Gần đây nhất là vụ Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang, mặc cho dư luận lo ngại nhà máy giấy sẽ bức tử sông Hậu, lãnh đạo tỉnh vẫn khẳng định chắc nịch việc cấp phép cho nhà máy là “đúng quy trình”.
Vụ một con trai ông nguyên bộ trưởng bỗng dưng được đặt vào ghế phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn dù chưa có kết luận chính thức nhưng cũng phảng phất cái lý lẽ “đúng quy trình”.
Xa hơn chút là vụ thân tộc cùng chia ghế trọng trách ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), vụ nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống nước cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, rồi vụ các nhà máy thủy điện gây họa cho dân... đều có chung một mẫu số là “đúng quy trình”.
“Đúng quy trình” nổi đình nổi đám hơn là vụ ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Khi ông Thanh mới bị tố “hóa kiếp” xe tư nhân thành xe mang biển số nhà nước thì ai đó vẫn cứ cho rằng việc bổ nhiệm ông này là “đúng quy trình”.
Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại chỉ rõ ông Thanh là người có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng khi làm chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC). Đấy là chưa kể ông Thanh vốn không thuộc diện cán bộ luân chuyển nhưng cứ ào ào được chuyển từ chức nhỏ lên chức to.
Qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Không phải phân tích nhiều, mọi người đều nhận thức rất rõ ông Thanh là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nhưng lại chơi ngông, bất chấp các quy định, vô tư xài xe sang ngay giữa một tỉnh chẳng dư dả gì.
Tệ hơn nữa, ông Thanh còn vi phạm pháp luật khi dùng ảnh hưởng quyền lực để móc ngoặc với cơ quan chức năng nhằm gắn bảng số xanh cho chiếc xe vốn dĩ của tư nhân.
Tất cả những chuyện này được diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, vậy mà không hề bị “tuýt còi”, thậm chí lại có ý kiến đồng tình cho rằng việc ông Thanh thay biển số xe là “để tiện công tác”.
Chừng đó đủ để đánh giá tư cách, lối sống của ông Thanh, chứ đừng nói tới chuyện bố trí vào cương vị này nọ hoặc giới thiệu ra làm ứng viên đại biểu Quốc hội.
Nhìn lại sự nghiệp của ông Thanh cũng thấy có nhiều điều không ổn. Dù dưới góc độ nào thì ông Thanh - với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị - vẫn là người phải chịu trách nhiệm trước khoản lỗ hàng ngàn tỉ của PVC.
Lẽ ra ít nhất ông Thanh phải bị xử lý nhưng ngược lại ông này vẫn vùn vụt thăng tiến, trong ba năm lên mấy cấp, không những thoát khỏi chỉ đạo kiểm điểm của Thủ tướng mà còn bay nhảy sang trọng trách khác. Nếu quy trình đề bạt cán bộ được làm chặt chẽ, thực chất và công minh thì người có tì vết “đậm đen” như ông Thanh chắc chắn phải rớt ngay từ “vòng gửi xe”.
Vụ việc ông Thanh liên quan tới nhiều cơ quan, đi qua không ít cửa xét duyệt, trong đó có những cửa rất nghiêm ngặt, nhưng hồ sơ của ông Thanh đều lọt qua hết. Cho nên không chỉ đơn giản là xử lý ông Thanh mà còn phải xem xét cả những ai đã vượt lên trên quy trình làm nhân sự để chắp cánh cho ông Thanh “bay cao, bay xa”. Như vậy mới đúng là “nhổ cỏ dại phải nhổ cả gốc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận