.
Ông Long nhấn mạnh sự đổi mới đầu tiên và tiên quyết phải là đổi mới thể chế chính sách sau đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> TS Huỳnh Thế Du
>> PGS.TS Ngô Trí Long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận