04/01/2015 06:00 GMT+7

​“Xin lỗi, cho em ít phút bán hàng gây quỹ”

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Ngồi 5 phút ở Hồ Con Rùa (TP.HCM), nhiều nhóm bạn cho biết họ nghe không dưới ba lần câu nói “Xin lỗi, anh chị cho em ít phút bán hàng gây quỹ”.

Môt nhóm bạn đến mời mọi người mua hoa. Ảnh minh họa. Ảnh : Mạnh Khang

Gần đây, rất nhiều nhóm người tự xưng bán hàng gây quỹ để làm tình nguyện tại một số khu vực trung tâm TP.HCM và các trường Đại học.

Đa phần các hoạt động bán hàng gây quỹ làm từ thiện diễn ra ở nơi công cộng, các khu vực tập trung đông người. Các nhóm người này liên tục mời mua sản phẩm thủ công, quà lưu niệm hoặc thức ăn. Họ gây không ít phiền phức và khó chịu cho người được mời.

Giá cao gấp đôi gấp ba giá thực

Sinh viên Nguyễn Thanh Trí (khoa Công nghệ thông tin, ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Ngồi ăn uống với nhóm bạn ở chợ đêm Làng Đại học Thủ Đức – TP.HCM một chút mà có 3-4 nhóm đến hỏi xin ít phút để giới thiệu sản phẩm bán hàng gây quỹ. Ai cũng có lý do riêng nhưng mình chỉ mua ủng hộ cho nhóm đầu tiên thôi. Nói thật, mình cảm thấy rất khó chịu”.

>> Sinh viên Nguyễn Thanh Trí

Thanh Trí khẳng định bản thân anh đặt niềm tin vào các nhóm bán hàng này chứ thật sự không biết họ có phải bán hàng gây quỹ thật hay không?

>> Sinh viên Nguyễn Thanh Trí

Rất nhiều sản phẩm tăm tre, bút viết, thực phẩm vv…được người bán “gây quỹ” bán với giá rất cao. Em Trần Anh Việt (14 tuổi, học sinh lớp 9, ở quận Bình Thạnh) kể: “em đang đứng chờ người nhà trước tòa nhà Diamond Plaza (Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) có người bán tăm từ thiện đến bán vài ba gói tăm. Em đưa 50.000 đồng, cứ tưởng rằng họ sẽ thối lại tiền. Tuy nhiên, họ chẳng nói gì, chỉ đưa cho em tờ giấy bảo em ký tên vào danh sách những người mua tăm từ thiện và lấy tiền đi luôn”.

Sinh viên Nguyễn Lê Thị Việt Trinh (ĐH Ngoại thương TP.HCM, cơ sở 2) nhận định: “Không biết có phải gây quỹ thật sự hay không nhưng nhiều nhóm bạn bán các sản phẩm với giá rất cao, chuyện nhỏ như bắp rang, bán giá gấp đôi bên ngoài”.

>> Sinh viên Nguyễn Lê Thị Việt Trinh

Chị Trần Ngọc Thảo Phương (Q.1, TP.HCM) kể : “Nhiều lần mình và nhóm bạn ra Hồ Con Rùa chơi và lần nào cũng gặp một bạn nam bán sữa chua nếp cẩm. Bạn ấy chỉ cần nói “cho mình xin ít phút…” là tụi mình biết ngay bạn chuẩn bị làm gì, quen quá rồi mà! Nhưng khi hỏi bạn làm cho chương trình từ thiện nào thì bạn ấy cứ ấp úng. Mình gặp bạn cách đây 2 tháng, đến bây giờ ra vẫn gặp lại bạn này, lần nào cũng nói như nhau”.

>>  Chị Trần Ngọc Thảo Phương

Chị Phương bức xúc: “Nói làm từ thiện mà mình từ chối thì cũng hơi kì nhưng không biết ai thật ai giả. Gây quỹ làm từ thiện đâu chỉ có một cách”.

>> Chị Trần Ngọc Thảo Phương

Làm sao nhận diện?

Anh Trương Văn An - phó chủ tịch Hội sinh viên, trưởng Ban Công tác tình nguyện và hỗ trợ sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM giải đáp: “Có thể nhận diện thông qua trang phục và giấy tờ tùy thân của các nhóm bán hàng gây quỹ. Hãy trò chuyện để tìm hiểu xem mục đích của chương trình họ làm là gì? Nội dung chương trình và đối tượng thụ hưởng cụ thể là ai, để biết được chính xác đâu là hoạt động gây quỹ, đâu là giả danh thu lợi”.

>> Anh Trương Văn An

Anh Dương Quan Trung - đội trưởngđội Công tác xã hội (ĐH Ngoại thương, cơ sở 2) - khẳng định: “Đã tham gia bán hàng gây quỹ thì phải nắm rõ thông tin về chương trình mình đang làm”.

>> Anh Dương Quan Trung

Thông thường, qua các câu hỏi đơn giản như tên chương trình, nội dung thực hiện, tổ chức phụ trách, địa điểm thực hiện, người dân có thể cơ bản nhận biết được đâu là hoạt động tình nguyện thật sự của các bạn trẻ, đâu là giả danh.

Tuy nhiên, anh Dương Quan Trung lưu ý: “Các nhóm lợi dụng việc làm tình nguyện để  lừa đảo người dân cũng sẽ biết cách trả lời những câu này. Do vậy, trong lúc giao tiếp nên để ý thái độ, cử chỉ để phân biệt rõ ràng hơn”.

Anh Trung phân tích: “Thường tình nguyện làm theo từng đợt, theo từng chiến dịch nên việc gây quỹ cũng có thời hạn nhất định trong 1-2 tuần. Nếu cứ gặp hoài một nhóm tại một địa điểm thì rất có thể là giả danh”.

>> Anh Dương Quan Trung

Gây quỹ phải có giấy giới thiệu

Các đơn vị trường học, CLB bên ngoài đã có nhiều động thái tự “bảo vệ” chiến sĩ tình nguyện của mình trước những người giả danh, lừa đảo gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng của bạn trẻ làm tình nguyện.

Anh Trương Văn An cho biết, tại đơn vị trường ĐH KHXH&NV, Hội Sinh viên trường có quy định cụ thể sinh viên khi gây quỹ phải mặc đồng phục của trường, của CLB, mang theo đầy đủ các giấy tờ tùy thân, trong đó có thẻ sinh viên.

>> Anh Trương Văn An

Nhiều trường hợp sinh viên gây quỹ còn bị nhóm người mạo danh sinh viên  hành hung vì cho rằng tranh giành địa bàn của họ. 

>> Anh Trương Văn An

Bán hàng gây quỹ là một hình thức cũ, dễ làm phiền người dân, anh Dương Quan Trung chia sẻ: “Hiện tại, đội Công tác xã hội tổ chức chiếu phim, đêm văn nghệ hoặc tham gia ngày hội ở các trường bạn để gây quỹ. Đó là cách làm lành mạnh, được nhiều người ủng hộ”.

>> Anh Dương Quang Trung

Khẳng định Hội sinh viên TP không chủ trương để các đơn vị thực hiện bán hàng gây quỹ nhất là ở những nơi công cộng, anh Phạm Kiều Hưng - phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM cho biết: “Các hoạt động bán hàng gây quỹ hiện tại có thể do nội bộ các CLB - Đội - Nhóm tổ chức hoặc do nhiều nhóm tự phát bên ngoài không thuộc tổ chức Hội thực hiện”.

>> Anh Phạm Kiều Hưng

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên