Phác thảo hình ảnh tháp truyền hình Việt Nam cao 636m - Ảnh: VTV |
Nên có sự tương xứng giữa mặt bằng kinh tế và biểu tượng "cao nhất thế giới" - đó là ý kiến của tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa báo chí và truyền thông ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, về dự án xây dựng tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới.
Lãng phí vốn xây dựng và chi phí vận hành
TS Huỳnh Văn Thông chỉ ra bốn điểm cần cân nhắc khi xây dựng tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới trong bài viết gửi cho TTO.
TS Huỳnh Văn Thông viết:
Thứ nhất, về giá trị thực tế của tháp truyền hình so với nhu cầu của chính ngành truyền hình. Sự phát triển của công nghệ truyền hình cũng như quy hoạch hệ thống truyền hình của riêng Việt Nam đều cho thấy công nghệ truyền dẫn truyền hình sẽ có nhiều thay đổi, và tháp truyền hình có thể chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chứ không mấy liên quan đến giá trị thực tế của nó về phương diện kỹ thuật.
Thứ hai, về giá trị biểu tượng của tháp truyền hình. Liệu thông điệp về sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của Việt Nam gửi kèm “tháp truyền hình cao nhất thế giới” có tương khớp với nhau không, hay là “vênh”, thậm chí là rất “vênh”?
Nên nhớ, không nên tư duy đơn giản rằng cứ “cắm” tháp truyền hình cao nhất ở đâu thì ở đó sẽ trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực. Phải nhìn thấy sự tương xứng giữa mặt bằng phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của quốc gia đó với giá trị biểu tượng “cao nhất thế giới”.
Thứ ba, về nguồn vốn đầu tư xây dựng và chi phí vận hành tháp truyền hình. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước (trong đó chủ yếu là tiền thuế dân đóng góp) đang ở cảnh bội chi, nợ công là một gánh nặng, việc sử dụng vốn ngân sách cho dự án này đương nhiên là điều không nên, không được nghĩ đến.
Dự án cần phải cam kết rõ ràng về việc không sử dụng vốn ngân sách. Thêm nữa, các phương án vận hành sau khi xây dựng nếu dẫn đến kịch bản lỗ thì cũng không được có bất cứ một kịch bản sử dụng ngân sách để bù lỗ.
Thứ tư, nhìn từ góc độ du lịch, liệu một cảnh quan về kinh tế du lịch như hiện nay của Việt Nam đã thật sự khai thác được tác động kích thích của tháp truyền hình cao nhất thế giới chưa, khi hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều bất cập?
Trong một tầm nhìn hợp lý, không phải là chúng ta không nên nghĩ đến những biểu tượng phát triển, như Malaysia đã từng theo đuổi khi xây dựng Petronas.
Ước mơ tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới quả là rất hấp dẫn, nhưng đừng để ước mơ đi kèm với quá nhiều nỗi lo toan và rủi ro với đất nước.
Để ước mơ không chỉ là cái vỏ hão huyền của tham vọng duy ý chí, thiết nghĩ cần tham chiếu đầy đủ những điều liên quan để cân nhắc.
Và sự cân nhắc đôi khi không đơn giản chỉ là một thao tác nhỏ trong trình tự tư duy, mà trong trường hợp của một dự án cấp quốc gia tốn nhiều tiền như ý tưởng dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới phải là sự cân nhắc của cả lương tâm và trách nhiệm trước đất nước.
Truyền hình hiện đại cần gì?
Ngay khi thông tin về việc Đài truyền hình VN (VTV) dự định xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m) được đăng tải, hàng triệu bạn đọc đã bày tỏ sự băn khoăn về nguồn vốn, hiệu quả sử dụng và quan trọng nhất là tính cần thiết của dự án này. |
Theo quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16-2-2009 của Thủ tướng về quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình thì chỉ tiêu phát triển đến năm 2020 là “từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất phù hợp với điều kiện thực tế về thiết bị thu truyền hình số của người dân trên từng địa bàn cụ thể.
Về cơ bản sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình quảng bá bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau”.
Tháp truyền hình Tokyo Skytree cao nhất thế giới hiện nay (634m). Dự án tháp truyền hình VN sẽ cao hơn 2m! - Ảnh: Tokyoskytree |
Nhiều bạn đọc cho rằng khi không phát analog thì cao nhất chẳng có ý nghĩa gì.
Bạn đọc Châu Trịnh nói: Sự thật là công nghệ truyền hình ngày nay đâu cần tháp cao!
Về mặt kỹ thuật, anh Phương Nguyễn (công tác trong lĩnh vực truyền hình) cho biết nếu ngày xưa, khi truyền hình còn truyền tín hiệu analog thì chiều cao của tháp đóng vai trò quan trọng, chứ ngày nay truyền hình thế giới đã và đang chuyển sang cáp, tín hiệu vệ tinh thì chiều cao của tháp là vô nghĩa.
“Như vậy, với lộ trình đến năm 2020 truyền hình Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn việc phát analog thì tháp truyền hình VN cao nhất thế giới mang ý nghĩa biểu tượng là chính. Truyền hình hiện đại không cần tháp cao! ” - một bạn đọc bức xúc.
Ông Trần Đăng Tuấn - nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - khẳng định trong kỷ nguyên số, việc có hay không có tháp cao không quá quan trọng đối với truyền dẫn tín hiệu.
Tháp Quảng Châu, Trung Quốc cao 600m, khánh thành năm 2010 - Ảnh: xcitefun.net |
Không nên làm dự án này
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN - VAFI, cho biết dưới góc độ nhà đầu tư, ông sẽ không đầu tư vào những dự án như tháp truyền hình.
>> Ông Nguyễn Hoàng Hải
Ông Hải đặt câu hỏi: với số tiền định dành để thực hiện dự án này, nếu dành tiền ấy xây bệnh viện, trường học, đường sá, cầu cống, tàu điện ngầm… thì có phải tốt không? Bao nhiêu người còn nghèo khó, tại sao lại phung phí tiền vào đấy?
>> Ông Nguyễn Hoàng Hải
Cùng đồng tình với ý kiến này, ông Trần Văn Long, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng nếu việc người ta cho rằng xây tháp truyền hình cao nhất châu Á để quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du khách thì không thật sự thuyết phục. Ông Long nói:
>> Ông Trần Văn Long
Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm thay vì xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, VTV nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình để phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn.
Thu hút du khách, quảng bá đất nước là ảo tưởng Đó là ý kiến của một chuyên gia nguyên là cán bộ lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Vị này cho biết để thu hút du khách cần rất nhiều vấn đề chứ không phải chỉ có mỗi cái tháp. Nhìn vào tháp Eiffel của Pháp, không phải tự dưng họ lại làm mà phải có lịch sử, có sự kiện thì họ mới xây dựng nên. Nhưng điều quan trọng nhất, để xây dựng được những dự án lớn mang tầm cỡ khu vực và thế giới thì người ta phải có một hạ tầng xã hội hoàn thiện như mặt bằng cảnh quan… Những cơ sở hạ tầng được quy hoạch từ vài chục đến hàng trăm năm. Mặt khác, để thu hút du khách còn phải có chất lượng dịch vụ, thái độ đón tiếp của nước chủ nhà ngay từ sân bay, cửa khẩu… Còn mình thì bây giờ lấy ở đâu ra khi đường phố thì chật chội, tắc nghẽn. Ngay cả việc làm visa tại cửa khẩu còn chưa làm được thì xây tháp truyền hình cao nhất châu Á để thu hút du khách, quảng bá đất nước theo tôi là ảo tưởng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận