14/05/2015 06:00 GMT+7

​Ớn với cần cẩu: Mối nguy lơ lửng trên đầu

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY - BẢO BÌNH
ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY - BẢO BÌNH

TTO - Bạn có bao giờ thấy "ớn lạnh" khi đi ngang những công trình xây dựng có cần cẩu lơ lửng trên không? Những vụ tai nạn liên tiếp với “thủ phạm” là cần cầu càng làm nhiều người ái ngại.

Vụ tai nạn do cần cẩu công trình gây ra tại Đồng Tháp gây bức xúc với nhiều người - Ảnh: Ngọc Tài

Câu hỏi về quy chuẩn an toàn lao động dành cho một thiết bị có thể gây nguy hiểm như cần cẩu ra sao, làm thế nào để giảm thiểu những tai nạn “từ trên trời rơi xuống” một lần nữa được đặt ra.

Đừng gởi những lời xin lỗi muộn màng

Chị Phương Trang (TP.HCM) bày tỏ: “Ra đường đã phải đề phòng tai nạn giao thông, phòng cướp giật, nay còn phải ngửa mặt lên trời trông cần cẩu thì khổ cho người đi đường quá".

>> Chị Phương Trang 

Có cùng nỗi bất an này, chị Hồng Phương (Cần Thơ) chia sẻ: “Khi đi qua những công trình đang thi công tôi ít thấy những biển báo chỉ dẫn hay có nhân viên phụ trách hướng dẫn, phân luồng giao thông để người dân được lưu thông an toàn. Nhất là với những công trình mà cần cẩu sử dụng ngay lòng đường hoặc sát mép đường khiến cho tôi cảm thấy rất lo lắng vì không biết khi nào nó rớt trúng mình”, chị Hồng Phương cho biết thêm. Chị nói:

>> Chị Hồng Phương 

“Có khi tôi nhìn thấy những tấm biển cảnh báo được “giấu” trong lùm cây, thật quá sơ sài”, chị Trang cho biết.

>> Chị Phương Trang 

Hiện trường vụ sập cần cẩu công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chiều 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng

Chị Phương cũng cho rằng những người có thẩm quyền và đơn vị thi công phải kiểm tra chặt chẽ công trình, thiết bị, máy móc trước khi đưa vào hoạt động.

“Phải có trách nhiệm và lương tâm, xem trọng tính mạng con người, đừng để những tai nạn đáng tiếc xảy ra rồi mới gửi những lời xin lỗi muộn màng”, chị Phương nói.

>> Chị Hồng Phương 

Không cẩn trọng, nhiều nguy cơ

Trao đổi với TTO, TS. Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý rủi ro và khoa học an toàn cho biết cần trục tháp là một thiết bị khổng lồ, điều đó kéo theo việc những tai nạn lao động mà nó gây ra sẽ có những thiệt hại không nhỏ về người và của.

Theo TS.Lê Anh Tuấn, những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra là: Rơi tải trọng, sập cần, đổ cẩu, tai nạn về điện, chèn ép giữa phần quay của cần trục…

Clip do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện về vụ sập cần cẩu công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chiều 12-5

Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng công tác an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu. Nhiều đơn vị thi công vì sợ tốn kém và muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện nên không đầu tư khâu này đúng mức, thậm chí coi nhẹ an toàn lao động, thực hiện theo kiểu đối phó.

Tai nạn nếu có, không chỉ xảy ra với người dân mà còn cả những công nhân đang thi công trong công trình và thậm chí cả người đang điều khiển thiết bị.

Cần cẩu không hoạt động vẫn gây ra tai nạn

Về quy định kiểm định, TS. Lê Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm quản lý rủi ro và khoa học an toàn) cho biết khi kiểm định các thiết bị nâng, cơ quan kiểm định phải tiến hành các công việc sau: thứ nhất là kiểm tra bên ngoài (vị trí lắp đặt thiết bị, hàng rào bảo vệ, mặt bằng, xem xét cơ cấu, bộ phận của thiết bị…), thứ hai là kiểm tra kỹ thuật - thử không tải và thứ ba là các chế độ thử tải (thử tải tĩnh và thử tải động).

Về chu kỳ kiểm định, thiết bị nâng thiết kế, chế tạo và kiểm tra kỹ thuật và căn cứ kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn nhưng không được dài hơn 3 năm đối với việc kiểm định định kỳ. Khi rút ngắn chu kỳ kiểm định, phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định. Theo TS. Anh Tuấn, một vấn đề quan trọng khác là phải kiểm tra hằng ngày.

Cần cẩu đổ sập ba mẹ con chết thảm - Ảnh: Ngọc Tài

“Hàng ngày, trước thời điểm triển khai thi công sử dụng cần trục, người có trách nhiệm như công nhân, tài xế lái cẩu phải kiểm tra các thiết bị, vị trí, liên kết cần trục; dây cáp có bị đứt, thu hẹp tiết diện hay sét rỉ hay không? Cẩn trọng từng chút một thì mới mong tai nạn không xảy ra”, một chuyên gia về xây dựng nói.

“Sau khi kết thúc quá trình thi công, công nhân không đặt vị trí cần trục đúng quy định, không neo giữ, cố định, quay tay cần đúng vị trí, sự liên kết giữa cần trục và các kết cấu cứng bị lõng, theo thời gian hoặc gặp các điều kiện khách quan như gió lớn thì cần cẩu sẽ đổ sập xuống”, chuyên gia này cho biết.

Một giảng viên ngành xây dựng khẳng định yếu tố con người là quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tai nạn lao động cho công nhân và những người dân sống xung quanh khu vực công trình. “Họ phải được đào tạo chuyên môn, có trách nhiệm với công việc. Người đuợc phân công điều khiển phải chấp hành đúng nội quy, kiểm tra thiết bị trước khi sử dụng, phải neo, giữ cần trục đúng cách; báo cáo nếu thiết bị quá tải hoặc bị hư hỏng”, giảng viên này cho biết.

Các quy định đảm bảo an toàn cần cẩu trên thế giới

Tại các quốc gia phương Tây, chính phủ luôn đề ra các quy định quản lý nghiêm ngặt để đảm bảo sự an toàn của cần cẩu tại các công trình xây dựng. Bởi bất cứ một sai sót nào, dù nhỏ, cũng có thể dẫn đến tai nạn chết người. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trung bình mỗi năm ở nước này có 100 người thiệt mạng vì tai nạn cần cẩu và cần trục, bao gồm 20 công nhân.

Năm ngoái, một chiếc cần cẩu rơi từ độ cao 45  xuống mặt đất ở Massachsetts khiến hai công nhân thiệt mạng. Điều tra cho thấy công ty xây dựng không lắp cần cẩu theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và không huấn luyện kỹ thuật viên điều khiển cần cẩu một cách an toàn. Cơ quan An toàn và y tế việc làm Mỹ (OSHA) đã phạt công ty này 168.000 USD (chưa tính tiền bồi thường). Ở các nước châu Âu như Anh, số vụ tai nạn cần cẩu ít hơn nhiều, nhưng cũng có 61 vụ trong vòng 12 năm qua, khiến 9 người thiệt mạng.

Từ năm 2010, OSHA đã áp dụng bộ quy tắc 12 điểm mới để quản lý hoạt động sử dụng cần cẩu trong các công trình xây dựng nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn như chập điện, cần cẩu sụp và rơi xuống đất.. Theo đó, chỉ các kỹ thuật viên được đào tào và có bằng cấp mới được điều khiển cẩn cầu. Công ty xây dựng phải chỉ định một giám sát viên kiểm tra toàn bộ chiếc cần cẩu trước khi sử dụng.

Người giám sát phải đảm bảo rằng cần cẩu được đặt trên bề mặt vững chãi, cân bằng. Trong quá trình lắp đặt hoặc tháo dỡ cần cẩu, công nhân không được phép tháo các chốt an toàn cho đến khi mọi bộ phận của cần cẩu được lắp chắc chắn hoặc được tháo ra an toàn. Kỹ thuật viên phải đảm bảo tay với của cần cẩu cách xa đường dây điện ít nhất 3 m.

Kỹ thuật viên chỉ được phép dùng cần cẩu nâng trọng lượng đúng quy định và trước khi nâng vật liệu xây dựng phải kiểm tra hệ thống phanh của cần cẩu. OSHA cũng yêu cầu các nhà thầu xây dựng phải tính đến sức gió khi điều khiển cần cẩu. Đây là một trong những vấn đề an toàn quan trọng nhất đối với việc điều khiển cần cẩu. Theo một nghiên cứu của OSHA, gió là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn cần cẩu tại Mỹ.

Đã từ lâu, bang California của Mỹ áp dụng quy định kiểm tra và bảo dưỡng cần cẩu một năm hai lần. Kể từ sau vụ tai nạn năm 1989 làm 5 người thiệt mạng ở San Francisco, chính quyền bang California cũng buộc công ty xây dựng phải trình bản vẽ vị trí cần cẩu hoạt động trước khi được cấp giấy phép. Kể từ đó, ở California hiếm khi xảy ra vụ tai nạn cần cẩu chết người nào. Bang Nevada ra quy định yêu cầu bên thứ ba kiểm tra chất lượng cần cẩu của các nhà thầu xây dựng.

SƠN HÀ

 

 

 

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY - BẢO BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên