Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ra sân bay đón Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko - chiều 28-2 - Ảnh: Việt Dũng |
Đây không chỉ là mốc son lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước mà còn gợi lên những cảm xúc khó tả với những người dân xứ Việt yêu mến đất nước mặt trời mọc.
Hơn 20 năm sống tại Nhật Bản, với riêng tôi, Nhật là một dân tộc yêu hòa bình, tinh thần cộng đồng, cống hiến xã hội cao. Những phẩm chất quý này góp phần hình thành nền văn hóa đặc sắc, rất tinh tế của Nhật Bản.
Thế nhưng, người Nhật vẫn chủ động hướng ra bên ngoài, thu nhận những tinh hoa của nhân loại, bổ trợ, hấp thu và chuyển hóa thành văn hóa riêng của mình.
Cũng trong suy nghĩ ấy, người Nhật đã chọn Việt Nam trên con đường toàn cầu hóa của mình.
Có thể khẳng định, người Nhật dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt, có lẽ họ cảm nhận giữa hai dân tộc có nhiều giá trị tương đồng trong văn hóa, ẩm thực, đối nhân xử thế, tấm lòng con người với con người và cả sự hiền hòa, cởi mở chân thành.
Ngoài những con số vốn viện trợ phát triển mà Nhật dành cho Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế..., mối quan hệ sâu đậm hơn giữa hai nước còn được chứng minh bằng những du học sinh, thực tập sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam... sang Nhật. Riêng năm 2016 có hơn 40.000 thực tập sinh và còn tăng mạnh trong năm 2017.
Tăng trưởng này xuất phát từ sự tin tưởng của doanh nghiệp Nhật dành cho người Việt, họ khâm phục sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi của người Việt. Người Nhật tiếp nhận lao động Việt Nam cũng rất đặc biệt, dành nhiều tình cảm chân thành.
Hầu như những ông chủ Nhật không hề giấu nghề, họ luôn cố gắng truyền đạt hết kinh nghiệm, kỹ thuật mình có với mong muốn các thực tập sinh Việt có thể làm ra sản phẩm kỹ thuật cao như người Nhật đã làm được.
Với sự giúp đỡ ấy và được truyền cảm hứng từ các doanh nhân Nhật, rất nhiều lao động khi trở về Việt Nam đã khởi nghiệp thành công, trở thành những ông chủ, nhà quản lý, những kỹ sư góp phần xây dựng đất nước.
Và những phẩm chất về kỷ luật, văn hóa ứng xử cộng đồng, quản lý thời gian, tinh thần phục vụ cộng đồng... theo phong cách Nhật ấy dần dần len lỏi vào cuộc sống của người Việt, giúp nhiều người thay đổi chính bản thân mình, từng bước thay đổi nhận thức cộng đồng, hướng đến các tiêu chuẩn, chất lượng Nhật.
Trong tinh thần học hỏi, người Nhật cũng học tập ngược lại những điều hay của văn hóa Việt Nam, đó là giá trị hướng về gia đình, cội nguồn, có hiếu với cha mẹ. Chứng kiến những lao động Việt dành một phần thu nhập kiếm được gửi về hỗ trợ gia đình, họ biết và trân quý những tình cảm đó.
Chuyến thăm Việt Nam của nhà vua và hoàng hậu Nhật là cột mốc mới để tin tưởng rằng những giá trị chân, thiện, mỹ mà người dân hai quốc gia đang hướng đến sẽ tiếp tục lan tỏa, cộng hưởng trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận