25/01/2015 06:00 GMT+7

"Tết mà, phải vậy chứ!"

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Tết mà, phải nhậu cho say, phải quậy cho đã…! Chỉ vì những suy nghĩ ấy mà tết đang dần biến mất những hình ảnh đẹp, phong tục tập quán bị mai một...

Học sinh Trường tiểu học Tân Mai (Hà Nội) tham gia vẽ tranh trong chương trình “Vé tết đoàn viên” - Ảnh: Q.Thế

Với lý do mỗi năm chỉ có ba ngày tết, nhiều người quyết tâm phải tiệc tùng linh đình. Nhiều bạn trẻ thì thả mình vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sang. Niềm vui ngày đầu năm của nhiều gia đình bỗng chốc hóa thành bi kịch. Người bị tai nạn, kẻ đánh nhau…

Tết xưa là tết đoàn viên

Nguồn gốc của Tết Nguyên đán là tết mừng lúa mới, cúng cơm dâng lên thần đất, thần lúa và tổ tiên ông bà của dân tộc Việt - Mường.

Sau này, ngày tết cổ truyền Việt Nam có 3 ý nghĩa cơ bản.

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Tết Nguyên đán là dịp người dân cầu cúng tất cả thần linh cho họ tai qua nạn khỏi, may mắn và thành công trong năm mới. Đây còn là dịp đoàn viên, tụ họp anh chị em trong gia đình, sui gia và hàng xóm láng giềng. Ngày tết cũng là ngày nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, vì vậy có thể gọi tết là ngày vui xuân”.

>> TS. Lý Tùng Hiếu

Tết là khởi đầu mới, là sự bắt đầu cho một vận hội mới của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng trong tâm thức người Việt, tết còn dịp đoàn tụ giữa người sống và người chết.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã lưu ý: “Ngày nay, đôi khi người trẻ có mức độ nhận thức về tết khác hơn, họ muốn đi chơi xa nên tính đoàn tụ không còn như trước. Các giá trị mồng một tết cha - mồng ba tết thầy ít được quan tâm. Việc biếu quà tết, lì xì cũng biến tướng nhiều”.

>> TS. Nguyễn Nhã

Đồng ý với nhận định của tiến sĩ Nguyễn Nhã, bà Dương Thị Thùy Mai (Q.3, TP.HCM) bồi hồi: “Tết ngày xưa đơn giản lắm! Gia đình tụ họp lại, ăn ngon hơn bình thường một chút, có quần áo đẹp, nếu có tiền thì đi coi cải lương, cha mẹ lì xì cho con rồi dẫn chúng đến thăm nhà bà con dòng họ”.

>> Bà Dương Thị Thùy Mai

Chị Nguyệt Linh (Đồng Tháp) cảm nhận rõ những giá trị thiêng liêng của ngày tết. Chị Linh nói: “Những ngày giáp tết, trẻ con trong nhà sẽ được bà, mẹ dạy cho các câu chúc để khi đi thăm họ hàng, khoanh tay chúc tết mọi người thể hiện sự kính trọng”.

Những dịp cả nhà gói bánh tét, sum họp bên mâm cơm gia đình, đi chúc tết họ hàng hay ăn món bánh mứt do bà, mẹ làm đón tết là dịp giáo dục con cháu rất hiệu quả.

>> Chị Nguyệt Linh

Đừng để ngày vui thành…bi kịch

Quá chén dịp tết sẽ biến ngày vui thành bi kịch. Ảnh: T.T.D.

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu cho biết những ý nghĩa của ngày tết truyền thống bây giờ chỉ còn ở nông thôn: “Tết ở thành thị đã bị lối sống phương Tây du nhập làm biến tướng. Ý nghĩa kết nối con người với thần linh vẫn còn nhưng kết nối cộng đồng không còn nữa. Người đô thị ăn tết có vẻ linh đình nhưng thực chất họ rất cô độc”.

>> TS. Lý Tùng Hiếu

Tiến sĩ Hiếu dẫn chứng việc đốt vàng mã trong ngày rước ông bà quá nhiều gây tốn kém và ô nhiễm môi trường.

“Ngày nay chúng ta đã ăn tết linh đình hơn, tai nạn giao thông ngày tết dữ dội hơn. Các trò đen đỏ, các nhóm tội phạm chuyên nghiệp cũng lợi dụng tết mà tăng cường hoạt động” - tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Cho rằng không thể triệt tiêu hết những hoạt động này, tiến sĩ Hiếu chỉ nhắc nhở: “Tết không phải là ngày nghỉ đơn thuần để xả hơi, thỏa mãn nhu cầu bản thân. Tết là để kết nối cộng đồng, quay về với quê hương bản quán của mình”.

>> TS. Lý Tùng Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Nhã phân tích: “Tết ngày xưa chỉ uống rượu truyền thống, tuy nồng độ cồn có cao nhưng chỉ uống bằng những chén nhỏ. Ngày nay, chúng ta uống nhiều mà uống bằng ly, đi xe thì phóng nhanh vượt ẩu vì thế gặp tai nạn giao thông”.

>> TS. Nguyễn Nhã

Tết xưa là tết đoàn viên. Ảnh: Huyền Trang (Phú Thọ)

“Ngày tết bây giờ đã bị thương mại hóa” - chị Nguyệt Linh chia sẻ.

Chị Linh cho rằng nhiều người chuẩn bị về quê phải đắn đo lo chuyện lì xì. Quà và lì xì trở thành một gánh nặng. Việc lì xì ngày nay cũng bị biến tướng.

Chị Linh nói: “Người ta gọi trẻ lại rồi chia ra nhưng phát một món hàng, một vật dụng, không còn nghe thấy lời chúc tết. Người trẻ cũng ham đi chơi, đi hội hè, tiệc tùng nhưng hiếm khi đi chúc tết ông bà, thầy cô với sự trân trọng thành tâm”.

>> Chị Nguyệt Linh

Dịp tết, Bà Dương Thị Thùy Mai cảm thấy “sợ” lì xì cho trẻ con vì lì xì ít thì người khác nói này nói nọ.

Bà Mai giải thích: “Lì xì ít quá thì kì mà lì xì nhiều quá thì không đủ tiền. Bây giờ, người ta hầu như sợ lì xì, sợ đến nhà có nhiều trẻ con”.

>> Bà Dương Thị Thùy Mai

Bạn D.K (ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Dịp tết ngày nay còn được tận dụng làm dịp “lì xì” cho các sếp để mong năm mới các sếp quan tâm, nâng đỡ”.

>> Bạn D.K

Tết yêu thương

Chia sẻ về việc ăn tết thế nào cho phù hợp, chị Nguyệt Linh cho rằng mỗi năm chỉ có một dịp nên cũng cần chỉn chu, chuẩn bị tươm tất để đón tết nhưng đừng dồn hết kinh tế vào việc này. “Rộn ràng, vui vẻ nhưng cần đầm ấm và an toàn” - chị Linh nhắn nhủ.

>> Chị Nguyệt Linh

Bạn đọc Nguyễn Hữu Nhân nói : “Những ngày tết luôn duy trì việc thăm viếng cha mẹ. Con cháu được khuyến khích sum họp, tâm tình với ông bà, cha mẹ. Bữa cơm ngày tết đúng là sum họp, đoàn viên của các thành viên trong gia đình, không biến thành tiệc tùng kéo dài và quá tốn kém…”.

“Không tặc lưỡi nói “Tết mà” để buông thả trong rượu chè, cờ bạc, mua sắm, tiệc tùng... chúng ta sẽ có một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc” – bạn Hữu Nhân khẳng định

Mong rằng mỗi người, mỗi nhà hãy cùng chung tay giữ Tết cổ truyền của dân tộc ấm áp, tràn đầy tình yêu thương, hạnh phúc trong mỗi gia đình - bạn đọc Thanh Minh chia sẻ.

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên