23/01/2016 08:02 GMT+7

Bán lịch sử để trả nợ!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Hi Lạp là một đất nước vừa có một lịch sử lừng lẫy, vừa làm chủ một nền văn minh nền tảng của văn minh nhân loại (cùng với La Mã).

Lịch sử Hi Lạp ly kỳ đến nỗi ngay ở Việt Nam ít nhất cũng có hai thế hệ biết đến nhân vật huyền thoại Ulysses qua hai bộ phim về con ngựa thành Troy mà vua Ulysses đã nghĩ ra để đánh úp thành này từ bên trong!

Bài thơ kinh điển “Hạnh phúc thay ai như Ulysses đã hành trình tuyệt vời...” của nhà thơ Joachim du Bellay viết năm 1558 mà cả khối Pháp ngữ đều thuộc lòng là một minh họa cho Hi Lạp cổ đại như là đế chế hàng hải lâu đời nhất nhân loại, cũng lâu đời như nền triết học Hi Lạp.

Đại thi hào Hi Lạp Homère đã thuật lại chuyện Ulysses dong buồm bằng kỹ thuật định hướng dựa vào chùm sao Pleiades, Arcturus, Đại hùng tinh... trong Odysseus.

Ngay từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, người Hi Lạp đã chinh phục biển cả và thế giới (Địa Trung Hải) bằng những tàu buồm với ba hàng chèo, vận tốc lên đến 10 hải lý/giờ (cũng bằng không ít tàu vận tải hiện nay)!

Ấy thế mà vào tháng 1-2016, cháu chắt của Ulysses đã phải bán cảng Piraeus cho con cháu của một đế chế cũng cổ ngang Hi Lạp song không hề có chút kinh nghiệm hàng hải nào vào thời Ulysses.

Nếu nhớ rằng cảng Piraeus này đã gắn liền với thành phố Athens từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các lớp tường thành bao quanh cảng này đã góp phần bảo vệ bao đợt tấn công của người Ba Tư, cũng như đã gắn liền với sự bành trướng thương mại của đế chế Hi Lạp, thì có thể mường tượng ra ý nghĩa biểu tượng và thực tế của cảng này trong lịch sử và tâm tư của dân tộc Hi Lạp suốt từ thời cổ đại cho đến năm 2016 này, và cả sau này.

Từ đó, có thể đau xót chia sẻ với người Hi Lạp thời khủng hoảng nợ nần.

Không xót xa sao được khi mà từ vịnh Athens nhìn vào đất liền vẫn còn thấy trải dài cảng Pireaus ngàn đời Hi Lạp, nay sẽ đổi chủ, chỉ do vỡ nợ mà phải bán đi với một dúm tiền là 368,5 triệu euro!

Gọi là “một dúm tiền” do lẽ chỉ mới cách đây 12 năm thôi, Chính phủ Hi Lạp thời đó đã hào hứng và hãnh diện biết bao khi đăng cai Thế vận hội Athens.

Các kiểm tra tài chính sau này cho thấy từ 4,6 tỉ euro dự trù trong kế hoạch ban đầu đã trượt giá lên đến 11,2 tỉ euro (theo số liệu chính thức), thậm chí 20 tỉ euro (theo các tính toán độc lập).

Trượt giá là để “ăn”. Tháng 8 năm ngoái, chính phủ cực tả Hi Lạp đang “đổ vỏ” cho các chính phủ “xơi ốc” trước kia đã gọi đến 64 cựu quan chức Hi Lạp cùng viên chức các tập đoàn nước ngoài ra tòa.

Riêng Hãng Siemens “dính” đến 19 người. Hãng Deutsche Bundesbahn International vì “phi vụ” xây metro ra sân bay. Hãng Daimler vì vụ bán xe vận tải quân sự. Hãng Rheinmetall bị phạt 32 triệu euro do “phi vụ” bán hệ thống phòng không... Hầu như dự án nào cũng có lại quả, cắt xén!

Và bây giờ, chính quyền Tsipras chỉ biết níu áo đưa được người nào ra tòa hay người đó; phạt được ai bao nhiêu may chừng đó!

Chính phủ Hi Lạp vào năm ngoái đã gạt việc bán cảng này ra khỏi chương trình hành động của mình, song nay phải đầu hàng gánh nợ không tài nào trả nổi, đời này cũng như đời sau!

Hi Lạp đã bán đền đài để trả nợ, nay có bán đất cát, bán cả lịch sử của mình là cảng Piraeus do vỡ nợ, trong khi những “con ngựa thành Troy” vinh thân phì gia đang cao bay xa chạy, cũng là dễ hiểu.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên