03/03/2015 06:22 GMT+7

​Bán thứ người dùng cần, không bán cái mình có

VÕ HƯƠNG - DŨNG TUẤN - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - DŨNG TUẤN - TRÀ MY

TTO - Tại sao sau tết nhiều loại hàng hóa bị đổ bỏ, nhiều loại hàng ế ẩm phải bán giá rẻ? Nên chăng bán thứ người dùng cần, không bán cái mình có?

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo bên ruộng hoa cúc còn tồn đọng 800 giỏ - Ảnh: V.TR.

Sau tết, nhiều người xót xa trước hình ảnh người trồng hoa phải đổ hoa đi, mang chậu về, đối diện với khoản nợ do kinh doanh hoa mùa tết thua lỗ.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng cho biết ngày tết, họ không mua nhiều những mặt hàng như bánh kẹo, đồ ngọt, đồ đông lạnh, dưa hấu để trưng bày… như trước đây.

Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Trung

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Anh Nguyên Thuận (Q.8, TP.HCM) cho rằng nguyên nhân người tiêu dùng bớt mặn mà với những mặt hàng tết như hoa, bánh kẹo, mứt tết… là do kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, một bạn đọc khác nêu ý kiến giá cả những mặt hàng này đôi khi trên trời mà chất lượng lại không ổn định cũng là nguyên nhân làm người tiêu dùng ngại rút ví.

“Ví dụ như dưa hấu mua về chỉ chưng cho đẹp. Có trái lớn nhìn đẹp mắt nhưng mới để có mấy ngày đã bị thối bên trong không ăn được, vậy làm sao người tiêu dùng lại không thờ ơ?”, bạn đọc này đặt câu hỏi.

Nói về nguyên nhân của việc bớt mua sắm các mặt hàng bánh kẹo để trong nhà ngày tết, chị Quỳnh Trang (Đà Nẵng) cho biết rút kinh nghiệm các năm trước, bánh kẹo đều dư sau tết gây lãng phí.

Bên cạnh đó, gia đình chị cũng tự làm các loại bánh mứt hợp với khẩu vị để cả gia đình ăn và tiếp khách cho an toàn, tiết kiệm.

>> Quỳnh Trang

Có cùng suy nghĩ này, chị Thanh Thanh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) còn cho biết thêm những thông tin về các loại bánh mứt tẩm ướp các phụ gia không an toàn cũng làm người tiêu dùng như chị ngại mua.

“Hơn nữa, bây giờ mình thấy người ta ít khi dùng bánh kẹo, khách tới nhà thì mình có món gì sẽ đãi món đó chứ không nhất thiết phải là bánh kẹo như ngày xưa”, chị Thanh nói.

>> Thanh Thanh

"Tôi nghĩ nhà sản xuất phải cải tiến mặt hàng của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, sao cho vẫn giữ được những món ăn truyền thống của tết Việt và người dùng vẫn an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm" - cô Hoa chia sẻ.

>> Cô Hoa

Nói về hoa ly Đà Lạt, bạn đọc Minh Quân cho rằng “hoa lily Đà Lạt đẹp nhưng giá bán (bao gồm phí vận chuyển) lên tới hơn 200.000 đồng/bó, trong khi hoa trồng tại chỗ có giá chỉ bằng một nửa.

Bạn đọc này cho rằng sự chênh lệch giá quá cao khiến người nông dân lâm vào cảnh khó.

Theo nhiều bạn đọc, những năm gần đây người tiêu dùng không còn thích hoa cúc nhỏ, hoa vạn thọ chậu nhỏ như trước đây.

Thăm dò thị trường, bán cái người tiêu dùng cần

Một nông dân buồn rầu vì đến chiều 30 tết vẫn còn đầy hoa chưa bán hết - Ảnh: H.Hiếu

“Vấn đề là người sản xuất phải tìm hiểu thị trường và định lượng được nhu cầu của người tiêu dùng chứ không thể thích cái gì thì trồng hay bán cái nấy”, anh Hùng Linh (Q.8, TP.HCM) nói.

Bà Chi, chủ một cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng ở quận 11, TP.HCM, cho biết cơ sở của bà nhận đặt hàng với số lượng cụ thể từ đại lý rồi mới sản xuất chứ không làm đại trà vì thế hàng luôn được bán hết.

>> Bà Chi

“Năm nay kinh tế còn khó khăn, nếu sản xuất nhiều thì dễ tồn kho, dội hàng” - bà Chi nhận định.

Một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tết cho biết trong khoảng một năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam thay đổi khá nhiều.

Người tiêu dùng hiện nay thường đợi đến cận tết mới bung tiền mua sắm, thay vì mua rải rác trước cả tháng như trước đây.

Vì vậy, qua tìm hiểu, thăm dò xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp này đã lên phương án tung ra một số sản phẩm mới, độc đáo và có lợi thế riêng để thu hút người dùng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đó cũng là một trong những lý do để doanh nghiệp thắng lợi trong mùa tết vừa qua.

Đại diện doanh nghiệp này còn chia sẻ thêm trước khi sản xuất hàng hóa phục vụ mùa tết, doanh nghiệp sẽ thăm dò xu hướng tiêu dùng để sản xuất với lượng vừa đủ. Tuy nhiên để dự phòng, doanh nghiệp cũng chuẩn bị thêm nguyên liệu thô để kịp thời sản xuất và phục vụ, tránh trường hợp thiếu hàng.

Một thay đổi khác từ phía các doanh nghiệp trong mùa kinh doanh tết này là việc vận chuyển. Thay vì vận chuyển hàng hóa đi các địa phương hoặc các điểm bán sớm, doanh nghiệp chọn phương thức đưa hàng tổng lực tại thời điểm 5-10 ngày trước tết.

Bên cạnh đó, tiểu thương ở các chợ đầu mối cho biết họ cũng thay đổi phương thức bán hàng. Cụ thể, trước đây họ sẽ nhập hàng về trước một tháng và bán dần cho tết cận tết, tuy nhiên năm nay tiểu thương không nhập dự trữ mà căn cứ vào tình hình sức mua mới tăng lượng hàng lên.

Các tiểu thương này cho biết họ chấp nhận mức giá tăng cao nhưng tránh được tình trạng hàng tồn, không bán được.

Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Tân Long A (huyện Phong Điền, Cần Thơ), cho biết vụ hoa tết năm nay hợp tác xã vẫn có lãi tương đối nhờ nghe ngóng thị trường và đầu tư trồng những giống lạ.

“Năm nay tôi trồng thêm hoa chuông thấy được giá, người mua cũng thích”, ông Tâm chia sẻ.

>> Ông Nguyễn Văn Tâm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về thu mua hoa chia sẻ rằng người nông dân nên bán cái người tiêu dùng cần, chứ không phải bán cái mình trồng như bấy lâu nay.

Ông cho biết nông dân cần phải thay đổi tư duy về các sản phẩm hoa, đặc biệt là hoa tết.

“Đừng giữ các giống cũ đã trồng mà nên tìm hiểu các loại giống mới và cải thiện chất lượng sản phẩm hoa. Bên cạnh đó, một lưu ý với người nông dân là tuổi thọ của một giống hoa mới chỉ khoảng 3-5 năm, không phải 10-15 năm như trước đây nữa”, ông này cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề người nông dân có thể làm gì để tự giúp mình thoát cảnh “hoa đổ, nợ đòi” vì trồng hoa tết, chuyên gia này cho biết người trồng hoa đừng nên “đánh một canh bạc lớn” vào hoa tết mà nên tìm hiểu về thị trường, về các loại giống mới, thay đổi cách thức trồng, chăm sóc… để sản phẩm đạt chất lượng tốt, có nguồn thu mua an toàn.

VÕ HƯƠNG - DŨNG TUẤN - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên