28/03/2015 06:00 GMT+7

4 lần cô giáo xin lỗi vẫn không chịu: gia đình có quá khó?

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Đó là câu hỏi mà đông đảo bạn đọc đặt ra sau câu chuyện bốn lần đi xin lỗi của cô giáo T.B (TP. Cần Thơ) sau khi tát tai học trò đánh bạn, mà gia đình vẫn không chấp nhận.

Ảnh minh họa. Ảnh: Xuân Bình

Chuyện xảy ra ở một trường đạt chuẩn quốc gia thuộc quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ).  N.H.Đ. là học sinh lớp 3 có hoàn cảnh đặc biệt, cha bỏ từ nhỏ, mẹ đi làm xa, phải ở cùng người dì. Theo gia đình và hàng xóm thì Đ. rất nghịch ngợm.

Ở trường, nhiều lần cô giáo đã phạt em vì chọc ghẹo bạn, xé tập, thậm chí ôm hôn bạn nữ trong lớp. Lần gần nhất, trong giờ ra chơi, Đ. đã đánh bạn cùng lớp, cô giáo và bạn bè can ngăn không được nên trong phút nóng giận, cô đã tát em hai cái làm miệng Đ. sưng lên.

Sai nhưng đáng bỏ qua

Chia sẻ với TTO, nhiều bạn đọc cảm thông cho việc làm của cô giáo đồng thời ủng hộ tinh thần cầu thị của cô khi bốn lần đến xin lỗi gia đình cùng nhà trường, hiệu trưởng, đại diện hội phụ nữ.

Bạn đọc Trần Hoàng nhận xét: “Tôi đồng tình với hành động của cô giáo. Nếu cô giáo không làm vậy thì học sinh này sẽ phát triển ra sao?”

Bạn đọc Nguyễn Thanh Nguyên góp ý: “Đồng ý là cô giáo sai nhưng đã hối lỗi sau lần sai lầm ấy, hơn nữa tình hình của bé cũng chưa nghiêm trọng lắm, mong gia đình bao dung cho cô giáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình và nhà trường cũng nên điều cô qua bộ phận khác trong khoản thời gian khó khăn này”.

Một bạn đọc giấu tên bình luận: “Chẳng ai muốn đánh học sinh nhưng trong trường hợp này cô giáo đánh là muốn em nên người chứ không phải vì thù hằn mà đánh. Chúng ta phải xem xét động cơ của cô giáo”.

Chị Hải Duyên (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Ai cũng một lần mắc sai lầm. Cô giáo và nhà trường đã chân thành nhận lỗi nhưng không hiểu sao gia đình vẫn cứ từ chối, thậm chí là xua đuổi?”.

Chị Duyên cho hay, phản ứng của gia đình em bé có phần tiêu cực vì có lẽ họ đã có ác cảm về nghề giáo viên khi nghe thấy những vụ việc bạo hành trước đó.

>> Chị Hải Duyên

Theo chị Trúc Hiền (đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM) thì việc giáo dục con cái là rất quan trọng. Gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của các em. Thương con không phải là bao che cho con mà là biết bảo vệ con đúng cách.

Chị Hiền cho biết: “Các cháu của tôi vẫn chịu đòn roi ở một mức độ chừng mực để răn đe. Thương con không phải là cứ bao che cho con, thấy người khác đánh con thì làm lớn chuyện”.

Cái sai cô giáo là đã lỡ mạnh tay với em bé nhưng một phần lỗi cũng thuộc về em. “Việc cô làm là sai thật nhưng đáng được bỏ qua” - chị Hiền cảm thông.

>> Chị Trúc Hiền

Chị Hải Duyên bức xúc: “Giáo dục các em không chỉ ở nhà trường mà phải giáo dục ở nhà. Cả hai phải kết hợp để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Gia đình em bé này phải xem xét lại cách giáo dục con cái của mình chứ không phải lúc nào cũng trách người khác”.

>> Chị Hải Duyên

Ảnh minh họa. Ảnh: Hà Đồng

Phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí giáo viên

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) - cho rằng: “Xét về lý thì dù bất cứ lý do gì mà giáo viên đánh học trò cũng đều không phù hợp nhưng thực tế không phải lúc nào người giáo viên cũng có thể kiềm chế trước mọi tình huống”.

Cô Cúc chia sẻ trường hợp của cô giáo T.B càng dễ cảm thông hơn khi hoàn cảnh gia đình của riêng cô cũng rất đặc biệt (con cô bị bại não), sau vụ việc cô đã nhận ra cái sai và chủ động đến xin lỗi gia đình học sinh.

“Phải làm rõ cô T.B đánh em là bộc phát hay thường xuyên?” - cô Cúc nhấn mạnh - “Tự bản thân cô giáo T.B chắc cũng đã rút ra cho mình một bài học đắt giá trong việc bình tĩnh hơn khi xử lý các vấn đề”.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Đồng ý với cô Thu Cúc, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết (khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM) nhận định: “Qua bốn lần xin lỗi cho thấy cô T.B đã hối lỗi, cô rất có tâm với nghề giáo và có trách nhiệm với học sinh. Có vẻ gia đình cháu bé vẫn nhìn nhận sự việc một chiều”.

Theo tiến sĩ Tuyết, nếu hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần thì việc trừng phạt cô giáo là phù hợp. Tuy nhiên, trường hợp này cô đã nhận lỗi và xin lỗi chân thành.

>> TS. Hoàng Thị Tuyết

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết: “Khi quan tâm ai đó thì chúng ta mới tức giận trước lỗi lầm của họ. Việc dùng “đòn roi” có chừng mực cũng mang lại hiệu quả để ngăn trẻ thực hiện những hành vi xấu. Phải làm sao để học sinh nhận ra lỗi của mình và sẵn sàng đón nhận hình thức phạt đó”.

>> ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An

Theo cô Trương Kim Nguyệt Linh - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn (THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp) thì nhà trường, thầy cô và các bậc phụ huynh luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với các em học sinh.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc các em bị ảnh hưởng bởi những hành vi mà các em thường chứng kiến ở môi trường sống thường ngày như lời ăn tiếng nói thô tục, xu hướng bạo lực…

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Vì vậy, theo chia sẻ của cô Thu Cúc thì phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của giáo viên. Phụ huynh là người hiểu con mình nhất nhưng những lúc ở nhà, cũng có khi chính phụ huynh cảm thấy bực bội, khó chịu trước những trò nghịch ngợm, quậy phá của con em mình, thì ở lớp học thầy cô giáo còn phải chịu đựng gấp hơn chục lần như thế.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Cô Thu Cúc tâm sự: “Thực sự nghề giáo rất áp lực vì trẻ em bình thường ở nhà vui chơi té ngã thì không sao nhưng khi vào trường, học sinh té ngã thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Thầy cô vẫn bình thường như ba mẹ của các em, vì vậy mong quý phụ huyng hãy cảm thông cho thầy cô như cảm thông cho chính mình”.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

Thầy Đoàn Thanh Vũ (giáo viên trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn, Đồng Nai) nhắn nhủ: “Giáo viên sẽ cảm thấy vui, hạnh phúc vì sự tiến bộ của các em, vì vậy mong phụ huynh chung tay vì sự tiến bộ của học sinh, thắt chặt sự quản lý nhà trường - gia đình - xã hội”.

>> Thầy Đoàn Thanh Vũ

Đòn roi nên là lựa chọn cuối

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử - tiến sĩ Nguyễn Nhã thì thời xưa ông bà ta quan niệm “Thương cho roi cho vọt - Ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, ngày xưa và ngày nay rất khác nhau. Nền giáo dục tiên tiến có rất nhiều biện pháp xử lý, không nhất thiết lúc nào cũng dùng roi để đánh nhằm giáo dục học sinh.

>> TS. Nguyễn Nhã

Từng là Tổ trưởng Tổ phương pháp dạy học, hơn ai hết, tiến sĩ Nguyễn Nhã hiểu rõ mỗi em học sinh có một đặc điểm tích cách riêng biệt. “Phải hiểu tâm lý các em để có những biện pháp xử lý phù hợp, có hiệu quả. Người thầy không được nổi nóng, phải biết cương nhu mềm dẻo thì học trò mới phục mình”.

Theo tiến sĩ Nhã, ở các nước có nền giáo dục hiện đại, họ thường áp dụng các biện pháp như: quát lớn, nêu tên và yêu cầu học sinh đứng lên nhắc nhở trước lớp hay úp mặt vào tường… Đó là những biện pháp nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả cao.

>> TS. Nguyễn Nhã

Thạc sĩ Đào Lê Hòa An cho biết có các phương pháp giáo dục thay thế như một cá nhân sai phạm - phạt cả tập thể, phân tích - đồng cảm - thấu hiểu, ra các quy định ngược để các em nhận thức được việc làm sai của mình.

>> ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An

Họp phụ huynh để trao đổi và lắng nghe

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc thông tin thêm: “Những lần họp phụ huynh ở trường là những lần nhà trường và gia đình thống nhất thời gian quản lý các cháu. Thầy cô sẽ dạy dỗ các em vào những giờ lên lớp, những khoảng thời gian các em có mặt ở trường nhưng phần lớn thời gian còn lại khi các em về nhà là trách nhiệm giáo dục của các bậc phụ huynh”.

Nhà trường không chỉ là nơi giáo dục các em kiến thức mà còn cho các em những kĩ năng xã hội cơ bản nhất. Công tác giáo dục cần sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, nhất là trong những tình huống bất ngờ xảy ra.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc

 

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên