30/11/2014 06:00 GMT+7

​Tiêu điểm: 78% nữ sinh chịu bạo lực tinh thần

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Bị đánh giá về ngoại hình, gán ghép tên với những biệt danh xấu, bị sỉ nhục bằng ngôn ngữ xúc phạm… là những sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng kết quả học tập của nữ sinh.

Có tới 78% các bạn tham gia trả lời cho biết từng nhận ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học, thường gặp nhất là bạo lực tinh thần. Ảnh minh họa

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9-2014 với hơn 3.000 nữ sinh tại 30 trường học ở Hà Nội. Khảo sát do Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) hợp tác với Tổ chức Phát triển Nhân đạo Quốc tế (Plan) Việt Nam tại và các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Quốc tế (ICRW) thực hiện, nằm trong dự án “Trường học an toàn, thân thiện, bình đẳng”.

Theo đó, có tới 78% các bạn tham gia trả lời cho biết từng nhận ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học, thường gặp nhất là bạo lực tinh thần, cụ thể là đánh giá về ngoại hình, gia cảnh; gán ghép tên nữ sinh kèm các biệt danh xấu, bị sỉ nhục bằng ngôn ngữ xúc phạm, bị phạt tại lớp học...

Bạn Anh Thư (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết việc bị tẩy chay, bị nói xấu thường xảy ra ở cấp THCS nhiều hơn cấp THPT, mức độ cũng khác nhau.

Anh Thư kể lại: “Ở cấp THCS, chỉ cần va quẹt là có thể dẫn tới đánh nhau. Em từng chứng kiến cảnh một bạn nữ cầm dao lam và tát vào bạn kia”.

>> Học sinh Anh Thư

Anh Thư tiếp tục chia sẻ: “Lên cấp THPT thì mức độ khác hơn, có trường hợp viết thư nặc danh đe dọa nhau. Lúc trào lưu confession (thổ lộ giấu tên) rộ lên thì thay vì bày tỏ tình cảm với nhau, các bạn lại chuyển sang chửi nhau, dùng những lời lẽ không hay cho nhau”.

>> Học sinh Anh Thư

Từng bị đánh vì không cho bạn ngồi cạnh bên xem bài, Anh Thư cảm thấy rất bức xúc nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc nhờ thầy cô chuyển vị trí ngồi.

“Lúc em đạt được nhiều thành tích cao, vài bạn lên confession nói xấu em, gây ra xung đột. Đêm đó đọc confession xong đến sáng hôm sau em không muốn đến trường nữa” - Anh Thư bộc bạch.

>> Học sinh Anh Thư

Tỏ ra ngạc nhiên trước con số 78% nữ sinh bị bạo lực, chị Lại Thị Ngọc Khánh (Q.3, TP.HCM) lo lắng khi con em mình vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Chị Khánh cho biết: “Biết đâu được con em mình cũng bị như thế mà nó không dám nói với mình thì sao? Cứ lo lắng, sợ hãi khi đến trường thì làm sao còn tâm trạng học hành nữa”.

>> Chị Lại Thị Ngọc Khánh

Ba hướng phản ứng khi bị bạo lực

Thực trạng bạo lực học đường, cụ thể là bạo lực tinh thần không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn có cả ở những vùng nông thôn.

Nếu gia đình không quan tâm, các em học sinh dễ bị trầm cảm, thậm chí có thể nảy sinh ý định tự tử. Ảnh minh họa

Cô Trương Kim Nguyệt Linh (giáo viên Ngữ Văn, trường THPT Lấp Vò 3, Đồng Tháp) cho rằng: “Khi tâm lý đến trường không ổn định thì các em sẽ không thể học tốt. Cảm giác sợ sệt, trốn tránh ngay trong chính môi trường học đường khiến các em co cụm, ảnh hưởng tới cả hoạt động phong trào, học sinh dần trở nên thụ động, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các em”.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ giải thích: “Ở lứa tuổi mới lớn, con em thường hay trêu ghẹo nhau, thường đưa câu chuyện của người khác ra làm trò đùa. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của người bạn mình, khiến các bạn cảm thấy khác biệt, tự cô lập vì nghĩ mình không giống mọi người”.

Sự cô đơn khiến các học sinh buồn bã kéo dài, không thể tập trung học tập. Nếu gia đình không quan tâm, các em học sinh này dễ bị trầm cảm, thậm chí có thể nảy sinh ý định tự tử.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ 

“Ở tuổi nào cũng sẽ có những trò đùa, những sự chê bai. Tuy nhiên nếu chỉ mang tính chất đùa nghịch thì sẽ qua nhanh. Việc đem người khác ra làm trò đùa sẽ làm họ tổn thương. Ở tuổi nhạy cảm, chuyện nhỏ cũng sẽ trở thành chuyện lớn!” - Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết thêm.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng: “Lứa tuổi học sinh cấp THCS thì đặc điểm tâm lý chủ đạo là nhóm bạn, có vai trò quan trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách. Lên cấp THPT thì các em có thêm mối quan tâm học tập nhiều hơn. Nhưng cho dù cấp THCS hay THPT, việc bị cô lập khiến các em hoang mang, mất niềm tin, cảm thấy giá trị bản thân bị sụt giảm”.

>> ThS. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung

Phân tích thêm, ThS. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung chỉ ra 3 hướng phản ứng của học sinh khi bị bạo lực.

Với các em có cá tính, có kĩ năng thì các em sẽ biết cách chứng minh sự “vô tội” của mình với thầy cô và bạn bè. Với những em nhút nhát sẽ thu mình lại, sống trong thế giới riêng. Ngược lại, nhiều em sẽ nổi loạn đế chống đối lại chủ thể đã bạo lực với mình.

ThS. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung lấy dẫn chứng các em học sinh ăn mặc phản cảm để thể hiện cá tính chỉ vì một câu chê bai của bạn bè.

>> ThS. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung

Đồng ý với quan điểm của ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung, cô Trương Kim Nguyệt Linh cho rằng nhóm đối tượng học sinh phản ứng mạnh, gay gắt càng trở nên nguy hiểm khi chính các em này lại trở thành chủ thể cho những quá trình bạo lực tiếp theo.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết dấu hiệu để nhận ra học sinh đang bị bạo lực học đường rất rõ, chỉ cần tinh tế quan sát: “Ở gia đình, các em sẽ buồn bã, không muốn nói chuyện với ai hoặc ở trường thì sẽ không còn xông xáo, không tự tin đứng trước đám đông, không muốn đi học” . Lúc ấy, cần có sự quan tâm kịp thời để học sinh vượt qua được giai đoạn khủng hoảng cảm xúc.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Đừng chìm mãi trong nỗi buồn

Mỗi gia đình phải dạy cho trẻ cách khích lệ, công nhận người khác.

"Nếu trẻ biết được những hậu quả của những việc không tốt đẹp thì trẻ sẽ học được cách giao tiếp phù hợp. Tùy góc nhìn của mỗi người, có thể điểm yếu trong hoàn cảnh này nhưng là điểm mạnh không hoàn cảnh khác” - Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ khẳng định.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ 

Về phía nhà trường, cô Trương Kim Nguyệt Linh cho rằng nhà trường cần quan tâm nhiều hơn tới học sinh, đặc biệt là các tổ chức Đoàn - Hội cần trang bị cho học sinh kĩ năng sống. Thầy cô giáo phải quan sát để nắm bắt kịp thời những học sinh có biểu hiện, thái độ, hành vi ứng xử bạo lực để có cách xử lý.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung kết hợp nhà trường, gia đình và xã hội như một biển pháp toàn diện bảo vệ các em học sinh khỏi hành vị bạo lực học đường. Thạc sĩ Nhung quan ngại về tình hình mạng xã hội đang phát triển với việc thành lập những hội nhóm “anti” có thể khiến học sinh thiếu kiểm soát cảm xúc, hành vi.

>> ThS. tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung

“Cần sự tham gia phản ánh của học sinh trong lớp theo mô hình tự quản” - cô Trương Kim Nguyệt Linh cho rằng chỉ như vậy thì thầy cô mới kịp thời biết được tình hình của lớp học, kịp thời có định hướng giáo dục.

>> Cô Trương Kim Nguyệt Linh

Quan trọng hơn hết là bản thân mỗi học sinh phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết.

Bạn Trần Thị Trang (12A3, THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) bày tỏ: “Em có thấy một số bạn chia sẻ tâm trạng buồn bã trên facebook. Không thể nào để bản thân mình chìm mãi trong nỗi buồn. Phải tự hỏi mình đã làm gì, đúng hay sai đế biết phát huy và khắc phục”.

>> Học sinh Trần Thị Trang 2

Chia sẻ thêm, Trần Thị Trang cho biết tại trường Trang học hiện đang có mô hình phòng tư vấn tâm lý, kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp học sinh gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ từ thầy cô.

>> Học sinh Trần Thị Trang

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên