26/09/2016 10:50 GMT+7

Nhà mạng có“bán” khách hàng?

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Sam Media, công ty từ Hong Kong, chỉ bằng dịch vụ tin nhắn trúng thưởng với thủ thuật lách luật đã dễ dàng móc túi khách hàng của bốn mạng điện thoại di động lớn nhất Việt Nam.

Truy cập theo các tin nhắn mời tham gia trò chơi trúng thưởng các sản phẩm hấp dẫn có thể sẽ bị trừ tiền - Ảnh: CHÂU ANH
Truy cập theo các tin nhắn mời tham gia trò chơi trúng thưởng các sản phẩm hấp dẫn có thể sẽ bị trừ tiền - Ảnh: CHÂU ANH

Chưa hết, dư luận choáng váng hơn khi cơ quan chức năng chỉ phạt hành chính những lỗi vi phạm với số tiền... 55 triệu đồng.

Chiêu kiếm tiền của Sam Media quá đơn giản: thông qua đối tác ở Việt Nam đầu tư hệ thống kỹ thuật với 9 đầu số tổng đài làm trung gian kết nối giữa hệ thống kỹ thuật của Sam Media với hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile để gửi tin nhắn tới khách hàng về các chương trình khuyến mãi như tặng thẻ cào, điện thoại, máy tính bảng...

Trong hơn ba năm triển khai dịch vụ với tổng doanh thu hơn 230 tỉ đồng, Sam Media mới trao thưởng... ba chiếc điện thoại, 37 thẻ điện thoại mệnh giá 200.000 đồng cho khách hàng. So với chi phí bỏ ra, đây là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận.

Người tiêu dùng còn choáng hơn nữa khi biết tới 2/3 trong doanh thu 230 tỉ đồng đó đã chảy vào túi các nhà mạng hợp tác cung cấp dịch vụ nhắn tin.

Người tiêu dùng mất tiền không ở đâu xa, chủ yếu vào túi nhà mạng mà mình đang sử dụng. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi “tại sao Sam Media và các công ty chân rết dễ dàng móc túi người tiêu dùng?”.

Đồng thời cũng lý giải cho thái độ lảng tránh trách nhiệm của các nhà mạng khi vụ việc xảy ra.

Chúng tôi đã hỏi các nhà mạng: “Trong hợp đồng ký với các đối tác để triển khai dịch vụ nhắn tin trúng thưởng của Sam Media có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi khách hàng của mình hay không?” nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Có thể thấy trong những vụ hợp tác của nhà mạng với các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung, quyền lợi của người tiêu dùng không được tính đến.

Bởi nhà mạng ngoài việc được hưởng lợi nhuận kếch xù còn nhường một phần cho đối tác rút rỉa khách hàng, theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Như vậy, có khác nào nhà mạng đã “bán” khách hàng của mình để thu lợi.

Vụ Sam Media thu được hơn 230,4 tỉ đồng nhưng chỉ bị phạt hành chính 55 triệu đồng cho hai lỗi vi phạm vì vào thời điểm công ty mở dịch vụ và kinh doanh trong ba năm, chưa có quy định quản lý nội dung này.

Nhưng liệu đến tháng 8-2016 khi quy định về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có hiệu lực, có đảm bảo sẽ không còn xảy ra những vụ tương tự như “Sam Media”?

Một chuyên gia viễn thông nhận định với sự dễ dãi, tiếp tay của các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lại tìm những phương thức khác để móc túi người dùng điện thoại di động.

Tình trạng đó vẫn đang xảy ra, khi khách hàng phải tiếp nhận vô số tin nhắn chào mời các dịch vụ nội dung mỗi ngày.

Để người tiêu dùng bị mất tiền oan, cơ quan quản lý nhà nước không thể vô can. Cả chục ngàn người bị mất oan hàng trăm tỉ đồng, nhà mạng không trả lời, cơ quan quản lý cũng không lên tiếng. Không thể đổ hết lỗi cho các nhà mạng và đối tác của họ.

Bởi một khi không bị buộc phải giải quyết hậu quả do những hợp đồng “rút rỉa” tiền của khách hàng, cứ thế nhà mạng mới xem thường khách hàng, dần dần coi khách hàng là chiếc bánh ngon để cùng đối tác chia chác.

Không chấn chỉnh “thói quen” này, khó tránh khỏi khách hàng lại bị đem “bán” như một món hàng.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên